1. Khái niệm và đặc điểm nguồn nguy hiểm cao độ

a. Khái niệm

Tại khoản 1 Điều 601 Bộ luật dân sự năm 2015 chỉ liệt kê những loại tài sản là nguồn nguy hiểm cao độ, mà không đưa ra khái niệm mang tính khái quát về nguồn nguy hiểm cao độ. Cụ thể điều luật như sau:

"Điều 601. Bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra

1. Nguồn nguy hiểm cao độ bao gồm phương tiện giao thông vận tải cơ giới, hệ thống tải điện, nhà máy công nghiệp đang hoạt động, vũ khí, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, thú dữ và các nguồn nguy hiểm cao độ khác do pháp luật quy định..."

Trong khái niệm này, nhà làm luật đã xây dựng khái niệm vẫn theo hướng liệt kê một số nguồn nguy hiểm cao độ, nhưng sự liệt kê lại không thống nhất về nội hàm của các thuật ngữ.

Ta có thể thấy rằng sự hoạt động của tài sản nói chung, hoạt động của nguồn nguy hiểm cao độ nói riêng có thể chịu sự tác động hoặc không chịu sự tác động của con người. Tức là ngay cả khi con người “không vận hành” hoặc “không cho chúng hoạt động” thì bản thân nguồn nguy hiểm cao độ vẫn có những hoạt động “tự thân” ở bên trong, cùng với tác động của môi trường tự nhiên vẫn có thể gây ra thiệt hại. Ví dụ, các chất cháy, chất nổ gặp điều kiện tự nhiên thuận lợi có thể tự bốc cháy, phát nổ mà không cần con người sử dụng bất cứ loại chất xúc tác nào tác động vào chúng.

b. Đặc điểm nguồn nguy hiểm cao độ

Vấn đề đặt ra là nếu xây dựng khái niệm theo hướng liệt kê như vậy thì hoặc sẽ không thể liệt kê đầy đủ về các loại nguồn nguy hiểm cao độ, hoặc là sẽ thể hiện sự cứng nhắc trong cách xây dựng khái niệm, về nguồn nguy hiểm cao độ.

Tuy nhiên ta có thể thấy rằng dù nguồn nguy hiểm cao độ đó gắn với sự hoạt động của bất cứ loại tài sản nào thì cũng đều có những đặc điểm chung, sau đây ta sẽ đi phân tích từng đặc điểm của nó như sau:

Thứ nhất, đặc điểm bất ngờ, gây thiệt hại luôn luôn không báo trước , khó lường trước và có thể ngăn chặn

Đúng vậy, nguồn nguy hiểm cao độ luôn “tiềm ẩn nguy cơ gây ra thiệt hại bất ngờ cho con người hoặc gây thiệt hại về tài sản mà không phải bao giờ con người cũng có thể lường được trước và có thể ngăn chặn”.

Đặc điểm này cho thấy, con người “không thể kiểm soát được một cách tuyệt đối nguy cơ gây thiệt hại”. Hoạt động của nguồn nguy hiểm cao độ thường gây ra thiệt hại một cách bất ngờ, nhanh chóng. Mặc dù con người có thể nắm bắt được quy trình hoạt động của nguồn nguy hiểm cao độ (ví dụ sự vận hành của phương tiện giao thông cơ giới), nhưng hoạt động đó khi nào gây ra thiệt hại thì dường như con người khó có thể nhận biết, tức là việc gây thiệt hại thường xảy ra một cách đột ngột, bất ngờ (ví dụ thuốc súng, bom,... phát nổ sẽ gây thiệt hại ngay chứ không kéo dài một quá trình). Trong khi đó, hoạt động của các loại tài sản khác thường có quá trình gây thiệt hại kéo dài chứ không đột ngột như nguồn nguy hiểm cao độ (ví dụ, con trâu phá lúa phải trong một khoảng thời gian dài chứ không thể bước xuống ruộng là cả ruộng lúa sẽ bị hư hại).

Thứ hai, tần suất gây thiệt hại của nguồn nguy hiểm cao độ cao hơn các loại tài sản khác

Khi nói về tần suất, thực sự tần suất gây thiệt hại của nguồn nguy hiểm cao độ sẽ cao hơn các loại tài sản khác.

Các loại tài sản khác thường chỉ gây thiệt hại với tần suất thấp

Ví dụ: Thiệt hại do cây cối gây ra, nhiều nhất chỉ là một ngôi nhà hay một tài sản nhất định, nó không thể phá hoại tài sản hay bất đọng sản một cách thần tốc hoặc có thể nói đến một ngôi nhà sập xong là chấm dứt hoạt động gây thiệt hại, nhà bên cạnh thường khó có thể sập theo.

Tuy nhiên, hoạt động của nguồn nguy hiểm cao độ thường xảy ra liên tục. Ví dụ các vụ cháy, nổ xăng dầu, ga, thuốc súng,... thường kéo dài liên tục cho đến khi các loại chất này được đặt cạnh nhau cháy hoặc nổ hết.

