Mục lục bài viết
1. Chứng cứ là gì?
Nếu BLTTHS 2003 quy định về khái niệm chứng cứ và nguồn chứng cứ trong cùng một điều luật (Điều 64), thì BLTTHS 2015 dành 02 điều luật (Điều 86, Điều 87) quy định tách bạch, rõ ràng về khái niệm chứng cứ và nguồn chứng cứ. Điều 86 BLTTHS 2015 so với Điều 64 BLTTHS 2003 đã có sự mở rộng phạm vi chủ thể có quyền thu thập chứng cứ.
Điều 64 BLTTHS 2003 quy định chứng cứ là những gì có thật, được thu thập theo trình tự, thủ tục do BLTTHS quy định mà Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Toà án dùng làm căn cứ để xác định có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội cũng như những tình tiết khác cần thiết cho việc giải quyết đúng đắn vụ án.
Điều 86 BLTTHS 2015 thay đổi theo hướng: “Chứng cứ là những gì có thật, được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định, được dùng làm căn cứ để xác định có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội và những tình tiết khác có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án”.
Như vậy, việc BLTTHS 2015 bỏ cụm từ “Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Toà án” của BLTTHS 2003 cho thấy quyền thu thập chứng cứ không chỉ thuộc về Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án, mà còn là quyền của người tham gia tố tụng.
2. Nguồn chứng cứ
Nguồn chứng cứ là những sự vật chứa đựng chứng cứ, tức chứa đựng các thông tin, tư liệu tồn tại trong thực tế khách quan, liên quan đến vụ án và được thu thập theo trình tự, thủ tục pháp luật quy định. Điều 87 BLTTHS 2015 về nguồn chứng cứ so với khoản 2 Điều 64 BLTTHS 2003 có một số thay đổi, bổ sung.
Theo BLTTHS 2003 thì chứng cứ được xác định bằng: Vật chứng; Lời khai của người làm chứng, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo; Kết luận giám định; Biên bản về hoạt động điều tra, xét xử và các tài liệu, đồ vật khác.
Còn nguồn chứng cứ theo BLTTHS 2015 gồm có: Vật chứng; Lời khai, lời trình bày; Dữ liệu điện tử; Kết luận giám định, định giá tài sản; Biên bản trong hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; Kết quả thực hiện ủy thác tư pháp và hợp tác quốc tế khác; Các tài liệu, đồ vật khác.
3. Quyền thu thập chứng cứ theo quy định của luật cũ
Thu thập, kiểm tra, đánh giá chứng cứ là quá trình chứng minh những vấn đề cần phải chứng minh trong vụ án hình sự. Trên cơ sở đó, các chủ thể tố tụng mới đưa ra các quyết định tố tụng phù hợp với từng giai đoạn tố tụng khi thực hiện nhiệm vụ của mình.
Trong các Bộ luật tố tụng hình sự năm 1988 và năm 2003, việc thu thập chứng cứ được giao cho Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án có thẩm quyền mà các chủ thể tố tụng khác không có quyền thu thập chứng cứ, mà chỉ có quyền đưa ra tài liệu, đồ vật và trình bày những vấn đề có liên quan đến vụ án. Ví dụ, tại Điều 65 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 quy định:
“Để thu thập chứng cứ, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án có quyền triệu tập những người biết về vụ án để hỏi và nghe họ trình bày về những vấn đề có liên quan đến vụ án, trưng cầu giám định, tiến hành khám xét, khám nghiệm và các hoạt động điều tra khác theo quy định của Bộ luật này; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, đồ vật, trình bày những tình tiết làm sáng tỏ vụ án.
Những người tham gia tố tụng, cơ quan, tổ chức hoặc bất cứ cá nhân nào đều có thể đưa ra tài liệu, đồ vật và trình bày những vấn để có liên quan đến vụ án”.
Điều này đã dẫn đến sự độc quyền của các cơ quan tiến hành tố tụng liên quan đến việc có chấp nhận hay không chấp nhận những tài liệu, đồ vật và trình bày những vấn đề có liên quan đến vụ án do các chủ thể khác cung cấp. Tất nhiên, hệ quả của nó là làm cho việc giải quyết vụ án có thể dẫn đến không khách quan, phiến diện, một chiều.
4. Quyền thu thập chứng cứ trong BLTTHS 2015
Khắc phục hạn chế này, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 đã mở rộng quyền thu thập chứng cứ, không chỉ các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng mà cả những chủ thể khác tham gia vào quá trình tố tụng. Cụ thể, khoản 1 Điều 88 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định: “Để thu thập chứng cứ, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có quyền tiến hành hoạt động thu thập chứng cứ theo quy định của Bộ luật này; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp chứng cứ, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử, trình bày những tình tiết làm sáng tỏ vụ án”. Như vậy, quy đỊnh này không hạn chế thẩm quyền thu thập chứng cứ của các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
Bên cạnh đó, tại các khoản 2 và khoản 3 Điều 88 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 đã mở rộng quyền thu thập chứng cứ bằng cách quy định: “Để thu thập chứng cứ, người bào chữa có quyền gặp người mà mình bào chữa, bị hại, người làm chứng và những người khác biết về vụ án để hỏi, nghe họ trình bày về những vấn đề liên quan đến vụ án; đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử liên quan đến việc bào chữa.
Những người tham gia tố tụng khác, cơ quan, tổ chức hoặc bất cứ cá nhân nào đều có thể đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử và trình bày những vấn đề có liên quan đến vụ án”. Đồng thời, để tránh việc làm mất, làm hỏng, làm thất lạc những chứng cứ, đồ vật, tài liệu mà các chủ thể này cung cấp cho các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, khoản 4 và khoản 5 Điều 88 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định: “Khi tiếp nhận chứng cứ, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử liên quan đến vụ án do những người quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này cung cấp, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải lập biên bản giao nhận và kiểm tra, đánh giá theo quy định của Bộ luật này.
Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày lập biên bản về hoạt động điều tra, thu thập, nhận được tài liệu liên quan đến vụ án mà Kiểm sát viên không trực tiếp kiểm sát theo quy định của Bộ luật này thì Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có trách nhiệm chuyển biên bản, tài liệu này cho Viện kiểm sát để kiểm sát việc lập hồ sơ vụ án. Trường hợp do trở ngại khách quan thì thời hạn này có thể kéo dài nhưng không quá 15 ngày. Trong thời hạn 03 ngày, Viện kiểm sát đóng dấu bút lục và sao lưu biên bản, tài liệu lưu hồ sơ kiểm sát và bàn giao nguyên trạng tài liệu, biên bản đó cho Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra. Việc giao, nhận tài liệu, biên bản được lập biên bản theo quy định tại Điều 133 của Bộ luật này.
Như vậy, việc thu thập chứng cứ được bảo đảm tính công bằng của các chủ thể tố tụng cùng tham gia vào việc thu thập chứng cứ giúp cho việc giải quyết vụ án hình sự một cách khách quan, toàn diện, đầy đủ.
5. Kiểm tra, đánh giá chứng cứ
Thông thường, việc thu thập chứng cứ gắn liền với việc kiểm tra, đánh giá chứng cứ. Trong các Bộ luật tố tụng hình sự năm 1988 và năm 2003 không quy định về trách nhiệm kiểm tra chứng cứ. Điều 108 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 đã bổ sung hoạt động kiểm tra, đánh giá chứng cứ như là một hoạt động bắt buộc của các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng: “Người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình phải kiểm tra, đánh giá đầy đủ, khách quan, toàn diện mọi chứng cứ đã thu thập được về vụ án” (khoản 2 Điều 108).
Thực tế đã chỉ ra, chứng cứ được thu thập không thể được sử dụng ngay mà phải tiến hành kiểm tra để xác định tính hợp pháp, xác thực và liên quan đến vụ án. Nội dung của kiểm tra là xem xét tài liệu thu thập được có bảo đảm tính khách quan, liên quan và hợp pháp hay không. Chỉ khi nào những thuộc tính này được kiểm tra và bảo đảm tính xác thực của tài liệu thu thập mới được coi là chứng cứ.
Đánh giá chứng cứ là việc làm khó nhất của quá trình chứng minh. Đây là hoạt động tư duy được tiến hành dưới dạng logic biện chứng dựa trên cơ sở pháp luật hình sự, tố tụng hình sự, ý thức pháp luật và niềm tin nội tâm của chính những người tiến hành tố tụng nhằm xác định giá trị chứng minh của mỗi chứng cứ cũng như toàn bộ chứng cứ đã thu thập được đã đủ để chứng minh những vấn đề cần phải chứng minh hay chưa. Ngay tại Điều 108 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 cũng quy định: Việc xác định những chứng cứ thu thập được phải bảo đảm đủ để giải quyết vụ án hình sự.
Trong Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 không quy định cụ thể thế nào là đủ chứng cứ để giải quyết vụ án. Điều này phụ thuộc vào những vấn đề cần phải chứng minh của từng vụ án cụ thể. Vấn đề quan trọng ở chỗ, các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng xác định được mức độ tin cậy của tất cả các chứng cứ đã thu thập được dùng làm cơ sở kết luận toàn bộ những vấn đề cần phải chứng minh trong vụ án hình sự cụ thể và khẳng định với tất cả những chứng cứ đã thu thập được đã đủ chứng minh những vấn đề cần phải chứng minh, mà không cần phải thu thập thêm những chứng cứ khác nữa. Các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng khẳng định được tính đúng đắn trong kết luận của mình, đã làm sáng tở được quan hệ hữu cơ giữa các chứng cứ và phản ánh được sự logic của những tình tiết trong những vấn đề cần phải chứng minh với những chứng cứ đủ sức thuyết phục và tin cậy.
Chứng minh, chứng cứ trong tố tụng hình sự là vấn đề cốt lõi nhất của tố tụng hình sự. Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 đã mở rộng hơn các Bộ luật tố tụng hình sự năm 1988 và năm 2003 không chỉ về nguồn chứng cứ mà còn thẩm quyền thu thập, kiểm tra đánh giá chứng cứ của các chủ thể tiến hành và tham gia tố tụng hình sự. Điều này thể hiện tính ưu việt, công bằng, công khai, dân chủ hơn trong hoạt động tố tụng hình sự nói chung.
Tuy nhiên, nhận thức được những vấn đề liên quan chứng cứ, thu thập, kiểm tra, đánh giá chứng cứ trong từng vụ án cụ thể là rất khó. Nhưng không phải không làm được. Đã có nhận xét rất đúng rằng, một điều rất lạ là chứng cứ, cũng như các sự vật, hiện tượng khác có trong tự nhiên và xã hội bao giờ cũng chứa đựng trong mình những khả năng liên quan đến thông tin tội phạm. Do vậy, chứng cứ luôn tự phát ra những "tín hiệu" để những người có thẩm quyền tiến hành tố tụng và những chủ thể khác của quá trình tố tụng biết được, từ đó, thực hiện các phương pháp, biện pháp thu thập chứng minh những vấn đề cần phải chứng minh trong vụ án hình sự.
LUẬT MINH KHUÊ (Sưu tầm & Biên tập)