Mục lục bài viết
Luật sư tư vấn:
Căn cứ quy định của Luật Đấu thầu năm 2013 và Nghị định 63/2014/NĐ-CP có thể phân tích như sau:
1. Danh sách ngắn là gì?
Căn cứ theo quy định tại Khoản 7 Đều 4 Luật đấu thầu 2013 có quy định về danh sách ngắn như sau:
“7. Danh sách ngắn là danh sách nhà thầu, nhà đầu tư trúng sơ tuyển đối với đấu thầu rộng rãi có sơ tuyển; danh sách nhà thầu được mời tham dự thầu đối với đấu thầu hạn chế; danh sách nhà thầu có hồ sơ quan tâm đáp ứng yêu cầu của hồ sơ mời quan tâm.”
- Khi có những gói thầu lựa chọn hình thức đấu thầu rộng rãi hay đấu thầu hạn chế bên mời thầu hay lực chọn danh sách ngắn để nhằm mục đích lựa chọn chọn ra được danh sách nhà thầu có năng lực và kinh nghiệm để tiến hành phát hành hồ sơ mời thầu, nhằm mục đích sàng lọc trước khi tổ chức lựa chọn nhà thầu, tránh mất nhiều thời gian lãng phí cho việc đánh giá mà nhiều hồ sơ không đạt được như yêu cầu để thực hiện gói thầu.
- Khi đã tổ chức lựa chọn danh sách ngắn thì khi xác định tư cách hợp lệ của nhà thầu thì danh sách ngắn cũng là một trong những điều kiện xác định tư cách hợp lệ của nhà thầu:
“Điều 5. Tư cách hợp lệ của nhà thầu, nhà đầu tư
g) Có tên trong danh sách ngắn đối với trường hợp đã lựa chọn được danh sách ngắn;”
Như vậy, theo quy định trên thì nếu bên mời thầu có tổ chức lựa chọn danh sách ngắn mà nhà thầu lại không có tên trong danh sách ngắn thì nhà thầu đó sẽ hông có đủ tư cách hợp lệ để tham gia đấu thầu đối với gói thầu dó bên cạnh những điều kiện khác có được quy định.
- Muốn phát hành hồ sơ mời thầu hay là hồ sơ yêu cầu đối với gói thầu có lựa chọn danh sách ngắn thì danh sách ngắn phải đã được đăng tải lên trên hệ thống mạng đấu thầu quốc giá theo quy định của Luật đấu thầu.
“Điều 7. Điều kiện phát hành hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu
1. Hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu của gói thầu chỉ được phát hành để lựa chọn nhà thầu khi có đủ các điều kiện sau đây:
c) Thông báo mời thầu, thông báo mời chào hàng hoặc danh sách ngắn được đăng tải theo quy định của Luật này;”
- Cũng theo quy định tại Điều 8 Luật đấu thầu thì danh sách ngắn phải được đăng tải lên trên hệ thống mạng đấu thầu, đây là một trong những quy định bắt buộc
“Điều 8. Thông tin về đấu thầu
1. Các thông tin phải được đăng tải trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, Báo đấu thầu bao gồm:
d) Danh sách ngắn;”
2. Danh sách ngắn áp dụng khi nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 33 Nghị định 63/2014 Hướng dẫn thi hành luật đấu thầu có quy định như sau:
Căn cứ quy mô, tính chất của gói thầu, có thể áp dụng thủ tục lựa chọn danh sách ngắn nhằm lựa chọn các nhà thầu có đủ năng lực và kinh nghiệm theo yêu cầu của gói thầu để mời tham gia đấu thầu. Việc áp dụng thủ tục lựa chọn danh sách ngắn do người có thẩm quyền quyết định và phải được ghi rõ trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu.
3. Đối với đấu thầu hạn chế
Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 22 Nghị định 63/2014/NĐ-CP, việc lựa chọn danh sách ngắn đối với đầu thầu hạn chế được tiến hành như sau:
Theo đó, việc xác định, phê duyệt danh sách ngắn gồm tối thiểu 03 nhà thầu có năng lực, kinh nghiệm đáp ứng yêu cầu của gói thầu và có nhu cầu tham dự thầu.
Sau khi phê duyệt, danh sách ngắn phải được đăng tải các thông tin theo quy định lên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia hoặc Báo đấu thầu.