Thứ ba, hoạt động của nguồn nguy hiểm cao độ thường khó hạn chế, khắc phục

Thông thường thì các loại tài sản khác gây thiệt hại xong thì dẫn đến hậu quả ngay nên có thể dễ dàng khắc phục hậu quả, và thường thì việc gây thiệt hại sẽ không tiếp tục.

Ví dụ, nhà đổ gây thiệt hại xong thì không còn gây thiệt hại nữa.

Ngược lại, đối với nguồn nguy hiểm cao độ gây thiệt hại thì không những chỉ xảy ra những hậu quả trước mắt (hậu quả ngay), mà còn có thể gây ra những hậu quả tiếp theo mà con người khó có thể ngăn chặn.

Ví dụ: Chất phóng xạ đã nhiễm khó khử sạch, thuốc nổ đã nổ một phần thì khó có thể hạn chế phần còn lại không nổ,...

Thứ tư, có thể gây thiệt hại ngay cả khi đang có sử quản lý chặt chẽ của con người

Mặc dù nguồn nguy hiểm cao độ có được chủ sở hữu hoặc chủ thẻ khác quản lý chặt chẽ nhưng đôi khi nó vẫn xảy ra thiệt hại cho người khác. Do đó, đòi hỏi chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng không những phải quản lý chặt chẽ mà còn phải ngăn cản những người khác tiếp xúc với nguồn nguy hiểm cao độ. Trong Bộ luật Dân sự quy định trách nhiệm bồi thường của chủ sở hữu, người được giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ trong trường họp để nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật. Tức là việc quản lý không cẩn thận mà người khác có thể chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì chủ sở hữu, người quản lý, sử dụng cũng phải chịu trách nhiệm bồi thường. Ngoài ra, trách nhiệm bồi thường thiệt hại còn phát sinh ngay cả khi hoàn toàn do lỗi vô ý của người bị thiệt hại.

Hoạt động của nguồn nguy hiểm cao độ thường khó kiểm soát, có thể vượt khỏi sự quản lý của con người, nên pháp luật quy định trách nhiệm của chủ sở hữu, của người chiếm hữu, sử dụng tài sản rất nghiêm ngặt. Theo đó, các chủ thể có trách nhiệm quản lý không những phải quản lý chặt chẽ nguồn nguy hiểm cao độ, mà còn phải ngăn cản những người xung quanh tiếp xúc với nguồn nguy hiểm cao độ. Điều này thể hiện ở quy định loại trừ trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

Tại khoản 3 Điều 601 Bộ luật dân sự năm 2015, nếu thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ được loại trừ trách nhiệm bồi thường.

Như vậy, nếu người bị thiệt hại hoàn toàn có lỗi vô ý thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại không được loại trừ. Dựa vào những phân tích trên thấy rằng, chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ cao phải chịu trách nhiệm quản lý ở mức độ cao hơn so với trách nhiệm của chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng các loại tài sản khác. Điều này không phải vì nguồn nguy hiểm cao độ mang lại nhiều lợi ích hơn, mà do khả năng gây thiệt hại của nó cao hơn các loại tài sản khác.

Trân trọng!

2. Cơ sở pháp lý về nguồn nguy hiểm cao độ gây ra ở Việt Nam

Theo Bộ luật dân sự năm 2015 quy định các điều luật riêng biệt để điều chỉnh vấn đề bồi thường thiệt hại do tài sản gây ra trong từng trường hợp cụ thể.

Trong đó, cơ sở pháp lý của trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra được quy định tại Điều 623 của Bộ luật dân sự trước đây và phần III Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao số 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08 tháng 7 năm 2006 hướng dẫn áp dụng một số quy định củaBộ luật dân sự này về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng (sau đây gọi là NQ 03/2006).

Trong Bộ luật dân sự năm 2015, bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra được quy định tại Điều 601. Như vậy, ở thời điểm hiện tại lúc bấy giờ, khi Bộ luật dân sự năm 2015 chưa có hiệu lực, việc giải quyết tranh chấp liên quan đến bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra không chỉ căn cứ vào Điều 623 Bộ luật Dân sự, mà còn căn cứ vào hướng dẫn trong Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP. Song, những hướng dẫn trong Nghị quyết này còn nhiều vấn đề cần phải bàn luận để hoàn thiện hơn, và sẽ được trình bày trong các phần sau.

3. Bộ luật dân sự Pháp về nguồn nguy hiểm cao độ

Trong Bộ luật Dân sự Pháp, vấn đề bồi thường thiệt hại được quy định rất khái quát. Hầu hết các quy định chỉ mang tính nguyên tắc chung về bồi thường thiệt hại. Trong đó, trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra hoàn toàn không được đề cập. Nhưng điều đó không có nghĩa rằng khi nguồn nguy hiểm cao độ gây thiệt hại thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại không phát sinh, hoặc pháp luật Pháp không điều chỉnh vấn đề bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra.

Tất cả các trường hợp tài sản gây thiệt hại (bao gồm cả những loại nguồn nguy hiểm cao độ như liệt kê tại khoản 1 Điều 601 Bộ luật dân sự năm 2015 của Việt Nam), vấn đề bồi thường thiệt hại sẽ được điều chỉnh bởi các quy định chung từ Điều 1384 đến Điều 1386, trong đó cơ sở pháp lý áp dụng đối với trường hợp nguồn nguy hiểm cao độ gây thiệt hại là Điều 1384.

