1. Khái quát chung về công lý

Trong truyền thống pháp luật tự nhiên, công lý được hiểu là yêu cầu, đòi hỏi mỗi cá nhân hoặc nhóm được hưởng những gì mà họ xứng đáng. Công lý là quyền mà tạo hoá ban cho con người. Đây là khái niệm mang tính tổng quát và tuyệt đối, các quy định luật pháp, các nguyên tắc, luật lệ, quy tắc chỉ là những cố gắng nhằm hệ thống, hiện thực và cụ thể hoá khái niệm này.
 John Rawls, đại biểu nổi tiếng của chủ nghĩa tự do của Mỹ, đã định nghĩa công lý là lẽ phải, điều thiện và là phẩm hạnh tối cao của con người, là sự công bằng và công lý chính là chuẩn mực của một xã hội lý tưởng. Chuẩn mực của công bằng trong một thể chế xã hội cụ thể chính là nguyên tắc phân chia quyền lợi và nghĩa vụ cho mỗi cá nhân. Dưới đây là một số nội dung về công lý mà chúng ta cần tìm hiểu.

Công lý là những lẽ đúng đắn được thừa nhận chung trong xã hội, làm cơ sở để phán xét, để xác lập, thực hiện các quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm nhất định. Theo nghĩa tiếng Việt, “lẽ” là điều thường thấy ở đời, được coi là hợp với quy luật, với đạo lý, hoặc là lý do giải thích, là nguyên nhân của sự việc; còn “đúng đắn” là phù hợp với thực tế, quy luật, lẽ phải, đạo lý, không có gì sai. “Những lẽ đúng đắn được thừa nhận chung trong xã hội” sẽ được thể hiện khái quát ở những nội dung sau đây:

2. Công lý chứa đựng sự thật khách quan

Đây là nội dung cơ bản đầu tiên về công lý, công lý luôn chứa đựng sự thật khách quan, đó là những phản ánh trung thực về những gì tồn tại có liên quan về các mối quan hệ xã hội nhất định. Sự thật khách quan này phản ánh những tồn tại trong mối quan hệ xã hội, thể hiện sự nhận thức của con người về đối tượng nhận thức, về các hoàn cảnh khách quan, các đặc điểm của chủ thể trong mối quan hệ, về các khách thể mà chủ thể hướng tới, về các hành vi khách quan gắn với ý muốn chủ quan của chủ thể… Sự thật khách quan là cơ sở, nền tảng đầu tiên quan trọng nhất cho các cơ quan, cá nhân, nhà xây dựng pháp luật, thực thi pháp luật hay xét xử xác lập, thực hiện, đánh giá, phán xét, xác lập các quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm pháp lý đối với các chủ thể tham gia trong các quan hệ pháp luật nhất định được đúng đắn.

3. Công lý đề cao, tôn trọng các quyền của con người

Theo Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền của Liên Hợp Quốc, con người có ba nhóm quyền cơ bản bao gồm Quyền dân sự, Quyền chính trị và Quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa.

Có thể nói công lý luôn là sự đề cao, tôn trọng phẩm giá vốn có và quyền bình đẳng của con người. Phẩm giá vốn có của con người là giá trị khách quan tạo nên các quyền sống, quyền tự do, quyền an toàn cá nhân... của con người và tạo nên quyền bình đẳng giữa người với người. Công lý luôn đòi hỏi mọi người phải có nghĩa vụ tôn trọng quyền con người ở mức cao nhất, vì đó là vô giá, không thể đem ra đổi chác, mặc cả. Lịch sử đã chứng minh, ở đâu có sự chà đạp lên quyền con người thì ở đó sẽ có đấu tranh vì công lý. 

