>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua điện thoại gọi:  - 1900.6162

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc tiếp cận nguồn tín dụng vẫn còn những trở ngại nhất định đối với không ít doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam. Do vậy, hoàn thiện các quy định của pháp luật về giao dịch bảo đảm và đăng ký giao dịch bảo đảm có tác động tích cực trong việc tăng khả năng tiếp cận vốn, giúp cải thiện đáng kể thị trường cho vay. Tham khảo kinh nghiệm của một số nước cho thấy, ở những nước đạt được chỉ số pháp luật về giao dịch  bảo đảm, đăng ký giao dịch bảo đảm tốt thì người dân, cộng đồng doanh nghiệp sẽ có nhiều khả năng tiếp cận tín dụng tốt hơn, mức độ ổn định của hệ thống tài chính cao hơn, giảm được tỉ lệ các khoản vay không hiệu quả (nợ khó đòi) và chí phí vay cũng thấp hơn.

Trong bối cảnh nêu trên, nhằm thực hiện mục tiêu hoàn thiện pháp luật về giao dịch bảo đảm và đăng ký giao dịch bảo đảm, từng bước tăng cường năng lực, hiện đại hóa hệ thống đăng ký giao dịch bảo đảm tại Việt Nam, tháng 5 năm 2006 Bộ Tư pháp và Chương trình phát triển kinh tế tư nhân - Bộ phận dịch vụ tư vấn đầu tư nước ngoài thuộc Công ty Tài chính quốc tế, Ngân hàng Thế giới (nhóm dự án MPDF-FIAS) đã ký Biên bản thỏa thuận hợp tác. Đây là bước khởi đầu cho chuỗi hoạt động hỗ trợ, hợp tác tích cực giữa hai bên trong việc thực hiện khảo sát, tham vấn và đưa ra khuyến nghị nhằm hiện đại hóa hệ thống đăng ký giao dịch bảo đảm tại Việt Nam. Đến tháng 8 năm 2008 hai bên tiếp tục ký Thỏa thuận hợp tác trong khuôn khổ Dự án “Hỗ trợ kỹ thuật về hoàn thiện khung pháp luật và hệ thống đăng ký giao dịch bảo đảm tại Việt Nam”.

Trong khuôn khổ Dự án giai đoạn II, Bộ Tư pháp mà đơn vị thụ hưởng là Cục Đăng ký và MPDF-FIAS (thuộc IFC - World Bank) thống nhất hợp tác trên 5 lĩnh vực sau:

(1) Hỗ trợ hoàn thiện khung pháp lý cho việc đăng ký giao dịch bảo đảm tại Việt Nam (bao gồm Luật Đăng ký giao dịch bảo đảm và các văn bản hướng dẫn thi hành).

(2) Hỗ trợ việc mua, chỉnh lý và cài đặt phần mềm đăng ký và bước đầu triển khai vận hành hệ thống đăng ký hiện đại, đăng ký điện tử qua mạng của Cục Đăng ký.

(3) Hỗ trợ tổ chức tập huấn và tăng cường năng lực cho các cán bộ của Chính phủ và những người trực tiếp sử dụng (ngân hàng và các tổ chức tài chính có hoạt động cung cấp tín dụng) về khung pháp lý và cách sử dụng hệ thống đăng ký điện tử hiện đại qua mạng.  

(4) Hỗ trợ nâng cao nhận thức của công chúng và tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức và pháp luật cho những người sử dụng trực tiếp hệ thống đăng ký.

(5) Tiến hành khảo sát lần thứ hai ngành tài chính và phân tích về môi trường cho vay tại Việt Nam khi kết thúc dự án, để đánh giá ảnh hưởng của cải cách cho vay có bảo đảm và sự phát triển của Hệ thống đăng ký giao dịch bảo đảm tại Việt Nam.

