Từ góc độ lập pháp tố tụng hình sự, việc phân loại chứng cứ giúp cho các nhà làm luật quy định trình tự, thù tục thu thập từng loại chứng cứ để từ đó quy định phương pháp kiểm tra, đánh giá phù hợp, đảm bảo tính chính xác, khách quan của quá trình chứng minh.

Từ góc độ hoạt động chứng minh, việc phân loại chứng cứ giúp cho cơ quan tiến hành tố tụng tuân thủ các quy định của pháp luật về thu thập, kiểm tra, đánh giá chứng cứ, lựa chọn phương pháp chứng minh, xác định đúng giá trị chứng minh và sử dụng hợp lí từng loại chứng cứ thu thập được trong quá trình chứng minh vụ án cụ thể.

Khoa học luật tố tụng hình sự Việt Nam phân biệt nhiều loại chứng cứ khác nhau bao gồm chứng cứ trực tiếp và chứng cứ gián tiếp, chứng cứ buộc tội và chứng cứ gỡ tội, chứng cứ gốc và chứng cứ sao chép lại, thuật lại...

1. Chứng cứ

Theo Điều 86 Bộ luật tốt tụng hình sự 2015, chứng cứ là những gì có thật, được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định, được dùng làm căn cứ để xác định có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội và những tình tiết khác có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án.

So với quy định trước đây, khái niệm trong Bộ luật tố tụng hình sự 2015 đã mở rộng chủ thể sử dụng chứng cứ khi không quy định chỉ giới hạn “Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Toà án" mới có quyền này. Điều này đảm bảo quyền tham gia của bị cáo, bị hại và những người tham gia tố tụng khác vào quá trình giải quyết vụ án. Cụ thể là việc tham gia sử dụng chứng cứ, và cả việc kiểm tra, đánh giá các nguồn chứng cứ.

Dựa trên khái niệm này, chứng cứ có các đặc điếm sau: Chứng cứ là có thật, bảo đảm tính khách quan; Chứng cứ có tính hợp pháp; Chứng cứ phải liên quan đến vụ án. Như vậy, nếu thiếu một trong ba yếu tố trên thì sẽ không được xem là chứng cứ.

2. Nguồn chứng cứ

Hiện nay chưa có khái niệm như thế nào là nguồn chứng cứ, khoản 1 Điều 87 Bộ luật tố tụng hình sự 2015, chỉ mới liệt kê các nguồn chứng cứ sau đây: Vật chứng; Lời khai, lời trình bày; Dữ liệu điện tử; Kết luận giám định, định giá tài sản; Biên bản trong hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; Kết quả thực hiện ủy thác tư pháp và hợp tác quốc tế khác; Các tài liệu, đồ vật khác.

Vật chứng: rất đa dạng, có thể là vật được dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội, vật mang dấu vết tội phạm, vật là đối tượng của tội phạm, thậm chí là tiền,…có giá trị chứng minh tội phạm và người phạm tội hoặc có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án.

Nhìn chung, vật chứng trước tiên phải tồn tại ở dạng vật chất, phải liên quan chặt chẽ và phản ánh được những sự kiện khách quan của vụ án hình sự. Trong các nguồn chứng cứ, có thể nói vật chứng là nguồn chứng cứ quan trọng nhất.

Lời khai, lời trình bày: theo quy định lời khai được dùng làm chứng cứ rất đa dạng, nhưng quan trọng nhất vẫn là lời khai của bị cáo, bị hại (nếu có), người làm chứng,… So với vật chứng, lời khai mang tính chủ quan và chịu sự tác động của nhiều yếu tố. Do vậy, trong nhiều vụ án, việc chỉ đánh giá lời khai mà đưa ra quyết định có hay không hành vi tội phạm, đôi khi sẽ mang tính chủ quan và rất dễ dẫn đến oan sai. Lời khai ban đầu do cơ quan điều tra thông qua các biện pháp nghiệp vụ mà có được, sau đó trong quá trình xét xử Toà án tiếp tục kiểm tra tính hợp pháp của nguồn chứng cứ này.

Dữ liệu điện tử là ký hiệu, chữ viết, chữ số, hình ảnh, âm thanh hoặc dạng tương tự được tạo ra, lưu trữ, truyền đi hoặc nhận được bởi phương tiện điện tử. Nhìn chung, loại chứng cứ này thường chỉ xuất hiện trong các vụ án liên quan đến công nghệ thông tin, việc thu thập loại chứng cứ cũng đòi hỏi nhiều biện pháp nghiệp vụ chuyên ngành.

Kết luận giám định là văn bản do cá nhân hoặc cơ quan, tổ chức giám định lập để kết luận chuyên môn về những vấn đề được trưng cầu, yêu cầu giám định.

Kết luận định giá tài sản là văn bản do Hội đồng định giá tài sản lập để kết luận về giá của tài sản được yêu cầu.

Biên bản về hoạt động kiểm tra, xác minh nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử: Những tình tiết được ghi trong biên bản về hoạt động kiểm tra, xác minh nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử được lập theo quy định của Bộ luật tố tụng có thể được coi là chứng cứ.