Cùng với việc ghi nhận quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong các bản Hiến pháp năm 1946, 1959, 1980, 1992, Đảng và Nhà nước ta đã thực thi nhiều chính sách bảo đảm quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân và tham gia hầu hết các điều ước quốc tế về quyền con người như Công ước quốc tế về loại trừ các hình thức phân biệt chủng tộc năm 1965, Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa năm 1966, Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị năm 1966, Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ năm 1979, Công ước về quyền trẻ em năm 1989, Công ước về quyền của người khuyết tật năm 2006 v.v… và đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, to lớn, góp phần xây dựng một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa “dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”, đóng góp vào cuộc đấu tranh chung vì mục tiêu hòa bình và tiến bộ xã hội của toàn nhân loại. Trong Tuyên ngôn Độc lập của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ năm 1776 có nêu: “Mọi người sinh ra đều có quyên bỉnh đẳng. Tạo hóa ban cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong đó có quyên sống, quyến tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Những tuyên bố này được tái khẳng định trong Bản Tuyên ngôn Dân quyền và Quyền con người năm 1789 của nước Pháp hay Bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 của Việt Nam... Ở góc độ phổ quát, Tuyên ngôn thế giới về quyển con người còn công bố: “Việc thừa nhận phẩm giá vốn có, các quyền bình đẳng và không thể tách rời của mọi thành viên trong gia đình nhân loại là cơ sở cho tự do, công bằng và hòa bình trên thế giới”.

4. Công lý có mối quan hệ với truyền thống văn hóa, tín ngưỡng như thế nào?

Công lý có mối liên hệ chặt chẽ với truyền thống văn hóa và tín ngưỡng. Truyền thống văn hóa là những gì hình thành từ lâu đời, mang tính bền vững và được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Còn tín ngưỡng là niềm tin vào cõi thiêng liêng mà con người tin vào đó để giải thích thế giới và để mang lại cảm giác bình yên cho bản thân và cho mọi người. Yếu tố truyền thống văn hóa và tín ngưỡng ảnh hưởng đến việc đánh giá, lựa chọn các giá trị, cân nhắc trong mối quan hệ với các nội dung khác của công lý, từ đó làm cho việc đánh giá cái gì là công lý và cái gì là bất công trong mỗi cộng đồng có sự khác nhau. Chẳng hạn về vấn đề công nhận hôn nhân đồng tính, tại Việt Nam do đề cao truyền thống văn hóa cộng đồng nên pháp luật không công nhận, trong khi đó tại một số quốc gia như úc, Hà Lan... thì lại công nhận. Hoặc ví dụ khác liên quan đến tín ngưỡng, giả sử bác sĩ gặp trường hợp có 02 người bệnh sắp chết nhưng chỉ còn một liều thuốc cứu được 01 người, vị bác sĩ này sẽ cứu ai khi mạng sống của 02 người là vô giá? Lúc này, nếu vị bác sĩ nhờ sự may rủi để lựa chọn và tin rằng do Trời quyết định để cứu 01 trong 02 người thì có lẽ sẽ chẳng mấy ai phán xét hay nghi ngờ gì về quyết định của vị bác sĩ này.

5. Một số nội dung cơ bản khác về công lý.

Công lý chứa đựng quy tắc “có đi có lại” trong các mối quan hệ của con người. Quy tắc “có đi có lại” đòi hỏi bên kia phải đối xử với mình giống như mình đã đối xử với bên kia, hoặc cái mình không muốn người khác đối xử với mình thì mình không được đối xử như vậy đối với bên kia, hoặc vì bên kia đã xử như thế nên bên này phải đối xử như vậy; hoặc muốn có quyền thì phải có nghĩa vụ, hoặc đã hưởng thụ thì phải có phải cống hiến, có trách nhiệm…Chế độ có đi có lại được hiểu là một quốc gia sẽ dành các ưu đãi hoặc các chế độ pháp lý nhất định cho cá nhân và pháp nhân nước ngoài, tương ứng như công dân và pháp nhân của mình đã được hưởng tại nước ngoài đó. Quy tắc này tự thân sẽ tiến tới có sự tương xứng giữa cái “có đi” và cái “có lại”, bởi nếu một bên vượt quá cái “có lại” thì lại trở thành cái “có đi” để bên kia thực hiện cái “có lại” tương ứng. Quy tắc “có đi có lại” là cơ sở xử sự của các bên tham gia trong các mối quan hệ, kể cả có sự tự nguyện hay không của các bên tham gia.

