1. Hệ số chênh lệch bảo lưu là gì? Khi nào được hưởng hệ số chênh lệch bảo lưu?

Hiện nay, pháp luật chưa có văn bản nào đưa ra một định nghĩa cụ thể về hệ số chênh lệch bảo lưu. Tuy nhiên, tại các văn bản hướng dẫn về xếp lương cán bộ, công chức, viên chức khi nâng ngạch, chuyển ngạch cán bộ, công chức, viên chức có đề cập đến loại hệ số chênh lệch bảo lưu này.

Cụ thể, tại Mục II Thông tư 02/2007/TT-BNV về xếp lương khi nâng ngạch, chuyển ngạch, chuyển loại công chức, viên chức, Bộ Nội vụ có hướng dẫn về hệ số chênh lệch bảo lưu như sau:

- Khi nâng ngạch công chức, viên chức: Có tổng hệ số lương cộng phụ cấp thâm niên vượt khung đang hưởng ở ngạch cũ lớn hơn hệ số lương ở bậc cuối cùng trong ngạch mới.

Cần phải lưu ý: Hệ số chênh lệch bảo lưu trong trường hợp này được hưởng trong suốt thời gian cán bộ, công chức, viên chức xếp lương ở ngạch mới.

- Khi chuyển ngạch trong cùng loại công chức, viên chức: Hưởng thêm hệ số chênh lệch bảo lưu cho bằng hệ số lương đang hưởng ở ngạch cũ nếu được bổ nhiệm vào ngạch mới có hệ số lương cùng bậc thấp hơn ngạch cũ.

- Khi chuyển công tác: Được xác định bằng chênh lệch giữa hệ số lương cấp hàm (hoặc hệ số nâng lương lần 1 hoặc lần 2) đang hưởng khi chuyển công tác so với hệ số lương cộng với phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) được chuyển (theo điểm b khoản 6 mục III Thông tư 79/2005/TT-BNV).

Cần phải lưu ý: Hệ số chênh lệch bảo lưu này được hưởng tối thiểu 18 tháng kể từ ngày chuyển công tác, được tính tròn số sau dấu phẩy 2 số.

Như vậy có thể thấy, hệ số chênh lệch bảo lưu này mặc dù không có định nghĩa cụ thể nhưng có thể hiểu đây là hệ số dùng để “cân bằng” mức lương mới khi cán bộ, công chức, viên chức nâng ngạch, chuyển ngạch, chuyển công tác so với mức lương đang hưởng nhằm đảm bảo quyền, lợi ích của cán bộ, công chức, viên chức.

 

2. Nâng ngạch lương có được hưởng hệ số bảo lưu không?

Hiện nay, việc xếp lương khi nâng ngạch công chức, viên chức thực hiện theo khoản 1 Mục II Thông tư số 02/2007/TT-BNV. Cụ thể như sau:

- Trường hợp 1:

Trường hợp chưa hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung ở ngạch cũ thì căn cứ vào hệ số lương đang hưởng ở ngạch cũ để xếp vào hệ số lương bằng hoặc cao hơn gần nhất ở ngạch mới. Theo đó, thời gian hưởng lương ở ngạch mới được tính kể từ ngày ký quyết định bổ nhiệm vào ngạch mới.

Thời gian xét nâng bậc lương lần sau ở ngạch mới được tính như sau: Nếu chênh lệch giữa hệ số lương được xếp ở ngạch mới so với hệ số lương đang hưởng ở ngạch cũ bằng hoặc lớn hơn chênh lệch hệ số lương giữa 2 bậc lương liền kề ở ngạch cũ, thì được tính kể từ ngày ký quyết định bổ nhiệm vào ngạch mới; nếu nhỏ hơn chênh lệch hệ số lương giữa 2 bậc lương liền kề ở ngạch cũ, thì được tính kể từ ngày xếp hệ số lương đang hưởng ở ngạch cũ.

- Trường hợp 2:

Trường hợp đang hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung ở ngạch cũ, thì căn cứ vào tổng hệ số lương cộng phụ cấp thâm niên vượt khung đang hưởng ở ngạch cũ để xếp vào hệ số lương bằng hoặc cao hơn gần nhất ở ngạch mới. Thời gian hưởng lương ở ngạch mới và thời gian xét nâng bậc lương lần sau ở ngạch mới được tính kể từ ngày ký quyết định bổ nhiệm vào ngạch mới.

Ví dụ 1: Bà Trần Thị A đang hưởng 6% phụ cấp thâm niên vượt khung ở ngạch chuyên viên (mã số 01.003) kể từ ngày 01 tháng 4 năm 2007 (tổng hệ số lương 4,98 cộng 6%VK đang hưởng ở ngạch chuyên viên là 5,28). Bà A đạt kỳ thi nâng ngạch chuyên viên chính và đến ngày 01 tháng 02 năm 2008 được cơ quan có thẩm quyền ký quyết định bổ nhiệm vào ngạch chuyên viên chính (mã số 01.002), thì bà A được căn cứ vào tổng hệ số lương đang hưởng ở ngạch chuyên viên là 5,28 này để xếp vào hệ số lương cao hơn gần nhất là 5,42 bậc 4 ngạch chuyên viên chính. Thời gian hưởng lương ở ngạch chuyên viên chính và thời gian xét nâng bậc lương lần sau ở ngạch chuyên viên chính của bà A được tính kể từ ngày 01 tháng 02 năm 2008 (ngày ký quyết định bổ nhiệm vào ngạch chuyên viên chính).

