1. Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng cầm quyền

Hoạt động xét xử của Tòa án cũng như mọi hoạt động có chủ đích khác của con người đều cần đến sự định hướng để đạt được các mục đích đã đề ra. Ở Việt Nam, Đảng Cộng sản là lực lượng duy nhất lãnh đạo nhà nước và xã hội, mọi đường lối, chủ trương và chính sách của Đảng đều quyết định đến tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Do đó, hoạt động xét xử của Tòa án không thể tách rời sự lãnh đạo của Đảng.

Đảng lãnh đạo chung qua việc đưa ra các quan điểm, nguyên tắc, đường lối, chủ trương xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về tư pháp, cải cách tư pháp; lãnh đạo hoạt động thể chế hóa các quan điểm đó thành pháp luật; lãnh đạo đường lối xét xử, bảo vệ pháp luật trong từng thời kỳ; thực hiện việc kiểm tra, giám sát. Ngoài ra, Đảng còn lãnh đạo về' tổ chức cán bộ xét xử, từ việc xây dựng, thực hiện chiến lược, quy hoạch cán bộ đến việc bổ nhiệm.

Sự lãnh đạo của Đảng được thể chế hóa và thể hiện ở thuộc tính giai cấp của nhà nước và pháp luật. Như đã phân tích, để có thể quản lý xã hội một cách thuyết phục, tính xã hội xoay quanh công lý cần được xem là yếu tố nền tảng cho tính giai cấp bộc lộ, thể hiện. Do đó, sẽ là lãnh đạo đúng đắn nếu lợi ích giai cấp của Đảng đặt trên nền tảng của công lý, giúp cho công lý được thể hiện đầy đủ, trọn vẹn. Chỉ có như vậy thì lợi ích giai cấp của Đảng mới nhận được sự đồng thuận, có sức thuyết phục, có khả năng thực hiện và duy trì lâu dài. Xuất phát từ ý nghĩa đó, sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là một phương thức bảo đảm hợp lý, giúp cho Tòa án thực hiện thuận lợi chức năng bảo vệ công lý.

2. Đảm bảo tính độc lập và uy quyền của Tòa án

Theo c. Mác: “Đối với Thẩm phán thì không có cấp trên nào khác ngoài luật pháp. Thẩm phán có trách nhiệm giải thích luật pháp trong việc vận dụng vào từng trường hợp cá biệt, đúng như ông ta hiểu luật pháp khi xem xét nó một cách có lương tri... Thẩm phán độc lập không thuộc về tôi cũng không thuộc về chính phủ. Thẩm phán xem xét hành động của tôi trên cơ sở một đạo luật nhất định”.

“Độc lập tư pháp” là việc Tòa án và Thẩm phán không chịu sự đe dọa hoặc can thiệp trái pháp luật của các yếu tố bên trong và bên ngoài hệ thống Tòa án trong công tác xét xử. Tính độc lập còn đòi hỏi Tòa án phải không thiên vị bất cứ bên nào trong quá trình xét xử, tất cả đều bình đẳng trước pháp luật, bình đẳng trước Tòa án, để hướng tới mục đích duy nhất là bảo vệ công lý. Tính độc lập của Tòa án không phải là mục đích tự thần mà là phương tiện để đạt mục đích là bảo vệ công lý. Tòa án phải chứng tỏ được tính độc lập và mong muốn bảo vệ công lý đến mức cả các nhà chính trị lẫn dân chúng đều tự cảm thấy là phải tuân theo phán quyết.

Tính độc lập của Tòa án phải gắn liền với khả năng thực thi quyền tư pháp, cho phép các thẩm phán, để bảo vệ công lý, có thể đưa ra những phán quyết đi ngược lại quyền lợi của các ngành khác, của chính quyền. Trong trường hợp này, để có tiếng nói vô tư, không thiên vị, không sợ hãi khi thực thi quyền tư pháp thì Tòa án phải độc lập, phải được bảo vệ trước mọi ảnh hưởng của các cơ quan khác, bất kể công khai hay bí mật. Tính độc lập và khả năng thi hành quyền tư pháp của Tòa án chính là chỗ dựa khơi nguồn cho lòng dũng cảm cần thiết để phụng sự các giá trị pháp quyền, đồng thời mang lại cho người dân niềm tin lớn lao và vững chắc hơn vào Tòa án trong quá trình bảo vệ công lý.

Do đó, để Tòa án không phải kiêng nể hay e sợ bất cứ ai, bảo đảm tính độc lập cần thiết trong quá trình xét xử, Tòa án nhất thiết phải được trao cho những uy quyền nhất định, thay vì chỉ quy định cấm các cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của Tòa án chung chung. Uy quyền này đòi hỏi các hoạt động và yêu cầu của Tòa án đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải được tôn trọng, nghiêm chỉnh chấp hành. Nếu Tòa án không có ủy quyền thi khả năng phụ thuộc sẽ là rất lớn. Chẳng hạn như ở Việt Nam hiện nay, việc Tòa án phải chờ đợi sự phối hợp của các cơ quan ủy ban để tống đạt văn bản tố tụng, hoặc phải dựa vào thiện chí của cơ quan hữu quan cung cấp tài liệu còn tương đối phổ biến, dẫn đến sức hoạt động yếu ớt, khó phát huy triệt để được chức năng của Tòa án là bảo vệ công lý Do đó, bên cạnh việc đòi hỏi Tòa án phải có tính độc lập để bảo vệ công lý thì không thể không nhắc đến tính ụy quyền của Tòa án như là một sự bảo đảm tính độc lập trên thực tế.