Công lý gắn với sự tôn trọng các cam kết, các thỏa thuận mà các bên đã tự do, tự nguyện tham gia trên cơ sở “có đi có lại”, qua đó xác định nội dung quyền và nghĩa vụ đối với nhau. Theo truyền thống, tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận là tiêu chí quan trọng để các chủ thể của quan hệ xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình. Tự do ý chí trong việc lựa chọn hướng xác lập quan hệ  cụ thể và tự nguyện, không bị đe dọa, cưỡng ép trong xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự là yêu cầu cơ bản đối với mọi quan hệ dân sự. Những cam kết này có tính ràng buộc bởi nó xuất phát từ tính tự nguyện trước đó, có mang lại lợi ích cho các bên và có quan hệ “có đi có lại” giữa các bên. Những thỏa thuận này nếu hợp lý và thông dụng, được sử dụng lặp đi lặp lại trong một thời gian dài có thể trở thành tập quán được pháp luật ghi nhận hoặc nâng lên thành pháp luật.

Công lý luôn hướng đến các giá trị và liên quan đến việc đánh giá các giá trị. Giá trị là điều mang lại lợi ích tốt đẹp cho con người. Có những giá trị về vật chất như lợi ích về kinh tế, tiện lợi… và có những giá trị về tinh thần như nhân đạo, nhân văn, dân chủ…; có những giá trị mang tính tôn vinh và có các giá trị mang tính phê phán; có những giá trị trước mắt và những giá trị mang tính lâu dài… Giá trị là mục đích mà các bên hướng tới khi tham gia các quan hệ và làm cho việc xác lập các hành xử của các bên có ý nghĩa.

Công lý có liên hệ chặt chẽ với yêu cầu về lô-gích hình thức. Lô-gích hình thức thể hiện ở 4 yêu cầu: yêu cầu đồng nhất, yêu cầu không mâu thuẫn, yêu cầu không có cái thứ ba và yêu cầu về lý do đầy đủ. Các yêu cầu đồng nhất, không mâu thuẫn và không có cái thứ ba đòi hỏi mỗi một nhận định về một sự vật, hiện tượng nào đó, khi được lặp lại trong cùng một quá trình suy luận, phải giữ nguyên nội dung mang tính nhất quán. Trong trường hợp sự vật, hiện tượng đang là chính nó thì trong cùng một khoảng thời gian, không gian và trong cùng một mối quan hệ nhất định, không được gắn cho sự vật, hiện tượng đang nghiên cứu hai thuộc tính phủ định nhau, tức là một là đúng hoặc là sai không thể có cái thứ ba là cùng đúng và cùng sai. Yêu cầu về lý do đầy đủ đòi hỏi các nhận định phải có tính căn cứ xuất phát từ những luận đề hiển nhiên, phải có lý do tồn tại, nguyên nhân, mục đích nhất định. Yêu cầu về lô-gích hình thức làm cho sự thể hiện của công lý có tính nhất quán và tính thuyết phục.

Tóm lại, bảy nội dung nêu về những lẽ đúng đắn được khái quát hóa từ những quan điểm, tư tưởng phổ biến của con người về công lý trong suốt quá trình vận động, phát triển. Trong các nội dung này, nội dung hướng đến các giá trị và bảo đảm tính “có đi có lại” được coi là nội dung cốt lõi của công lý. Bởi lẽ mục đích sống của con người suy cho cùng là truy cầu lợi ích và mong được nhận những gì xứng đáng được hưởng; ở đó lợi ích đạt được khi có hành vi đúng đắn là sự tán thưởng, có lợi, nhận được giá trị tôn vinh; ngược lại, khi có hành vi sai trái thì sẽ bị chê bai, bất lợi, phải bị phê phán.

