Mục lục bài viết
- Căn cứ pháp lý:
- 1. Quy định về người làm chứng trong vụ án hình sự chưa đủ 18 tuổi
- 2. Xác định tuổi của người làm chứng
- 3. Thủ tục đặc biệt trong tố tụng hình sự đối với người dưới 18 tuổi
- 4. Quyền và nghĩa vụ của người làm chứng là người chưa thành niên
- 5. Những yêu cầu khi lấy lời khai của người làm chứng là người chưa thành niên
Câu hỏi: Thưa luật sư, con trai tôi năm nay 17 tuổi. Vừa qua bạn cháu và cháu có là nhân chứng trong một vụ án cố ý gây thương tích. Nhưng cháu năm nay tuổi còn nhỏ, cơ quan điều tra có liên hệ với gia đình để yêu cầu cháu lấy lời khai. Vậy, nếu cháu chưa đủ 18 tuổi, cháu có phải làm chứng trước Tòa không?
Trả lời: Cảm ơn câu hỏi của bạn, thay mặt công ty luật Minh khuê, tôi xin giải đáp như sau:
Căn cứ pháp lý:
- Bộ luật Tố tụng hình sự 2015;
- Thông tư liên tịch 01/2011/TTLT-VKSTC-TANDTC-BCA-BTP-BLĐTBXH.
1. Quy định về người làm chứng trong vụ án hình sự chưa đủ 18 tuổi
Trong tố tụng hình sự, vai trò của người làm chứng rất quan trọng, có ý nghĩa trong việc xác định sự thật của vụ án. Người làm chứng có thể trực tiếp biết các tình tiết có liên quan đến vụ án, họ cũng có thể gián tiếp biết các tình tiết đó qua người khác. Họ tham gia tố tụng để khai báo những gì họ biết về vụ án nên họ phải trực tiếp tham gia tố tụng không thể thông qua người đại diện.
– Theo quy định tại Điều 66 Bộ luật Tố tụng hình sự thì: “Người làm chứng trong tố tụng hình sự là người biết được những tình tiết liên quan đến nguồn tin về tội phạm, về vụ án và được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng triệu tập đến làm chứng.”
– Những người sau đây không được làm chứng:
- Người bào chữa của người bị buộc tội;
- Người do nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất mà không có khả năng nhận thức được những tình tiết liên quan nguồn tin về tội phạm, về vụ án hoặc không có khả năng khai báo đúng đắn.
Từ quy định nêu trên, có thể hiểu, bất kì cá nhân nào cũng có thể được xác định là người làm chứng trong vụ án hình sự nếu như đáp ứng được các điều kiện Luật định. Trong Bộ Luật Hình sự cũng như Bộ Luật Tố tụng hình sự không hề nhắc đến điều kiện độ tuổi của người làm chứng. Chỉ cần cá nhân đó biết được những tình tiết liên quan đến nguồn tin về tội phạm, về vụ án và không thuộc các trường hợp cấm thì đều được coi là người làm chứng trong vụ án hình sự. Các cơ quan có thẩm quyền sử dụng lời khai của người làm chứng như một nguồn chứng cứ, nguồn tham khảo để cân nhắc thêm trong quá trình điều tra và giải quyết vụ án hình sự chứ không phải là căn cứ duy nhất để giải quyết vụ án hình sự
Chính vì vậy, người chưa thành niên nếu biết được những tình tiết liên quan đến vụ án hình sự, đồng thời không thuộc các trường hợp cấm thì đều có thể được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng triệu tập với tư cách là người làm chứng.
2. Xác định tuổi của người làm chứng
Khoản 1, 2 Điều 66 BLTTHS 2015 quy định về người làm chứng như sau:
“1. Người làm chứng là người biết được những tình tiết liên quan đến nguồn tin về tội phạm, về vụ án và được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng triệu tập đến làm chứng.
Những người sau đây không được làm chứng: a) Người bào chữa của người bị buộc tội; b) Người do nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất mà không có khả năng nhận thức được những tình tiết liên quan nguồn tin về tội phạm, về vụ án hoặc không có khả năng khai báo đúng đắn…”.
