Cơ sở pháp lý:

Luật Đấu thầu năm 2013;

Nghị định 63/2014/NĐ-CP;

- Nghị định 122/2021/NĐ-CP.

1. Vi phạm về tổ chức lựa chọn nhà thầu và đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất

- Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

+ Không nêu, nêu không đầy đủ hoặc không chính xác địa chỉ phát hành hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu trong thông báo mời quan tâm, thông báo mời sơ tuyển, thông báo mời chào hàng, thông báo mời thầu, thư mời thầu;

+ Sửa đổi, làm rõ hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu nhưng không gửi quyết định sửa đổi kèm theo những nội dung sửa đổi đến các nhà thầu đã mua hoặc nhận hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu;

+ Không gửi thông báo kết quả đánh giá hồ sơ đề xuất về kỹ thuật hoặc thông báo không nêu rõ hoặc không đầy đủ nội dung theo quy định của pháp luật về đấu thầu;

+ Không tiếp nhận hoặc tiếp nhận, quản lý hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự tuyển, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất của nhà thầu không đúng quy định pháp luật về đấu thầu;

+ Không phát hành hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu cho nhà thầu theo đúng thời gian, địa điểm nêu trong thông báo mời quan tâm, thông báo mời thầu, thông báo mời chào hàng;

+ Hoàn trả hoặc giải tỏa bảo đảm dự thầu cho nhà thầu không đúng thời hạn quy định.

- Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

+ Không thực hiện gia hạn thời điểm đóng thầu khi việc sửa đổi hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu không đáp ứng thời gian quy định;

+ Không đóng, mở thầu theo đúng thời gian quy định trong hồ sơ mời thầu, thông báo mời thầu;

+ Không gửi biên bản mở thầu cho nhà thầu tham gia dự thầu;

+ Trình, thẩm định, phê duyệt và công khai kết quả lựa chọn nhà thầu không đầy đủ nội dung, không chính xác, không đúng thẩm quyền.

- Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

+ Không tổ chức thẩm định danh sách nhà thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật đối với trường hợp áp dụng phương thức một giai đoạn hai túi hồ sơ, hai giai đoạn hai túi hồ sơ;

+ Không tổ chức thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu trước khi phê duyệt;

+ Không tiến hành làm rõ, yêu cầu bổ sung tài liệu chứng minh tư cách hợp lệ, năng lực và kinh nghiệm của nhà thầu nhưng không làm thay đổi kết quả đánh giá đối với nhà thầu;

+ Đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất của nhà thầu không đúng tiêu chuẩn đánh giá được phê duyệt trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu, quy định pháp luật về đấu thầu nhưng không làm thay đổi kết quả lựa chọn nhà thầu.

- Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

+ Đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất của nhà thầu không đúng tiêu chuẩn đánh giá được phê duyệt trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu, quy định pháp luật về đấu thầu dẫn đến thay đổi kết quả lựa chọn nhà thầu;

+ Không tiến hành làm rõ, yêu cầu bổ sung tài liệu chứng minh tư cách hợp lệ, năng lực và kinh nghiệm của nhà thầu dẫn đến làm thay đổi kết quả đánh giá đối với nhà thầu;

+ Cho phép nhà thầu làm rõ, bổ sung nội dung hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất không đúng quy định làm thay đổi bản chất của hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất dẫn đến làm thay đổi kết quả lựa chọn nhà thầu.

2. Khái quát các quy định về quy trình lựa chọn nhà thầu

2.1 Đối với đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế 

Theo quy định tại khoản 1 Điều 38 Luật đấu thầu 2013, quy trình lựa chọn nhà thầu đối với đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế được thực hiện như sau:

1. Chuẩn bị lựa chọn nhà thầu;

2. Tổ chức lựa chọn nhà thầu;

3. Đánh giá hồ sơ dự thầu và thương thảo hợp đồng;

4. Trình, thẩm định, phê duyệt và công khai kết quả lựa chọn nhà thầu;

5. Hoàn thiện, ký kết hợp đồng.

2.2 Đối với chỉ định thầu

Hình thức chỉ định thầu được chia thành chỉ định thầu theo quy trình thông thường và chỉ định thầu theo thủ tục rút gọn. Việc lựa chọn nhà thầu trong từng trường hợp cũng có sự khác nhau, cụ thể:

Đối với chỉ định thầu theo quy trình thông thường bao gồm các bước:

– Chuẩn bị lựa chọn nhà thầu;

– Tổ chức lựa chọn nhà thầu;

– Đánh giá hồ sơ đề xuất và thương thảo về các đề xuất của nhà thầu;

– Trình, thẩm định, phê duyệt và công khai kết quả lựa chọn nhà thầu;

– Hoàn thiện, ký kết hợp đồng;

Đối với chỉ định thầu theo quy trình rút gọn bao gồm các bước:

– Chuẩn bị và gửi dự thảo hợp đồng cho nhà thầu;

– Thương thảo, hoàn thiện hợp đồng;

– Trình, phê duyệt và công khai kết quả lựa chọn nhà thầu;

– Ký kết hợp đồng.