4. Đối với đấu thầu rộng rãi
Quy trình lập danh sách ngắn để lựa chọn nhà thầu được tiến hành theo quy trình tại khoản 1 Điều 22 Nghị định 63/2014/NĐ-CP. Đó là:
Bước 1: Lập hồ sơ mời sơ tuyển
Hồ sơ mời sơ tuyển bao gồm các nội dung sau đây:
– Thông tin tóm tắt về dự án, gói thầu;
– Chỉ dẫn việc chuẩn bị và nộp hồ sơ dự sơ tuyển;
– Tiêu chuẩn về năng lực và kinh nghiệm của nhà thầu.
Việc đánh giá hồ sơ dự tuyển sử dụng tiêu chí đạt, không đạt. Trong tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự sơ tuyển phải quy định mức tối thiểu để đánh giá là đạt đối với từng nội dung về năng lực và kinh nghiệm của nhà thầu;
Việc phê duyệt hồ sơ mời sơ tuyển phải bằng văn bản và căn cứ vào tờ trình phê duyệt, báo cáo thẩm định hồ sơ mời sơ tuyển.
Bước 2: Thông báo và phát hành hồ sơ mời sơ tuyển
Bên mời thầu có trách nhiệm đăng tải các thông tin theo quy định lên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia hoặc Báo đấu thầu.
Hồ sơ mời sơ tuyển được phát hành miễn phí cho các nhà thầu tới trước thời điểm đóng thầu.
Bước 3: Tiếp nhận và quản lý hồ sơ dự sơ tuyển
Bên mời thầu tiếp nhận và quản lý các hồ sơ dự sơ tuyển đã nộp theo chế độ quản lý hồ sơ mật cho đến khi công khai kết quả sơ tuyển.
Bước 4: Mở và đánh giá hồ sơ dự sơ tuyển
Hồ sơ dự sơ tuyển nộp theo thời gian và địa điểm quy định trong hồ sơ mời sơ tuyển sẽ được mở ngay sau thời điểm đóng thầu. Việc mở hồ sơ dự sơ tuyển phải được ghi thành biên bản và gửi biên bản mở thầu cho các nhà thầu nộp hồ sơ dự sơ tuyển.
Hồ sơ dự sơ tuyển được gửi đến sau thời điểm đóng thầu sẽ không được mở, không hợp lệ và bị loại.
Việc đánh giá hồ sơ dự sơ tuyển thực hiện theo tiêu chuẩn đánh giá quy định trong hồ sơ mời sơ tuyển. Nhà thầu có hồ sơ dự sơ tuyển được đánh giá đạt ở tất cả các nội dung về năng lực và kinh nghiệm được đưa vào danh sách ngắn.
Bước 5: Trình, thẩm định và phê duyệt kết quả sơ tuyển
Trên cơ sở báo cáo kết quả đánh giá hồ sơ dự sơ tuyển, bên mời thầu trình phê duyệt kết quả sơ tuyển, trong đó nêu rõ ý kiến của bên mời thầu về các nội dung đánh giá của tổ chuyên gia.
– Kết quả sơ tuyển phải được thẩm định trước khi phê duyệt.
Việc thẩm định thực hiện theo nguyên tắc sau:
Nguyên tắc chung:
a) Kết quả đánh giá hồ sơ quan tâm, kết quả đánh giá hồ sơ dự sơ tuyển, kết quả lựa chọn nhà thầu phải được thẩm định trước khi phê duyệt;
b) Đối với gói thầu áp dụng phương thức một giai đoạn một túi hồ sơ chỉ tiến hành thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu;
c) Đối với gói thầu áp dụng phương thức một giai đoạn hai túi hồ sơ phải thẩm định danh sách nhà thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật trước khi phê duyệt;
d) Đối với gói thầu áp dụng phương thức hai giai đoạn một túi hồ sơ, không tiến hành thẩm định trong giai đoạn một, việc thẩm định trong giai đoạn hai thực hiện như đối với gói thầu áp dụng phương thức một giai đoạn một túi hồ sơ;
đ) Đối với gói thầu áp dụng phương thức hai giai đoạn hai túi hồ sơ, giai đoạn một chỉ tiến hành thẩm định danh sách nhà thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật, việc thẩm định trong giai đoạn hai thực hiện như đối với gói thầu áp dụng phương thức một giai đoạn một túi hồ sơ và tương ứng với những nội dung được hiệu chỉnh về kỹ thuật so với giai đoạn một;
e) Không tiến hành thẩm định danh sách xếp hạng nhà thầu trước khi phê duyệt, danh sách xếp hạng nhà thầu được phê duyệt trên cơ sở đề nghị của bên mời thầu;
g) Trước khi ký báo cáo thẩm định, đơn vị thẩm định có thể tổ chức họp giữa các bên để giải quyết các vấn đề còn tồn tại nếu thấy cần thiết.