Kết quả thực hiện ủy thác tư pháp và hợp tác quốc tế khác: Do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cung cấp có thể được coi là chứng cứ nếu phù hợp với chứng cứ khác của vụ án.

Các tài liệu, đồ vật khác trong vụ án: Những tình tiết liên quan đến vụ án ghi trong tài liệu, đồ vật do cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp có thể được coi là chứng cứ. Trường hợp tài liệu, đồ vật này có đặc điểm quy định tại Điều 89 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 thì được coi là vật chứng.

3. Chứng cứ trực tiếp và chứng cứ gián tiếp

Chứng cứ được phân thành chứng cứ trực tiếp và chứng cứ gián tiếp trên cơ sở mối liên hệ giữa chứng cứ với đối tượng chứng minh.

a. Chứng cứ trực tiếp

Chứng cứ trực tiếp là chứng cứ liên quan trực tiếp đến đối tượng chứng minh. Thông qua chứng cứ trực tiếp có thể xác định ngay được những vấn đề cần phải chứng minh được quy định tại Điều 85 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015. Bằng chứng cứ trực tiếp, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có thể chứng minh được ngay hành vi phạm tội, người thực hiện tội phạm, lỗi của người phạm tội, động cơ, mục đích phạm tội, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, các yếu tố nhân thân và các tình tiết khác có ý nghĩa đối với việc giải quyết vụ án.

Do có quan hệ trực tiếp đến đối tượng chứng minh cho nên chứng cứ trực tiếp có giá trị chứng minh rất cao. Lời nhận tội của bị can, bị cáo không được sử dụng làm chứng cứ duy nhất để buộc tội. Chứng cứ trực tiếp có giá trị chứng minh độc lập.

Chứng cứ trực tiếp có thể được rút ra từ các nguồn khác nhau như lời khai của người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo, người làm chứng, bị hại, vật chứng, biên bản...

b. Chứng cứ gián tiếp

Chứng cứ gián tiếp là chứng cứ không liên quan trực tiếp mà chỉ liên quan gián tiếp đến đối tượng chứng minh. Chỉ thông qua chứng cứ gián tiếp không thể xác định được những vấn đề cần phải chứng minh được quy định tại Điều 85 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015. Chứng cứ gián tiếp chỉ xác định sự kiện chứng minh; chứng cứ giân tiếp không chỉ rõ hành vi phạm tội, người thực hiện tội phạm, lỗi của người phạm tội, động cơ, mục đích phạm tội, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, các yếu tố nhân thân và các tình tiết khác có ý nghĩa đối với việc giải quyết vụ án. Chỉ khi kết hợp với các chứng cứ khác, chứng cứ gián tiếp mới có thể giúp xác định được đối tượng chứng minh. Chứng cứ gián tiếp cũng có giá trị chứng minh nhất định về những vấn đề cần phải chứng minh. Do chỉ có mối liên hệ gián tiếp với đối tượng chứng minh nên chứng cứ gián tiếp có giá trị chứng minh không cao. Chứng cứ gián tiếp không có giá trị chứng minh độc lập, chứng cứ gián tiếp chỉ có giá trị chứng minh khi được thu thập, đánh giá trong tổng thể các chứng cứ khác nhau của vụ án.

Cũng như chứng cứ trực tiếp, chứng cứ gián tiếp có thể được rút ra từ các nguồn khác nhau như lời khai, tài liệu, vật chứng...

Ví dụ: Lời khai của người làm chứng rằng vào thời điểm phạm tội người đó trông thấy A ở nơi xảy ra tội phạm. Qua thông tin đó không thể khẳng định A là người thực hiện tội phạm nhưng kết hợp với lời khai của người làm chứng khác là giữa A và bị hại có mâu thuẫn với nhau và ngày hôm trước khi xảy ra vụ án A đã nói là sẽ giết bị hại, với kết luận giám định là trên cán con dao gây án đang cắm ở ngực bị hại có dấu vân tay của A thì có thể xác định được rằng A là người thực hiện tội phạm.

Như vậy, do tính chất mối liên hệ với đối tượng chứng minh khác nhau nên chứng cứ trực tiếp và chứng cứ gián tiếp có giá trị chứng minh khác nhau. Tuy nhiên, mỗi loại chứng cứ đều có những vai trò quan trọng trong quá trình chứng minh vụ án hình sự. Vì vậy, trong quá trình chứng minh, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải thu thập, kiểm tra, đánh giá đầy đủ các chứng cứ, không coi trọng hay xem nhẹ chứng cứ nào. Thực tiễn cho thấy trong nhiều vụ án chứng cứ trực tiếp thu thập được rất hạn chế mà phải dùng các chứng cứ gián tiếp để giải quyết vụ án. Trong điều tra nhiều vụ án, không phải lúc nào cũng tìm ngay ra chứng cứ trực tiếp mà phải thông qua chứng cứ gián tiếp để lập các phương án điều tra tiếp theo; thông qua chứng cứ gián tiếp để tìm ra chứng cứ trực tiếp. Ngay trong trường hợp vụ án thu thập được các chứng cứ trực tiếp thì chứng cứ gián tiếp cũng có vai trò củng cố niềm tin nội tâm của chủ thể chứng minh trong kiểm tra, đánh giá chứng cứ trực tiếp.