2.3 Đối với chào hàng cạnh tranh 

Khi lựa chọn hình thức chào hàng cạnh tranh thì việc lựa chọn nhà thầu được tiến hành theo quy định tại khoản 3 Điều 38 Luật đấu thầu 2013

- Đối với chào hàng cạnh tranh theo quy trình thông thường bao gồm các bước: chuẩn bị lựa chọn nhà thầu; tổ chức lựa chọn nhà thầu; đánh giá hồ sơ đề xuất và thương thảo hợp đồng; trình, thẩm định, phê duyệt và công khai kết quả lựa chọn nhà thầu; hoàn thiện, ký kết hợp đồng;

- Đối với chào hàng cạnh tranh theo quy trình rút gọn bao gồm các bước: chuẩn bị và gửi yêu cầu báo giá cho nhà thầu; nhà thầu nộp báo giá; đánh giá các báo giá và thương thảo hợp đồng; trình, phê duyệt và công khai kết quả lựa chọn nhà thầu; hoàn thiện, ký kết hợp đồng.

2.4 Đối với mua sắm trực tiếp 

Quy trình lựa chọn nhà thầu trong trường hợp này được tiến hành như sau:

- Chuẩn bị lựa chọn nhà thầu;

- Tổ chức lựa chọn nhà thầu;

- Đánh giá hồ sơ đề xuất và thương thảo về các đề xuất của nhà thầu;

- Trình, thẩm định, phê duyệt và công khai kết quả lựa chọn nhà thầu;

- Hoàn thiện, ký kết hợp đồng.

2.5 Đối với tự thực hiện 

Khoản 5 Điều 38 Luật đấu thầu 2013 có quy định cụ thể về quy trình lựa chọn nhà thầu như sau:

- Chuẩn bị phương án tự thực hiện và dự thảo hợp đồng;

- Hoàn thiện phương án tự thực hiện và thương thảo, hoàn thiện hợp đồng;

- Ký kết hợp đồng.

2.6 Đối với lựa chọn nhà thầu tư vấn cá nhân 

Quy trình lựa chọn nhà thầu được tiến hành theo trình tự:

- Chuẩn bị và gửi điều khoản tham chiếu cho nhà thầu tư vấn cá nhân;

- Nhà thầu tư vấn cá nhân nộp hồ sơ lý lịch khoa học;

- Đánh giá hồ sơ lý lịch khoa học của nhà thầu tư vấn cá nhân;

- Thương thảo, hoàn thiện hợp đồng;

- Trình, phê duyệt và công khai kết quả lựa chọn nhà thầu;

- Ký kết hợp đồng.

2.7 Đối với các gói thầu có sự tham gia thực hiện của cộng đồng 

Đối với hình thức này, việc lựa chọn nhà thầu được tiến hành theo quy trình:

- Chuẩn bị phương án lựa chọn cộng đồng dân cư, tổ chức, tổ, nhóm thợ tại địa phương để triển khai thực hiện gói thầu;

- Tổ chức lựa chọn;

- Phê duyệt và công khai kết quả lựa chọn;

- Hoàn thiện, ký kết hợp đồng.

3. Quy định về quy trình và thời gian đánh giá hồ sơ dự thầu

Theo quy định tại Điều 18 Nghị định 63/2014/NĐ-CP quy định về đánh giá hồ sơ dự thầu như sau:

Kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ dự thầu, bao gồm:

– Kiểm tra số lượng bản gốc, bản chụp hồ sơ dự thầu;

– Kiểm tra các thành phần của hồ sơ dự thầu, bao gồm: Đơn dự thầu, thỏa thuận liên danh (nếu có), giấy ủy quyền ký đơn dự thầu (nếu có); bảo đảm dự thầu; các tài liệu chứng minh tư cách hợp lệ; tài liệu chứng minh năng lực và kinh nghiệm; đề xuất về kỹ thuật; đề xuất về tài chính và các thành phần khác thuộc hồ sơ dự thầu;

– Kiểm tra sự thống nhất nội dung giữa bản gốc và bản chụp để phục vụ quá trình đánh giá chi tiết hồ sơ dự thầu.