3. Đạo đức, năng lực, trách nhiệm nghề nghiệp và chế độ đãi ngộ xứng đáng

Để bảo đảm tính độc lập của Tòa án, bên cạnh bảo đảm tính uy quyền để Tòa án không phải e sợ, kiêng nể ai thì đạo đức nghề nghiệp của chủ thể xét xử sẽ là đòi hỏi tất yếu tiếp theo. Đạo đức của chủ thể xét xử yêu cầu phải là đức tính liêm khiết, không được nhận hối lộ hay tham lam để không ảnh hưởng đến tính khách quan, vô tư trong quá trình xét xử. Bởi lẽ, công lý là của mọi người, ai cũng có quyền tiếp cận công lý; không thể chấp nhận công lý được mua bằng tiền và những người không có tiền thì không thể tiếp cận công lý.

Đạo đức của chủ thể xét xử cũng đòi hỏi họ phải là người có quyết tâm đi đến tận cùng sự thật, quyết tâm bảo vệ công lý. Do đó, yếu tố quan trọng tiếp theo là năng lực, trình độ của chủ thể xét xử phải được đòi hỏi rất cao, nhất là cán bộ xét xử ở cấp cao nhất, nơi có thể xét xử cuối cùng để chấm dứt vụ việc tranh cãi pháp lý trong xã hội.

Bên cạnh đó, phải có đầy đủ các quy định về trách nhiệm kỷ luật nghề nghiệp để kịp thời xử lý nghiêm khắc các vi phạm, qua đó nhắc nhở các chủ thể xét xử luôn có trách nhiệm, tập trung vào các mục đích đã được đặt ra.

Điều tất yếu cuối cùng, việc yêu cầu cao đối với đạo đức, năng lực, trách nhiệm nghề nghiệp thì chế độ đãi ngộ phải được quan tầm xứng đáng, thể hiện qua chế độ tiền lương, phụ cấp tốt, Cơ hội thăng tiến bình đẳng... thì qua đó mới tạo cơ sở, động lực, thu hút được nguồn nhân lực cao đáp ứng các yêu cầu đặt ra.

4. Đảm bảo về mặt pháp lý

Pháp luật vừa là đối tượng được bảo vệ, vừa là cơ sở để bảo vệ công lý. Nếu pháp luật chứa đựng đầy đủ công lý sẽ có ý nghĩa quyết định thuận lợi cho việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ công lý của Tòa án. Đảm bảo về mặt pháp lý được nhìn nhận ở các góc độ sau:

Thứ nhất, hoạt động xét xử được quy định và kiểm soát trước hết bởi pháp luật tố tụng. Nếu pháp luật tố tụng quy định các trình tự, thủ tục hợp lý, khoa học, đảm bảo tốt quyền tiếp cận công lý, sẽ tạo điều kiện cho Tòa án và các chủ thể tham gia tố tụng thực hiện thuận lợi các quyền, nghĩa vụ, nhiệm vụ tố tụng của mình, góp phần hiệu quả vào việc bảo vệ công lý. Hiện nay, bảo đảm nguyên tắc tranh tụng vẫn được xem là khâu đột phá, cần tiếp tục hoàn thiện theo yêu cầu cải cách tư pháp để đáp ứng nhiệm vụ bảo vệ công lý.

Thứ hai, pháp luật nội dung có chứa đựng công lý thì việc làm sáng tỏ công lý mới hiệu quả, có sức lan tỏa cao. Thể hiện điều đó, pháp luật nội dung phải có sự đồng bộ, thống nhất, phù hợp với thực tiễn, tạo điều kiện để thực hiện công lý trong xã hội. theo xu hướng tất yếu, Tòa án sẽ có vai trò ngày càng cao trong việc bảo vệ trật tự hiến pháp, qua đó góp phần quan trọng vào việc định hình các quan điểm pháp lý, giúp cho hoạt động lập pháp và hành pháp được hiệu quả, bởi lẽ công lý luôn được thể hiện tập trung, ổn định qua Hiến pháp và trật tự hiến pháp của một quốc gia.