Xét vai trò của từng nội dung này làm cơ sở cho việc phán xét, xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm, có thể thấy:

- Sự thật khách quan, sự tôn trọng phẩm giá con người và sự liên hệ truyền thống, tín ngưỡng đóng vai trò làm cơ sở nền tảng;

- Sự hướng đến các giá trị đóng vai trò là cơ sở mục đích;

- Sự tôn trọng thỏa thuận và bảo đảm “có đi có lại” đóng vai trò là cơ sở phương thức thực hiện;

- Sự bảo đảm tính lô-gích hình thức đóng vai trò là cơ sở hình thức thể hiện.

Tuy mỗi nội dung có vai trò khác nhau nhưng chúng đều có quan hệ chặt chẽ với nhau, tạo nên cơ sở lý lẽ vững chắc để xem xét, cân nhắc, quyết định xem ai có quyền, nghĩa vụ hay trách nhiệm gì, hoặc để phán xét ai đúng, ai sai trong những mối quan hệ nhất định. Chẳng hạn, xác định công lý trong một số ví dụ sau:

Ví dụ 1: Giả sử xuất hiện một tình huống có một nhóm khủng bố bắt cóc một số người trên một máy bay đang định tấn công vào một điểm đông dân cư. Trường hợp để xảy ra khủng bố tấn công thì số lượng thiệt mạng là rất lớn, còn nếu tiêu diệt máy bay thì số người bị bắt cóc bị thiệt mạng, số lượng sẽ ít hơn. Vậy xử sự nào là bảo đảm công lý, có cần phải tiêu diệt máy bay để ít người chết hơn hay không?

Cơ sở nền tảng nói rằng, tính mạng con người là vô giá, dù là một hay nhiều người thì vẫn là vô giá. Cơ sở phương thức thực hiện là quy tắc “có đi có lại” nói rằng, những người bị bắt cóc và những người đang sống ở điểm dân cư đều vô tội, đều không đáng phải bị tiêu diệt. Cơ sở mục đích xác định, không thể mang lại giá trị hoặc đại diện cho giá trị khi cho phép giết một số ít người để cứu số người nhiều hơn. Cơ sở hình thức lô-gích xác định, nếu giả sử cho rằng trong hoàn cảnh này phải chấp nhận hy sinh số ít người để cứu nhiều người hơn thì phải nhất quán áp dụng cho những hoàn cảnh tương tự, chẳng hạn như phải giết một người mà không cần có sự đồng ý của người đó để lấy nội tạng cứu sống nhiều người đang cần cấy ghép nội tạng… Như vậy, xét các cơ sở nội dung của công lý đều đi đến phủ nhận quan điểm cần phải giết ít người để cứu nhiều người, vì đó là bất công.

Ví dụ 2: Liên quan vấn đề án tử. Chẳng hạn một người bị mắc bệnh nan y xin được chết để khỏi bị đau đớn. Nếu bác sĩ đồng ý cho bệnh nhân một liều thuốc để chết theo nguyện vọng thì có đảm bảo công lý hay không?

Cơ sở nền tảng yêu cầu phải tôn trọng quyền con người trong đó có quyền sống, vậy quyền được chết thì sao? Ở đây, mặc dù có cơ sở thực hiện là sự tự nguyện, tuy nhiên xét về cơ sở mục đích và cơ sở hình thức, nếu công nhận quyền sống của con người là vô giá cần phải bảo vệ, thì nhất quán xã hội phải đi tìm và chỉ tôn vinh những giá trị nào hướng tới việc bảo vệ quyền sống và sẽ phải phê phán những gì chống lại nó. Hay nói cách khác, xã hội sẽ phải khuyến khích tạo hướng đi, động lực để tìm các phương án cứu chữa hoặc chí ít là giúp người bệnh giảm đau đớn hơn là quy định cho con người quyền được chết để biện minh cho việc bất lực hay vì lợi ích chung chung. Do đó, xét các nội dung cơ sở của công lý, quan điểm công nhận quyền được chết là không đảm bảo công lý.

Rất mong nhận được sự hợp tác!
Trân trọng./.
Luật Minh Khuê (Sưu tầm và Biên soạn).