Đánh giá tính hợp lệ của hồ sơ dự thầu:

Hồ sơ dự thầu của nhà thầu được đánh giá là hợp lệ khi đáp ứng đầy đủ các nội dung sau đây:

– Có bản gốc hồ sơ dự thầu;

– Có đơn dự thầu được đại diện hợp pháp của nhà thầu ký tên, đóng dấu (nếu có) theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu; thời gian thực hiện gói thầu nêu trong đơn dự thầu phải phù hợp với đề xuất về kỹ thuật; giá dự thầu ghi trong đơn dự thầu phải cụ thể, cố định bằng số, bằng chữ và phải phù hợp, logic với tổng giá dự thầu ghi trong biểu giá tổng hợp, không đề xuất các giá dự thầu khác nhau hoặc có kèm theo điều kiện gây bất lợi cho chủ đầu tư, bên mời thầu. Đối với nhà thầu liên danh, đơn dự thầu phải do đại diện hợp pháp của từng thành viên liên danh ký tên, đóng dấu (nếu có) hoặc thành viên đứng đầu liên danh thay mặt liên danh ký đơn dự thầu theo phân công trách nhiệm trong văn bản thỏa thuận liên danh;

– Hiệu lực của hồ sơ dự thầu đáp ứng yêu cầu theo quy định trong hồ sơ mời thầu;

– Có bảo đảm dự thầu với giá trị và thời hạn hiệu lực đáp ứng yêu cầu của hồ sơ mời thầu. Đối với trường hợp quy định bảo đảm dự thầu theo hình thức nộp thư bảo lãnh thì thư bảo lãnh phải được đại diện hợp pháp của tổ chức tín dụng hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thành lập theo pháp luật Việt Nam ký tên với giá trị và thời hạn hiệu lực, đơn vị thụ hưởng theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu;

– Không có tên trong hai hoặc nhiều hồ sơ dự thầu với tư cách là nhà thầu chính (nhà thầu độc lập hoặc thành viên trong liên danh);

– Có thỏa thuận liên danh được đại diện hợp pháp của từng thành viên liên danh ký tên, đóng dấu (nếu có);

– Nhà thầu không đang trong thời gian bị cấm tham gia hoạt động đấu thầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu;

– Nhà thầu bảo đảm tư cách hợp lệ theo quy định tại Khoản 1 Điều 5 của Luật Đấu thầu.

Nhà thầu có hồ sơ dự thầu hợp lệ được xem xét, đánh giá về năng lực và kinh nghiệm.

Đánh giá về năng lực và kinh nghiệm:

– Việc đánh giá về năng lực và kinh nghiệm thực hiện theo tiêu chuẩn đánh giá quy định trong hồ sơ mời thầu;

– Nhà thầu có năng lực và kinh nghiệm đáp ứng yêu cầu được xem xét, đánh giá về kỹ thuật.

Đánh giá về kỹ thuật và giá:

– Việc đánh giá về kỹ thuật thực hiện theo tiêu chuẩn và phương pháp đánh giá quy định trong hồ sơ mời thầu;

– Nhà thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật được xem xét xác định giá thấp nhất (đối với trường hợp áp dụng phương pháp giá thấp nhất), giá đánh giá (đối với trường hợp áp dụng phương pháp giá đánh giá).

Sau khi lựa chọn được danh sách xếp hạng nhà thầu, tổ chuyên gia lập báo cáo gửi bên mời thầu để xem xét. Trong báo cáo phải nêu rõ các nội dung sau đây:

– Danh sách nhà thầu được xem xét, xếp hạng và thứ tự xếp hạng nhà thầu;

– Danh sách nhà thầu không đáp ứng yêu cầu và bị loại; lý do loại bỏ nhà thầu;

– Nhận xét về tính cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế trong quá trình tổ chức lựa chọn nhà thầu. Trường hợp chưa bảo đảm cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế, phải nêu rõ lý do và đề xuất biện pháp xử lý;

– Những nội dung của hồ sơ mời thầu chưa phù hợp với quy định của pháp luật về đấu thầu dẫn đến có cách hiểu không rõ hoặc khác nhau trong quá trình thực hiện hoặc có thể dẫn đến làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu; đề xuất biện pháp xử lý.

(MK LAW FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến luật sư, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)
Trên đây là nội dung Luật Minh Khuê đã sưu tầm và biên soạn. Trường hợp trong nội dung tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong nội dung tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề hoặc/ và có sự vướng ngại, thắc mắc, chúng tôi rất mong nhận được ý kiến phản hồi của quý khách hàng. Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài gọi số: 1900.6162 hoặc liên hệ văn phòng để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật Minh Khuê
Rất mong nhận được sự hợp tác!
Trân trọng