4. Chứng cứ buộc tội và chứng cứ gỡ tội

Chứng cứ được phân thành chứng cứ buộc tội hay chứng cứ gỡ tội căn cứ vào ý nghĩa pháp lí hình sự của chứng cứ đó.

a. Chứng cứ buộc tội

Chứng cứ buộc tội là chứng cứ xác định tội phạm được thực hiện, xác định người phạm tội, lỗi của người phạm tội, các tình tiết định khung tăng nặng, các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự và các tình tiết khác bất lợi cho người phạm tội khi giải quyết vụ án.

b. Chứng cứ gỡ tội

Chứng cứ gỡ tội là chứng cứ xác định không có hành vi phạm tội, xác định hành vi không cấu thành tội phạm, xác định các tình tiết loại trừ trách nhiệm hình sự, các tình tiết định khung giảm nhẹ, các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và các tình tiết khác có lợi cho người phạm tội khi giải quyết vụ án.

Chứng cứ buộc tội và chứng cứ gỡ tội có ý nghĩa pháp lí hoàn toàn khác nhau và độc lập vói nhau. Có thể có trường hợp vụ án chỉ có chứng cứ buộc tội hoặc chỉ có chứng cứ gỡ tội. Tuy nhiên, trong thực tế các vụ án đều có cả chứng cứ buộc tội và chứng cứ gỡ tội. Vì vậy, trong quá trình chứng minh cần phải coi trọng cả hai loại chứng cứ; cần phải thu thập cả chứng cứ buộc tội, cả chứng cứ gỡ tội; đánh giá tổng họp tất cả chứng cứ thu thập được...

Như vậy mới có đủ căn cứ để giải quyết vụ án được chính xác, khách quan, toàn diện, công bằng; đảm bảo điều tra, truy tố, xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

5. Chứng cứ gốc và chứng cứ sao chép, thuật lại

Căn cứ vào xuất xứ của thông tin, tư liệu thu thập được, chứng cứ được phân thành chứng cứ gốc và chứng cứ thuật lại (hay còn gọi là chứng cứ sao chép).

a. Chứng cứ gốc

Chứng cứ gốc là chửng cứ được thu thập trực tiếp từ nơi xuất xứ của nó mà không thông qua khâu trung gian nào. Trường hợp người làm chứng trực tiếp biết được các tình tiết liên quan đến vụ án và tự mình khai báo với cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng thì nội dung lời khai đó là chứng cứ gốc.

Thông thường chứng cứ gốc là chứng cứ trực tiếp, nó chỉ thẳng vào đối tượng chứng minh. Tuy nhiên, cũng không loại trừ trường hợp chứng cứ gốc cũng chỉ là chứng cứ gián tiếp. Ví dụ: A thấy B đe doạ giết c và vài ngày sau thì c bị giết. A đã đến khai báo với cơ quan điều tra. Nội dung lời khai của A là chứng cứ gốc vì nó được thu thập trực tiếp từ A nhưng đó là chứng cứ gián tiếp vì nó không chỉ rõ là liệu B có hành vi giết c hay không/

b. Chứng cứ sao chép lại, thuật lại

Chứng cứ sao chép lại, thuật lại là chứng cứ thu thập được không phải trực tiếp từ nơi xuất xứ của nó mà qua một hay nhiều khâu trung gian. Những thông tin, tư liệu liên quan đến đối tượng chứng minh hay sự kiện chứng minh được thu thập thông qua bản sao hoặc qua một người được nghe kể lại.

Ví dụ: A trồng thấy B chém chết c và về nhà kể cho vợ nghe. Vợ A đã đến khai báo với cơ quan điều tra. Nội dung lời khai của vợ A là chứng cứ thuật lại, vì vợ A không trực tiếp biết được sự việc mà chỉ biết được qua khâu trung gian là lời kể của A.

Chứng cứ gốc hay chứng cứ sao chép lại, thuật lại đều có giá trị chứng minh. Tuy nhiên, do được thu thập thông qua các khâu trung gian nên tính chính xác, khách quan của chứng cứ thuật lại bị hạn chế hơn.

Vì vậy, trong quá trình chứng minh cần cố gắng thu thập chứng cứ gốc nhưng nếu chứng cứ gốc chưa thoả mãn giới hạn chứng minh thì việc thu thập chứng cứ sao chép lại, thuật lại cũng rất quan trọng, không nên coi thường hoặc bỏ qua chứng cứ sao chép lại, thuật lại.

Mọi vướng mắc pháp lý liên quan đến lĩnh vực tố tụng hình sự về chứng cứ, chứng minh trong vụ án hình sự, Hãy gọi ngay: 1900.6162 để được Luật sư tư vấn pháp luật hình sự trực tuyến qua tổng đài. Đội ngũ luật sư giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực hình sự luôn sẵn sàng lắng nghe và giải đáp cụ thể.

Trân trọng./.

Bộ phận tư vấn pháp luật hình sự - Công ty luật Minh Khuê