Theo quy định trên thì người dưới 18 tuổi cũng có thể xác định là người làm chứng, kể cả trẻ em, miễn là đáp ứng đủ điều kiện của người làm chứng trong tố tụng hình sự. Tuy nhiên trên thực tế, trẻ em (ví dụ dưới 6 tuổi) có được xem là người làm chứng hay không còn nhiều quan điểm khác nhau. Pháp luật tố tụng hình sự quy định như vậy nhưng có ý kiến vẫn cho rằng tuy BLTTHS quy định các trường hợp không được làm chứng nhưng không có nghĩa độ tuổi nào (không thuộc trường hợp bị cấm) cũng đều có thể là người làm chứng. Bởi về nguyên tắc, một cá nhân có thể xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình khi tham gia các quan hệ pháp luật thì họ phải là người có năng lực hành vi dân sự. Trong khi năng lực hành vi chỉ được pháp luật thừa nhận khi đã đạt đến một độ tuổi nhất định.
Tuy nhiên quan điểm khác cho rằng theo quy định tại Điều 66 BLTTHS 2015 thì không quy định độ tuổi của người làm chứng vì vậy, trẻ em cũng có thể là người làm chứng. Mặt khác, năng lực hành vi dân sự của cá nhân được quy định tại Điều 19 BLDS 2015 được hiểu là “Khả năng của cá nhân bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự”. Còn năng lực pháp luật dân sự của cá nhân được quy định rõ tại khoản 3 Điều 16 BLDS 2015: “Có từ khi người đó sinh ra và chấm dứt khi người đó chết”. Chỉ cần lưu ý, khi lấy lời khai người làm chứng là người chưa thành niên cần phải thực hiện theo đúng quy định tại Điều 14 Thông tư liên tịch số 06/2018/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP-BLĐTBXH ngày 21/12/2018 về phối hợp thực hiện một số quy định của BLTTHS về thủ tục tố tụng hình sự về thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội.
Tác giả cho rằng quan điểm thứ hai hợp lý hơn. Tuy nhiên vướng mắc ở đây chính là tố tụng hình sự chưa quy định về xác định tuổi của người làm chứng là người dưới 18 tuổi.
3. Thủ tục đặc biệt trong tố tụng hình sự đối với người dưới 18 tuổi
Thủ tục đặc biệt trong tố tụng hình sự được quy định tại Phần thứ bảy Chương XXVIII của BLTTHS năm 2015. Thủ tục tố tụng này chỉ áp dụng đối với người bị buộc tội, người bị hại, người làm chứng là người dưới 18 tuổi; và được hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 06/2018/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP-BLĐTBXH.
Người làm chứng là người tham gia tố tụng được quy định tại khoản 1, 2 Điều 66 BLTTHS năm 2015. Khi tiến hành tố tụng có người làm chứng là người dưới 18 tuổi bắt buộc cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải tuân thủ các quy định về thủ tục đặc biệt của BLTTHS năm 2015. T
uy nhiên, trong thực tiễn không phải mọi trường hợp đều có thể xác định một cách rõ ràng, chính xác tuổi của người làm chứng dưới 18 tuổi. Chẳng hạn như giấy khai sinh chỉ ghi năm sinh, hoặc họ không có giấy khai sinh hoặc họ bị thất lạc giấy khai sinh và giấy tờ tùy thân khác… Như vậy, vấn đề là làm thế nào cơ quan tiến hành tố tụng có thể xác định được người làm chứng là người dưới 18 tuổi. Hiện tại BLTTHS năm 2015 chỉ quy định về xác định tuổi của người bị buộc tội, người bị hại là người dưới 18 tuổi tại Điều 417 mà không có quy định về xác định tuổi của người làm chứng là người dưới 18 tuồi. Điều này đã gây khó khăn cho cơ quan, người có thầm quyền tiến hành tố tụng khi tiến hành tố tụng trong các vụ án hình sự.
Theo ý kiến tác giả, nên quy định luôn cách xác định tuổi của người làm chứng là người dưới 18 tuổi theo quy định tại Điều 417 BLTTHS 2015.