Thứ ba, quy định pháp luật về tổ chức và hoạt động của các cơ quan nhà nước có ảnh hưởng quan trọng đến hoạt động xét xử của Tòa án. Các quy định về cơ cấu, tổ chức, hoạt động của Tòa án cũng như thẩm quyền, trách nhiệm của các cơ quan khác trong mối quan hệ với Tòa án phải đảm bảo tính khoa học, hợp lý, tôn trọng tính độc lập và uy quyền của Tòa án để Tòa án thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ công lý. Trong các vấn đề' này, xu hướng tất yếu sẽ phải giảm bớt chế độ lãnh đạo thủ trưởng trong hệ thống Tòa án, tập trung đầu mối quản lý vào Tòa án nhân dân tối cao và sẽ công nhận Thẩm phán là một nghề' nghiệp ổn định, nhiệm kỳ sẽ lâu dài và tiến tới sẽ là không còn nhiệm kỳ...

5. Đảm bảo về điều kiện cơ sở vật chất

Để đạt được các mục đích đặt ra, Tòa án không thể thiếu các nguồn lực vật chất hỗ trợ như trang thiết bị làm việc, chi phí phục vụ xác minh chứng cứ, điều kiện phòng làm việc, phòng xét xử, vật dụng trang trí... Việc đầu tư bảo đảm cho Tòa án có trụ sở làm việc khang trang, hiện đại, đầy đủ tiện nghi với phòng xét xử có hình thức phù hợp sẽ thể hiện sự uy nghiêm, trang trọng, văn minh của nền tư pháp, qua đó sẽ có tác động rất lớn đến nhận thức của xã hội về vai trò của Tòa án trong việc thực hiện quyền tư pháp bảo vệ công lý.

Tóm lại, bảo vệ công lý trong hoạt động xét xử của Tòa án là hoạt động làm sáng tỏ, gìn giữ “những lẽ chung đúng đắn” - “hạt nhân hợp lý” của thuộc tính xã hội trong pháp luật, được Tòa án thực hiện trong quá trình xét xử, để hướng tới những phán quyết có sức thuyết phục, được xã hội đồng tình, qua đó góp phần giúp xã hội giữ vững trật tự, ổn định và phát triển bền vững.

Bảo vệ công lý là mục đích của hoạt động xét xử và là nhiệm vụ của chủ thể xét xử. Để bảo vệ công lý, trong quá trình xét xử, chủ thể xét xử phải thực hiện đầy đủ, toàn diện những nội dung bảo vệ công lý trong các hoạt động giải quyết những vấn đề bản chất pháp lý của vụ án, thực thi những thủ tục tố tụng, định chuẩn pháp lý và thể hiện phán quyết giải quyết vụ án. Để thực hiện tốt những nhiệm vụ này, chủ thể xét xử phải dựa trên phương thức đánh giá chứng cứ khoa học và điều hành phiên tòa bảo đảm nguyên tắc công khai, tranh tụng.

Bên cạnh đó, để hoạt động xét xử của Tòa án đạt được mục đích bảo vệ công lý một cách thuận lợi, có chất lượng, các điều kiện đảm bảo cơ bản quan trọng phải được song hành. Đầu tiên, quan trọng nhất là sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân. Tiếp đến là đảm bảo tính độc lập và uy quyền của Tòa án; đạo đức, năng lực, trách nhiệm nghề nghiệp của cán bộ xét xử phải phù hợp, chế độ đãi ngộ tương xứng. Sau cùng là hệ thống pháp luật tiến bộ và điều kiện vật chất đảm bảo đầy đủ.

Mục đích bảo vệ công lý, nội dung bảo vệ công lý, phương thức bảo vệ công lý và điều kiện cơ bản đảm bảo công lý trong hoạt động xét xử được xem là những yếu tố có mối liên hệ chặt chẽ với nhau mang tính hệ thống. Mục đích bảo vệ công lý là nhằm hướng tới những phán quyết có sức thuyết phục, được xã hội đồng tình, qua đó góp phần giúp xã hội giữ vững trật tự, ổn định và phát triển bền vững. Mục đích bảo vệ công lý là ý nghĩa của nội dung bảo vệ công lý; còn nội dung bảo vệ công lý là sự cụ thể hóa của mục đích bảo vệ công lý. Nội dung bảo vệ công lý định hướng cho phương thức bảo vệ công lý, còn phương thức bảo vệ công lý là cơ sở để thực hiện nội dung bảo vệ công lý. Điều kiện đảm bảo công lý tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện nội dung và phương thức bảo vệ công lý. Mục đích bảo vệ công lý được xem là kết quả, còn nội dung, phương thức và điều kiện cơ bản đảm bảo công lý được xem là những yếu tố nguyên nhân, trong đó thực hiện nội dung bảo vệ công lý là nguyên nhân cơ bản. Mỗi yếu tố đều có vai trò nhất định trong hệ thống, khi các yếu tố đều hoạt động tốt thì mục đích bảo vệ công lý sẽ đạt được như mong muốn, biểu hiện qua các phán quyết của Tòa án sẽ có sức thuyết phục cao, được xã hội đồng tình, nói theo ngôn ngữ bình dân, đó là “khẩu phục, tâm phục”, qua đó góp phần tích cực giúp xã hội giữ vững trật tự, ổn định.

Luật Minh Khuê - Biên tập và sưu tầm