Mục lục bài viết
Trả lời:
Chào bạn! Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận luật sư tư vấn pháp luật của Công ty Luật Minh Khuê. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ luật sư của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:
1. Cơ sở pháp lý
Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015
2. Khái quát về người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trong TTDS
2.1. Khái niệm
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự là người tham gia tố tụng dân sự dân sự cùng đương sự nhằm thực hiện việc giữ gìn quyền và lợi ích mà đương sự trong tố tụng dân sự được pháp luật ghi nhận hoặc các quyền, lợi ích không vi phạm điều luật cấm; đồng thời họ còn chống lại các hành vi xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp đó.
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự là người giam gia tố tụng có đủ các điều kiện do pháp luật quy định được đương sự yêu cầu nhờ tham gia tố tụng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ.
2.2 Đặc điểm:
Người bảo vệ quyền và lợi ích của đương sự thuộc nhóm chủ thể bổ trợ, giúp cho Tòa án và đương sự làm sáng tỏ nội dung vụ án và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đươg sự, bởi vậy họ có những đặc điểm riêng:
Thứ nhất, sự có mặt của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự phụ thuộc vào đương sự.
Thứ hai, mục đích tham gia của họ nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự mình bảo vệ.
Thứ ba, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự là người am hiểu pháp luật.
3. Quy định của pháp luật về người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trong TTDS
3.1. Điều 75 của Bộ luật Tố tụng dân sự
Tại Điều 75 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định về người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự như sau:
Điều 75. Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự
1. Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự là người tham gia tố tụng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.
2. Những người sau đây được làm người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự khi có yêu cầu của đương sự và được Tòa án làm thủ tục đăng ký người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự:
a) Luật sư tham gia tố tụng theo quy định của pháp luật về luật sư;
b) Trợ giúp viên pháp lý hoặc người tham gia trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý;
c) Đại diện của tổ chức đại diện tập thể lao động là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động trong vụ việc lao động theo quy định của pháp luật về lao động, công đoàn;
d) Công dân Việt Nam có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, không có án tích hoặc đã được xóa án tích,không thuộc trường hợp đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính; không phải là cán bộ, công chức trong các cơ quan Tòa án, Viện kiểm sát và công chức, sĩ quan, hạ sĩ quan trong ngành Công an.
3. Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự có thể bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhiều đương sự trong cùng một vụ án, nếu quyền và lợi ích hợp pháp của những người đó không đối lập nhau. Nhiều người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự có thể cùng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của một đương sự trong vụ án.
4. Khi đề nghị Tòa án làm thủ tục đăng ký người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, người đề nghị phải xuất trình các giấy tờ sau đây:
a) Luật sư xuất trình các giấy tờ theo quy định của Luật luật sư;
b) Trợ giúp viên pháp lý hoặc người tham gia trợ giúp pháp lý xuất trình văn bản cử người thực hiện trợ giúp pháp lý của tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý và thẻ trợ giúp viên pháp lý hoặc thẻ luật sư;
c) Đại diện của tổ chức đại diện tập thể lao động xuất trình văn bản của tổ chức đó cử mình tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động, tập thể người lao động;
d) Công dân Việt Nam có đủ điều kiện quy định tại điểm d khoản 2 Điều này xuất trình giấy yêu cầu của đương sự và giấy tờ tùy thân.
5. Sau khi kiểm tra giấy tờ và thấy người đề nghị có đủ điều kiện làm người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều này thì trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đề nghị, Tòa án phải vào sổ đăng ký người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự và xác nhận vào giấy yêu cầu người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Trường hợp từ chối đăng ký thì Tòa án phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do cho người đề nghị.
Để tham gia tố tụng với tư cách người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, cần phải thỏa mãn điều kiện luật định tại khoản 2 Điều 75 BLTTDS 2015: “...khi có yêu cầu của đương sự và được Tòa án làm thủ tục đăng ký người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự”. Như vậy, chỉ khi đáp ứng đủ hai điều kiện là “có yêu cầu của đương sự” và “được Tòa án làm thủ tục đăng ký” thì một người mới có thể trở thành người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính thức của đương sự.
Điều kiện đầu tiên, người đó “có yêu cầu của đương sự". Quy định này đảm bảo quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự. Không ai có thể mặc nhiên trở thành người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự mà không có sự đồng ý bằng “yêu cầu” của họ. Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự có được tham gia tổ tụng hay không, tham gia vào giai đoạn nào của tố tụng là tùy vào ý muốn của đương sự. Để xác lập tư cách, người được đương sự nhờ làm người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp phải xuất trình được văn bản có nội dung thể hiện ý chí của đương sự nhờ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự. Và văn bản đó chính là cơ sở đầu tiên xác lập tư cách pháp lý cho người được đương sự nhờ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp.
Điều kiện thứ hai, người đó“được Tòa án làm thủ tục đăng ký”: Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đề nghị, Tòa án phải vào sổ đăng ký người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự và xác nhận vào giấy yêu cầu người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Theo quy định, đương sự chỉ cần “làm thủ tục đăng ký” với Toà án. Thủ tục đăng ký được tiến hành theo quy định pháp luật mà không phụ thuộc vào ý kiến chủ quan của Tòa án nhằm nâng cao quyền quyết định, tự định đoạt của đương sự, hạn chế sự lạm quyền, không khách quan khi thực thi pháp luật của cơ quan công quyền. Không phải mọi trường hợp Tòa án đều phải làm thủ tục đăng ký cho người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Toà án có thể từ chối đăng ký và phải thông báo bằng văn bản nêu rõ lý do cho người đề nghị.