4. Quyền và nghĩa vụ của người làm chứng là người chưa thành niên
– Người làm chứng (trong đó bao gồm người làm chứng là người chưa thành niên) có những quyền sau đây:
- Được thông báo, giải thích quyền và nghĩa vụ của người làm chứng;
- Yêu cầu cơ quan triệu tập bảo vệ tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản và quyền, lợi ích hợp pháp khác của mình, người thân thích của mình khi bị đe dọa;
- Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng liên quan đến việc mình tham gia làm chứng;
- Được cơ quan triệu tập thanh toán chi phí đi lại và những chi phí khác theo quy định của pháp luật.
– Người làm chứng (trong đó bao gồm người làm chứng là người chưa thành niên) có những nghĩa vụ sau đây:
- Có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Trường hợp cố ý vắng mặt mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan và việc vắng mặt của họ gây trở ngại cho việc giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử thì có thể bị dẫn giải;
- Trình bày trung thực những tình tiết mà mình biết liên quan đến nguồn tin về tội phạm, về vụ án và lý do biết được những tình tiết đó.
5. Những yêu cầu khi lấy lời khai của người làm chứng là người chưa thành niên
Vì người chưa thành niên là đối tượng dễ bị tổn thương, cần phải được pháp luật bảo vệ. Do đó, đối với việc lấy lời khai của người làm chứng là người chưa thành niên cũng cần phải đặt ra những yêu cầu đặc biệt.
Căn cứ theo quy định tại Điều 15 Thông tư liên tịch 01/2011/TTLT-VKSTC-TANDTC-BCA-BTP-BLĐTBXH hướng dẫn quy định của Bộ Luật tố tụng hình sự đối với người tham gia tố tụng là người chưa thành niên do Viện Kiểm sát nhân dân tối cao – Tòa án nhân dân tối cao – Bộ Công an – Bộ Tư pháp – Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội ban hành, việc lấy lời khai người làm chứng là người chưa thành niên phải được thực hiện theo các yêu cầu sau:
– Thứ nhất, việc lấy lời khai của người làm chứng là người chưa thành niên có thể thực hiện tại nơi tiến hành điều tra hoặc tại nơi ở của người đó. Nơi lấy lời khai người làm chứng là người chưa thành niên cần được bố trí theo cách thức thích hợp để họ cảm thấy an toàn, thoải mái.
– Thứ hai, Điều tra viên, Kiểm sát viên khi tiến hành lấy lời khai người làm chứng là người chưa thành niên phải có thái độ thân thiện, nhẹ nhàng, sử dụng ngôn ngữ phù hợp với độ tuổi, giới tính, khả năng nhận thức, mức độ trưởng thành của họ.
– Thứ ba, khi lấy lời khai của người làm chứng là trẻ em, cơ quan tiến hành tố tụng phải mời cha mẹ, người đỡ đầu, người bảo vệ quyền lợi của người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp khác hoặc thầy cô giáo của người đó tham dự.
Theo yêu cầu của người làm chứng là người chưa thành niên hoặc người đại diện hợp pháp của họ, cơ quan tiến hành tố tụng có thể mời đại diện cơ quan Lao động – Thương binh và Xã hội, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên hoặc cán bộ trợ giúp khác tham gia để hỗ trợ cho họ.
– Thứ tư, cơ quan tiến hành tố tụng cần dựa trên độ tuổi, tình trạng tâm lý, sức khỏe, khả năng nhận thức, mức độ trưởng thành, phát triển của người bị hại, người làm chứng là người chưa thành niên và yêu cầu điều tra để áp dụng các biện pháp nghiệp vụ phù hợp nhằm giảm đến mức thấp nhất số lần phải lấy lời khai cũng như xác định thời lượng các lần lấy lời khai đối với họ. Việc lấy lời khai người làm chứng là người chưa thành niên phải tạm dừng ngay khi họ có biểu hiện mệt mỏi ảnh hưởng đến khả năng khai báo chính xác, đầy đủ.
– Thứ năm, khi lấy lời khai người làm chứng là người chưa thành niên, cơ quan tiến hành tố tụng có thể ghi âm, ghi hình và phải ghi vào biên bản về việc này để khi tiến hành xét xử vụ án, Hội đồng xét xử có thể sử dụng băng ghi âm, ghi hình đó bổ trợ cho các chứng cứ đã được thu thập trong quá trình điều tra.