- Trường hợp 3:

Trường hợp có tổng hệ số lương cộng phụ cấp thâm niên vượt khung đang hưởng ở ngạch cũ lớn hơn hệ số lương ở bậc cuối cùng trong ngạch mới, thì xếp vào hệ số lương ở bậc cuối cùng trong ngạch mới và được hưởng thêm hệ số chênh lệch bảo lưu cho bằng tổng hệ số lương cộng phụ cấp thâm niên vượt khung đang hưởng ở ngạch cũ. Thời gian hưởng lương ở ngạch mới (kể cả hệ số chênh lệch bảo lưu) và thời gian xét hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung ở ngạch mới được tính kể từ ngày ký quyết định bổ nhiệm vào ngạch mới.

Hệ số chênh lệch bảo lưu tại điểm c này (tính tròn số sau dấu phẩy 2 số) được hưởng trong suốt thời gian cán bộ, công chức, viên chức xếp lương ở ngạch mới. Sau đó, nếu cán bộ, công chức, viên chức tiếp tục được nâng ngạch hoặc chuyển ngạch khác, thì được cộng hệ số chênh lệch bảo lưu này vào hệ số lương (kể cả phụ cấp thâm niên vượt khung, nếu có) đang hưởng để xếp lương vào ngạch được bổ nhiệm khi nâng ngạch hoặc chuyển ngạch và thôi hưởng hệ số chênh lệch bảo lưu kể từ ngày hưởng lương ở ngạch mới.

Ví dụ 2: Ông Nguyễn Văn B đang hưởng 15% phụ cấp thâm niên vượt khung ở ngạch kiểm ngân viên (mã số 07.047) kể từ ngày 01 tháng 02 năm 2007 (tổng hệ số lương 3,63 cộng 15%VK đang hưởng ở ngạch kiểm ngân viên là 4,17). Đến ngày 01 tháng 10 năm 2007, ông B đủ điều kiện và được cơ quan có thẩm quyền quyết định nâng lên ngạch cán sự (mã số 01.004).

Do tổng hệ số lương 4,17 đang hưởng ở ngạch kiểm ngân viên lớn hơn hệ số lương 4,06 ở bậc cuối cùng trong ngạch cán sự, nên ông B được xếp vào hệ số lương 4,06 bậc 12 ngạch cán sự và được hưởng thêm hệ số chênh lệch bảo lưu 0,11 (4,17 - 4,06) kể từ ngày 01 tháng 10 năm 2007 (ngày bổ nhiệm vào ngạch cán sự).

Đến ngày 01 tháng 10 năm 2009, sau đủ 2 năm và có đủ điều kiện, ông B được hưởng 5% phụ cấp thâm niên vượt khung ở ngạch cán sự và vẫn tiếp tục được hưởng hệ số chênh lệch bảo lưu 0,11. Đến ngày 01 tháng 3 năm 2010, ông B đủ điều kiện và được cơ quan có thẩm quyền quyết định nâng lên ngạch chuyên viên (mã số 01.003) thì ông B được căn cứ vào tổng hệ số lương cộng hệ số chênh lệch bảo lưu và 5% phụ cấp thâm niên vượt khung đang hưởng ở ngạch cán sự là 4,37 (4,06 + 0,11 + 5%VK của 4,06) để xếp vào hệ số lương cao hơn gần nhất ở ngạch chuyên viên là 4,65 bậc 8 và thôi hưởng hệ số chênh lệch bảo lưu 0,11 kể từ ngày 01 tháng 3 năm 2010 (ông B đang hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung ở ngạch cán sự nên thời gian hưởng lương ở ngạch chuyên viên và thời gian xét nâng bậc lương lần sau ở ngạch chuyên viên được tính kể từ ngày ký quyết định bổ nhiệm vào ngạch chuyên viên).

Như vậy hiểu một cách đơn giản, nếu bạn đã được nâng ngạch lương thì sẽ thôi hưởng hệ số chênh lệch bảo lưu kể từ ngày bạn được hưởng lương ở ngạch mới. Ví dụ, hệ số lương ngạch A1 bậc 9 của bạn là 4,98 và sẽ thôi được hưởng hệ số chênh lệch bảo lưu do bạn đã được nâng ngạch và hưởng lương ở ngạch mới.

 

3. Cách tính hệ số chênh lệch bảo lưu như thế nào?

Hiện nay, theo quy định tại Thông tư 04/2019/TT-BNV, công thức tính mức tiền của hệ số chênh lệch bảo lưu như sau:

Mức tiền của hệ số chênh lệch bảo lưu  =  Mức lương cơ sở  x  hệ số chênh lệch bảo lưu hiện hưởng (nếu có)

Trong đó:

- Mức lương cơ sở hiện nay theo Nghị định 38/2019/NĐ-CP là 1,49 triệu đồng/tháng;

- Hệ số chênh lệch bảo lưu hiện hưởng được tính theo quy định của Thông tư 02/2007 của Bộ Nội vụ. Cụ thể như sau:

+ Khi nâng ngạch công chức, viên chức:

Hệ số chênh lệch bảo lưu = (Tổng hệ số lương cũ cộng với phụ cấp thâm niên vượt khung đang hưởng) - hệ số lương ở bậc cuối cùng ở hạng mới;

+ Khi chuyển ngạch trong cùng loại công chức, viên chức:

Hệ số chênh lệch bảo lưu = Hệ số lương ở ngạch cũ - hệ số lương ở ngạch mới.

Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của chúng tôi về chủ đề Nâng ngạch lương có được hưởng hệ số bảo lưu không? và một số quy định pháp luật khác có liên quan.

Mọi vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại 24/7, gọi ngay tới số: 1900.6162 hoặc gửi email trực tiếp tại: Tư vấn pháp luật qua Email để được giải đáp. Cảm ơn quý khách hàng đã quan tâm theo dõi bài viết của Luật Minh Khuê./.