Trong thời gian triển khai, nhóm dự án MPDF-FIAS và Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm đã tích cực tổ chức các hoạt động trực tiếp và hoạt động hỗ trợ như hội thảo, tọa đàm, làm việc nhóm, tham vấn ý kiến… nhằm đạt được các mục tiêu ngắn hạn, đồng thời hướng tới mục tiêu dài hạn của Dự án trong việc hoàn thiện thể chế về giao dịch bảo đảm và đăng ký giao dịch bảo đảm, xây dựng hệ thống đăng ký hiện đại, đảm bảo tính công khai, minh bạch của các giao dịch bảo đảm, góp phần tích cực làm lành mạnh hóa và phát triển hơn nữa môi trường đầu tư.

Đến thời điểm hiện nay, về cơ bản, hai bên đã triển khai đầy đủ các hoạt động trong Văn kiện Dự án Hỗ trợ kỹ thuật về hoàn thiện khung pháp luật và hệ thống đăng ký giao dịch bảo đảm tại Việt Nam và đã đạt được những kết quả quan trọng, trong đó đặc biệt là các nội dung sau:

1. Góp phần hoàn thiện khung pháp luật về giao dịch bảo đảm và đăng ký giao dịch bảo đảm

Một cột mốc đáng nhớ đánh giá hiệu quả hoạt động của Dự án Hỗ trợ kỹ thuật về hoàn thiện khung pháp luật và hệ thống đăng ký giao dịch bảo đảm tại Việt Nam đó là việc phía đối tác của Dự án đã hỗ trợ Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm trong quá trình nghiên cứu, xây dựng thành công Nghị định 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm và Nghị định 83/2010/NĐ-CP ngày 23/7/2010 của Chính phủ về đăng ký giao dịch bảo đảm. Các văn bản quy phạm pháp luật nêu trên được ban hành đã góp phần nhất thể hoá pháp luật về giao dịch bảo đảm, đăng ký giao dịch bảo đảm của nước ta, kế thừa và pháp điển hoá các quy định của pháp luật hiện hành đã được thực tiễn kiểm nghiệm tính đúng đắn, phù hợp, đồng thời bổ sung một số quy định mới trên cơ sở tổng kết thực tiễn, tham khảo, chọn lọc kinh nghiệm của các nước có hệ thống pháp luật về giao dịch bảo đảm, đăng ký giao dịch bảo đảm phát triển, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội ở Việt Nam, cũng như đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với các quy định hiện hành như Bộ luật Dân sự, Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, Bộ luật Hàng hải, Luật Đất đai, Luật Nhà ở...  Trên cơ sở Nghị định số 163/2006/NĐ-CP, Nghị định số  83/2010/NĐ-CP, Cục Đăng ký đã xây dựng, trình Bộ trưởng ban hành các Thông tư hướng dẫn, trong đó phải kể đến Thông tư số 22/TT-BTP ngày 06/12/2010 của Bộ Tư pháp hướng dẫn về đăng ký, cung cấp thông tin trực tuyến giao dịch bảo đảm, hợp đồng, thông báo việc kê biên tài sản thi hành án.

Như vậy, một trong những mục tiêu đề ra của Dự án là Hỗ trợ hoàn thiện khung pháp lý cho việc đăng ký giao dịch bảo đảm tại Việt Nam đã thực sự tạo được những chuyển biến tích cực trong lĩnh vực đăng ký giao dịch bảo đảm, giúp công khai hóa, minh bạch hóa các giao dịch bảo đảm và xác định thứ tự ưu tiên thanh toán giữa các chủ thể cùng nhận bảo đảm bằng một tài sản. Đồng thời, thông qua đăng ký giao dịch bảo đảm, quyền, lợi ích hợp pháp liên quan đến tài sản bảo đảm của người dân, doanh nghiệp được bảo vệ do có đủ thông tin để tra cứu, tìm hiểu trước khi xem xét, quyết định việc ký kết hợp đồng, cũng như xác định được thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm và là chứng cứ khi Tòa án giải quyết các tranh chấp về tài sản bảo đảm.   