Theo đó “Mỗi người phải chịu trách nhiệm không những về thiệt hại do mình gây ra mà cả thiệt hại do những người mà mình phải chịu trách nhiệm hoặc những vật mà mình coi giữ gây ra”. Nếu nguồn nguy hiểm cao độ là thú dữ thì cơ sở pháp lý còn bao gồm cả quy định tại Điều 1385.

Theo đó, “chủ sở hữu một con vật hoặc người sử dụng con vật ấy phải chịu trách nhiệm về thiệt hại do con vật gây ra, dù nó đang được coi giữ hoặc bị xổng ra”.

Bộ luật Dân sự Đức cũng không có quy định riêng về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra, đồng thời cũng không đưa ra nguyên tắc chung để xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại do tài sản gây ra. Theo đó, trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra (néu có) chỉ được lồng ghép trong các quy định liên quan đến bồi thường thiệt hại do động vật gây ra (Điều 833 và Điều 834), bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác (Điều 836 và Điều 837).

4. Bộ luật dân sự Nhật Bản về nguồn nguy hiểm cao độ

Cũng giống như trong Bộ luật Dân sự Pháp, Bộ luật Dân sự Nhật Bản cũng không đề cập đến thuật ngữ “nguồn nguy hiểm cao độ”.

Theo đó cũng không có quy định riêng điều chỉnh vấn đề bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra. Thậm chí, Bộ luật Dân sự Nhật Bản không có quy định mang tính nguyên tắc chung về bồi thường thiệt hại do tài sản gây ra.

Khi tài sản gây thiệt hại, trách nhiệm bồi thường thiệt hại chỉ được giải quyết với hai điều luật cụ thể đó là Điều 717 về bồi thường thiệt hại do các cấu trúc trên đất gây ra và Điều 718 về bồi thường thiệt hại do động vật gây ra.

Vậy, nếu các tài sản được coi là nguồn nguy hiểm cao độ (theo quan điểm của Việt Nam) mà gây thiệt hại thì trách nhiệm bồi thường sẽ được giải quyết theo quy định nào? Nếu là ở Việt Nam, đây được coi là một bất cập lớn. Tuy nhiên, trong Bộ luật Dân sự Nhật Bản, quy định mang tính nguyên tắc chung về bồi thường thiệt hại có thể sẽ áp dụng đối với trường hợp này. Tức là “Nếu một người do cố ý hoặc do cẩu thả mà vi phạm quyền của người khác, thì phải bồi thường thiệt hại phát sinh từ việc vi phạm ấy”.

5. Khái quát về Bộ luật dân sự và thương mại Thái Lan

Cũng giống như Bộ luật Dân sự Nhật Bản, Bộ luật Dân sự và Thương mại Thái Lan không có quy định cụ thể về bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra, thậm chí thuật ngữ “nguồn nguy hiểm cao độ” cũng không được đề cập trong Bộ luật này.

Tuy nhiên, Điều 437 Bộ luật này lại có thể được áp dụng đối với trường hợp các các loại tài sản tương tự như nguồn nguy hiểm cao độ trong Bộ luật Dân sự Việt Nam, trong đó Điều luật này có đề cập tới thuật ngữ “vật có thể gây nguy hiểm”. Ngoài ra, những quy định về bồi thường thiệt hại do động vật gây ra (Điều 718), bồi thường thiệt hại do cấu trúc trên đất gây ra (Điều 717) cũng có thể được áp dụng để giải quyết tranh chấp liên quan đến bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra nếu động vật hoặc các cấu trúc trên đất đó được xác định là nguồn nguy hiểm cao độ.

=> Kết luận:

Như vậy, so với pháp luật các quốc gia được đề cập, trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra trong pháp luật Việt Nam cũng có cơ sở pháp lý rõ ràng, cụ thể hơn.

Sự cụ thể hóa quy định về bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra hoàn toàn phù họp với thực trạng áp dụng pháp luật ở Việt Nam, giúp cho việc giải quyết triệt để các tranh chấp về bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể. Việc các nhà làm luật đã có quy định tách biệt như pháp luật Việt Nam là phù hợp bởi nguồn nguy hiểm cao độ bao gồm những tài sản với những đặc trưng đặc thù như ta vừa phân tích phía trên.

Sự khác biệt giữa pháp luật Việt Nam so với pháp luật một số quốc gia trên thế giới không phải yếu tố thể hiện trình độ lập pháp cao hay thấp, việc tuân thủ pháp luật tốt hay không tốt, mà nó chỉ là yếu tố thể hiện sự phù hợp của pháp luật với điều kiện kinh tế - xã hội, với yếu tố văn hóa của mỗi quốc gia. Sự khác biệt cũng thể hiện sụ khác biệt về cơ sở lý luận và thực tiễn mà mỗi quốc gia vận dụng khi ban hành pháp luật.

Trân trọng!