Thẩm định kết quả đánh giá hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển:
a) Hồ sơ trình thẩm định, phê duyệt bao gồm:
- Tờ trình đề nghị phê duyệt kết quả đánh giá hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển của bên mời thầu, trong đó phải nêu rõ ý kiến của bên mời thầu đối với các đề xuất, kiến nghị của tổ chuyên gia;
- Báo cáo kết quả đánh giá hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển của tổ chuyên gia;
- Bản chụp các hồ sơ, tài liệu: Hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, biên bản đóng thầu, mở thầu, hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển của các nhà thầu và những tài liệu khác có liên quan.
b) Nội dung thẩm định bao gồm:
- Kiểm tra các tài liệu là căn cứ của việc mời quan tâm, tổ chức sơ tuyển;
- Kiểm tra việc tuân thủ quy định về thời gian trong quá trình mời quan tâm, tổ chức sơ tuyển;
- Kiểm tra việc đánh giá hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển; việc tuân thủ quy định của pháp luật về đấu thầu và pháp luật khác có liên quan trong quá trình đánh giá hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển;
- Xem xét về những ý kiến khác nhau (nếu có) giữa bên mời thầu với tổ chuyên gia; giữa các cá nhân trong tổ chuyên gia;
- Các nội dung liên quan khác.
c) Báo cáo thẩm định bao gồm các nội dung sau đây:
- Khái quát nội dung chính của dự án và gói thầu, cơ sở pháp lý đối với việc mời quan tâm, tổ chức sơ tuyển;
- Tóm tắt quá trình mời quan tâm, tổ chức sơ tuyển và đề nghị của bên mời thầu về kết quả đánh giá hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển;
- Nhận xét và ý kiến của đơn vị thẩm định về cơ sở pháp lý, việc tuân thủ quy định pháp luật về đấu thầu và pháp luật khác có liên quan; về sự bảo đảm cạnh tranh, công bằng, minh bạch trong quá trình mời quan tâm, tổ chức sơ tuyển; ý kiến thống nhất hoặc không thống nhất về kết quả đánh giá hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển;
- Đề xuất và kiến nghị của đơn vị thẩm định về kết quả đánh giá hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển; về biện pháp xử lý đối với trường hợp phát hiện sự không tuân thủ quy định của pháp luật về đấu thầu và pháp luật khác có liên quan trong quá trình mời quan tâm, tổ chức sơ tuyển; về biện pháp giải quyết đối với những trường hợp chưa đủ cơ sở kết luận về kết quả đánh giá hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển;
- Các ý kiến khác (nếu có).
– Kết quả sơ tuyển phải được phê duyệt bằng văn bản và căn cứ vào tờ trình phê duyệt, báo cáo thẩm định kết quả sơ tuyển.
– Trường hợp lựa chọn được danh sách ngắn, văn bản phê duyệt kết quả sơ tuyển phải bao gồm tên các nhà thầu trúng sơ tuyển và các nội dung cần lưu ý (nếu có). Trường hợp không lựa chọn được danh sách ngắn, văn bản phê duyệt kết quả sơ tuyển phải nêu rõ lý do không lựa chọn được danh sách ngắn.
Bước 6: Công khai danh sách ngắn
Danh sách ngắn phải được đăng tải các thông tin theo quy định lên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia hoặc Báo đấu thầu và gửi thông báo đến các nhà thầu nộp hồ sơ dự sơ tuyển.
Lưu ý: Các nhà thầu có tên trong danh sách ngắn không được liên danh với nhau để tham dự thầu.
Trên đây là tư vấn, phân tích quy định pháp luật của chúng tôi. Việc đưa ra ý kiến tư vấn nêu trên căn cứ vào các quy định của pháp luật và thông tin do quý khách cung cấp. Mục đích đưa ra bản tư vấn này là để các cá nhân, tổ chức tham khảo. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900.6162 để được giải đáp. Rất mong nhận được sự hợp tác!