2. Về hỗ trợ xây dựng phần mềm đăng ký trực tuyến giao dịch bảo đảm

Một mục tiêu quan trọng của Dự án Hỗ trợ kỹ thuật về hoàn thiện khung pháp luật và hệ thống đăng ký giao dịch bảo đảm tại Việt Nam đó là việc Dự án hỗ trợ việc mua, chỉnh lý và cài đặt phần mềm đăng ký và bước đầu triển khai vận hành hệ thống đăng ký hiện đại, đăng ký điện tử qua mạng của Cục Đăng ký. Thực hiện hoạt động này, nhóm dự án MPDF-FIAS đã tích cực tìm kiếm, lựa chọn và ký kết hợp đồng mua phần mềm đăng ký và hỗ trợ Cục Đăng ký test phần mềm, chỉnh lý phần mềm, chuyển đổi cơ sở dữ liệu đăng ký nhằm phục vụ cho việc triển khai vận hành hệ thống đăng ký giao dịch bảo đảm trực tuyến.

3. Về hỗ trợ nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ tin học

Để vận hành có hiệu quả hệ thống đăng ký trực tuyến, cùng với nỗ lực của Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm, phía đối tác trong Dự án đã tích cực hỗ trợ nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ tin học thông qua các hoạt động cụ thể như: cử chuyên gia nước ngoài sang Việt Nam để làm việc, giới thiệu và hướng dẫn các thao tác nghiệp vụ; in sách, tài liệu giới thiệu về sự vận hành của hệ thống; tổ chức tham quan, học hỏi kinh nghiệm của một số nước đã áp dụng thành công Hệ thống đăng ký trực tuyến (ví dụ như: Canada, Trung Quốc)…   

4. Về tăng cường tuyên truyền, nâng cao kiến thức pháp lý cho các doanh nghiệp

Nhằm giúp cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là các tổ chức tín dụng, các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam nâng cao kiến thức pháp lý về giao dịch bảo đảm và đăng ký giao dịch bảo đảm, Dự án Hỗ trợ kỹ thuật về hoàn thiện khung pháp luật và hệ thống đăng ký giao dịch bảo đảm tại Việt Nam đã tổ chức thành công một số Tọa đàm, Hội thảo thu hút sự tham gia đông đảo của các chuyên gia pháp lý, các nhà hoạch định chính sách và hoạt động thực tiễn trong lĩnh vực đăng ký giao dịch bảo đảm. Qua các Tọa đàm, Hội thảo, nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp về vai trò, ý nghĩa của đăng ký giao dịch bảo đảm đã thực sự được nâng cao, đồng thời qua đó, nhiều vấn đề pháp lý cũng đã được quan tâm, giải quyết.

Những kết quả nêu trên thực sự đã thể hiện quyết tâm của Bộ Tư pháp trong việc hoàn thiện thể chế, pháp luật về đăng ký giao dịch bảo đảm, góp phần thực hiện thành công Chiến lược cải cách pháp luật, cải cách tư pháp, cải cách hành chính, đồng thời đó là kết quả của quá trình hợp tác tích cực, hiệu quả giữa Bộ Tư pháp Việt Nam và tổ chức IFC trong khuôn khổ Dự án Hỗ trợ kỹ thuật về hoàn thiện khung pháp luật và hệ thống đăng ký giao dịch bảo đảm tại Việt Nam, gòp phần vào sự lớn mạnh, phát triển bền vững của nền tài chính và thị trường tín dụng Việt Nam.

Hồ Quang Huy - Nguyễn Thị Thu Thủy

[1] Ngày 06/12/2010 tại Hà Nội, Bộ Tư pháp tổ chức Lễ ra mắt Hệ thống đăng ký trực tuyến giao dịch bảo đảm.

(MINH KHUE LAW FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến luật sư, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)