1. Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước khi thu hồi đất có mồ mả

Mồ mả là nơi chôn cất người đã chết, thể hiện sự thành kính của con, cháu, người thân của người đã mất với người đó. Mồ mả được xem là một yếu tố tâm linh, được mọi người coi trọng, pháp luật cũng không loại trừ điều này, cụ thể là pháp luật Việt Nam cũng đã có những quy định về việc bồi thường khi xâm phạm mồ mả, khi một người có hành vi xâm phạm mồ mả của người đã khuất thì cũng phải bồi thường những chi phí hợp lý để khắc phục thiệt hại. Pháp luật đất đai cũng đưa ra quy định về bồi thường về mồ mả khi Nhà nước tiến hành thu hồi đất, cụ thể theo quy định tại Điều 18 Nghị định 47/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 05 năm 2014 của Chính phủ quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất thì đối với việc di chuyển mồ mả không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 8 của Nghị định này thì người có mồ mả phải di chuyển được bố trí đất và được bồi thường chi phí đào, bốc, di chuyển, xây dựng mới và các chi phí hợp lý khác có liên quan trực tiếp. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định mức bồi thường cụ thể cho phù hợp với tập quán và thực tế tại địa phương.

Như vậy, khi thực hiện bốc, di chuyển, xây dựng mới đối với mồ mả thì sẽ được bồi thường các chi phí hợp lý. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định mức bồi thường cụ thể cho phù hợp với tập quán và thực tế tại địa phương.

Và thủ tục bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất cần phải đảm bảo nguyên tắc bồi thường tại Điều 74 Luật Đất đai năm 2013, cụ thể:

- Người sử dụng đất khi Nhà nước thu hồi đất nếu có đủ điều kiện được bồi thường quy định tại Điều 75 Luật này thì được bồi thường.

- Việc bồi thường được thực hiện bằng việc giao đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất thu hồi, nếu không có đất để bồi thường thì được bồi thường bằng tiền theo giá đất cụ thể của loại đất thu hồi do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định tại thời điểm quyết định thu hồi đất.

- Việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm dân chủ, khách quan, công bằng, công khai, kịp thời và đúng quy định của pháp luật.

 

2. Bồi thường khi thu hồi đất nghĩa trang, nghĩa địa được quy định như thế nào?

Theo khoản 2 Điều 81 Luật Đất đai năm 2013 thì đối với trường hợp tổ chức kinh tế đang sử dụng đất được Nhà nước giao đất để làm nghĩa trang, nghĩa địa quy định pháp luật; doanh nghiệp liên doanh sử dụng đất phi nông nghiệp không phải là đất ở do nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất quy định, khi Nhà nước thu hồi đất thì được bồi thường về đất theo quy định của Chính phủ.

Bên cạnh đó, căn cứ khoản 1 Điều 8 Nghị định 47/2014/NĐ-CP thì việc bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất nghĩa trang, nghĩa địa của tổ chức kinh tế được thực hiện theo quy định như sau:

- Trường hợp thu hồi toàn bộ hoặc một phần diện tích đất mà phần còn lại không đủ điều kiện để tiếp tục thực hiện dự án xây dựng nghĩa trang, nghĩa địa thì chủ dự án được Nhà nước bồi thường bằng việc giao đất mới có cùng mục đích sử dụng nếu dự án đã có chuyển nhượng quyền sử dụng đất gắn với hạ tầng; được bồi thường bằng tiền nếu dự án đang trong thời gian xây dựng kết cấu hạ tầng và chưa có chuyển nhượng quyền sử dụng đất gắn với hạ tầng đó;

- Trường hợp thu hồi một phần diện tích đất mà phần còn lại đủ điều kiện để tiếp tục sử dụng làm nghĩa trang, nghĩa địa thì chủ dự án được bồi thường bằng tiền đối với diện tích đất thu hồi. Nếu trên diện tích đất thu hồi đã có mồ mả thì bố trí di dời mồ mả đó vào khu vực đất còn lại của dự án; trường hợp khu vực đất còn lại của dự án đã chuyển nhượng hết thì chủ dự án được Nhà nước bồi thường bằng giao đất mới tại nơi khác để làm nghĩa trang, nghĩa địa phục vụ việc di dời mồ mả tại khu vực có đất thu hồi. Việc giao đất tại nơi khác để làm nghĩa trang, nghĩa địa quy định tại Điểm này phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan, nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

 

3. Mức giá bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất, di chuyển mồ mả

Theo Điều 17 Nghị định 47/2014/NĐ-CP được sử đổi bổ sung bởi Điều 1 Nghị định 06/2020/NĐ-CP ngày 03 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ thì bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án đầu tư do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư mà phải di chuyển cả cộng đồng dân cư, làm ảnh hưởng đến toàn bộ đời sống, kinh tế - xã hội, truyền thống văn hóa của cộng đồng; dự án thu hồi đất liên quan đến nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được thực hiện như sau:

- Bộ, ngành có dự án đầu tư có trách nhiệm chủ trì phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có đất thu hồi xây dựng khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định và phải bảo đảm kinh phí cho việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo quy định.

Khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư bao gồm những nội dung chủ yếu sau đây:

  1. Diện tích từng loại đất dự kiến thu hồi;
  2. Số tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất trong khu vực dự kiến thu hồi đất;
  3. Dự kiến mức bồi thường, hỗ trợ đối với từng loại đối tượng thu hồi đất; dự kiến giá đất bồi thường đối với từng loại đất, từng loại vị trí;
  4. Phương án bố trí tái định cư (dự kiến số hộ tái định cư, địa điểm, hình thức tái định cư);
  5. Dự kiến tổng số tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và nguồn vốn để thực hiện;
  6. Dự kiến tiến độ thực hiện phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư;
  7. Dự kiến thời gian và kế hoạch di chuyển, bàn giao mặt bằng.

Khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phải thể hiện các nội dung nêu trên cho toàn bộ dự án và chi tiết đến từng địa phương (nếu có). Trường hợp thu hồi đất thực hiện dự án đầu tư mà phải xây dựng khu tái định cư tập trung thì trong các nội dung quy định tại Khoản này phải bao gồm cả khu vực thu hồi đất để xây dựng khu tái định cư tập trung đó.

- Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan tổ chức thẩm tra khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trước khi trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

- Căn cứ vào khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức lập, thẩm định và phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với dự án thực hiện tại địa phương sau khi đã có ý kiến chấp thuận bằng văn bản của Bộ, ngành có dự án đầu tư; tổ chức thực hiện và quyết toán kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư với Bộ, ngành có dự án đầu tư.

Như vậy, nếu việc nhà nước di chuyển mộ thuộc trong các trường hợp bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án đầu tư do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư mà phải di chuyển cả cộng đồng dân cư, làm ảnh hưởng đến toàn bộ đời sống, kinh tế - xã hội, truyền thống văn hóa của cộng đồng; dự án thu hồi đất liên quan đến nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện theo quy định của pháp luật quy định.

Bên cạnh đó, đối với việc di chuyển mồ mả không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 8 Nghị định 47/2014/NĐ-CP thì người có mồ mả phải du chuyển được bố trí đất và được bồi thường chi phí đào, bốc, di chuyển, xây dựng mới và các chi phí hợp lý khác có liên quan trực tiếp. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định mức bồi thường cụ thể cho phù hợp với tập quán và thực tế tại địa phương.

Khi có chủ trương thu hồi đất, xác định được phạm vi, diện tích thu hồi đất mà có mồ mả thì chính quyền địa phương cần phải thông báo và có kế hoạch bố trí nơi chôn cất người chết mới cho người dân để tạo điều kiện cho việc di dời mồ mả thu hồi đất được thực hiện một cách thuận lợi nhất. Nếu trong phần diện tích đất thu hồi mà có mồ mả thì Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng khi lập phương án tổng thể sẽ tiến hành kiểm đếm số lượng mồ mả và lên phương án bồi thường, di chuyển mồ mả, dự kiến địa điểm chuyển đến một cách hợp lý nhất. Phương án tổng thể này được niêm yết công khai và lấy ý kiến của người có đất bị thu hồi. Trường hợp có nhiều ý kiến không tán thành với phương án tổng thể đã lập thì Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng phải giải thích rõ hoặc xem xét, điều chỉnh lại phương án đã lập.

Trong trường hợp mà có mộ mới chôn, chưa cải táng được thì có thể hoãn việc di dời thêm một thời gian đến khi nào có thể đủ điều kiện để cất cải táng, vừa đảm bảo vệ sinh môi trường, vừa đảm bảo không ảnh hưởng đến phong tục, tín ngưỡng tâm linh của người dân

Mọi vướng mắc chưa rõ hoặc có nhu cầu hỗ trợ vấn đề pháp lý khác, quý khách vui lòng liên hệ với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại 24/7, gọi ngay tới số: 1900.6162 hoặc gửi email trực tiếp tại: Tư vấn pháp luật qua email để được giải đáp. Cảm ơn quý khách hàng đã quan tâm theo dõi bài viết của Luật Minh Khuê.