Theo Khoản 2 Điều 75 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, có 4 chủ thể được quy định làm người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trong TTDS, đó là: Luật sư, trợ giúp viên pháp lý hoặc người tham gia trợ giúp pháp lý, đại diện của tổ chức đại diện tập thể lao động và công dân Việt Nam.
3.2. Điều 76 của Bộ luật Tố tụng dân sự
Quyền, nghĩa vụ của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự được quy định tại Điều 76 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 như sau:
Điều 76. Quyền, nghĩa vụ của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự
1. Tham gia tố tụng từ khi khởi kiện hoặc bất cứ giai đoạn nào trong quá trình tố tụng dân sự.
2. Thu thập và cung cấp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án; nghiên cứu hồ sơ vụ án và được ghi chép, sao chụp những tài liệu cần thiết có trong hồ sơ vụ án để thực hiện việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, trừ tài liệu, chứng cứ quy định tại khoản 2 Điều 109 của Bộ luật này.
3. Tham gia việc hòa giải, phiên họp, phiên tòa hoặc trường hợp không tham gia thì được gửi văn bản bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự cho Tòa án xem xét.
4. Thay mặt đương sự yêu cầu thay đổi người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng khác theo quy định của Bộ luật này.
5. Giúp đương sự về mặt pháp lý liên quan đến việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ; trường hợp được đương sự ủy quyền thì thay mặt đương sự nhận giấy tờ, văn bản tố tụng mà Tòa án tống đạt hoặc thông báo và có trách nhiệm chuyển cho đương sự.
6. Các quyền, nghĩa vụ quy định tại các khoản 1, 6, 16, 17, 18, 19 và 20 Điều 70 của Bộ luật này.
7. Quyền, nghĩa vụ khác mà pháp luật có quy định.
*Quyền:
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự có quyền tham gia tố tụng từ khi khởi kiện hoặc bất kì giai đoạn nào, hoặc tham gia tất cả các giai đoạn trong quá trình giải quyết VVDS. Việc tham gia của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự từ khi khởi kiện có ý nghĩa trợ giúp ban đầu đối với đương sự. Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự được quyền có mặt trong bất cứ giai đoạn nào của quá trình TTDS có ý nghĩa quan trọng vì họ có thể trợ giúp, bảo vệ đương sự xuyên suốt quá trình tố tụng. Trường hợp đương sự được uỷ quyền thì người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự có quyền thay mặt đương sự nhận giấy tờ, văn bản tố tụng do Tòa án tống đạt, thông báo và có trách nhiệm chuyển cho đương sự.
Quyền thu thập và cung cấp tài liệu, chứng cứ cho Toà án, nghiên cứu hồ sơ vụ án và được ghi chép, sao chụp những tài liệu cần thiết có trong hồ sơ vụ án để thực hiện việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Để đảm bảo hoạt động thu thập chứng cứ đạt hiệu quả cao, pháp luật quy định cho người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự có quyền yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức đang lưu giữ, quản lý chứng cứ cung cấp tài liệu, chứng cứ đó cho mình. Nghiên cứu hồ sơ vụ việc giúp người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự nắm bắt được những mặt mạnh, mặt yếu của đương sự, trên cơ sở đó hình thành các luận cứ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho họ. Ngoài ra, thông qua việc đọc, nghiên cứu hồ sơ, tài liệu của vụ việc, ghi chép, sao chụp những tài liệu cần thiết còn giúp người bảo vệ có điều kiện phát hiện những sai lầm, thiếu sót, vi phạm pháp luật trong quá trình tố tụng.
Tham gia việc hòa giải, phiên họp, phiên tòa hoặc trường hợp không tham gia thì được gửi văn bản bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự cho Tòa án xem xét. Quyền tham gia phiên tòa, phiên họp là điều kiện thuận lợi để người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự thể hiện vai trò của mình. Thông qua hoạt động tranh tụng tại phiên tòa, phiên họp, bám sát tình tiết, sự kiện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp mới có thể đưa ra lập luận phù hợp bảo vệ đương sự, cũng như đưa ra quy định pháp luật áp dụng giúp quá trình giải quyết được tiến hành nhanh chóng, chính xác.
Thay mặt đương sự yêu cầu thay đổi người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng khác. Để quá trình tố tụng diễn ra một cách khách quan, đảm bảo quyền của đương sự, trong một số trường hợp khi có căn cứ cho rằng có sự không vô tư, không khách quan khi tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng phải từ chối hoặc thay đổi. Khi đó, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự có thể dựa vào những căn cứ luật định để đề nghị thay đổi người tiến hành tố tụng, cụ thể là Điều 52 BLTTDS 2015. Ngoài ra, đối với mỗi tư cách của người tiến hành tố tụng, trong một số trường hợp đặc thù thì người tiến hành tố tụng sẽ bị thay đổi khi có yêu cầu nếu không từ chối (Điều 53, 54 BLTTDS 2015). Khi có căn cứ để tạm đình chỉ giải quyết vụ án theo quy định tại Điều 214 BLTTDS 2015, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự có quyền đề nghị Tòa án tạm đình chỉ giải quyết vụ việc như đương sự.
*Nghĩa vụ:
Khi nhận nhiệm vụ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự thì người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự có nghĩa vụ trợ giúp đương sự về mặt pháp lý như: Tư vấn cho đương sự và tham gia tranh luận tại phiên toà bằng việc sử dụng những kiến thức và sự am hiểu về pháp luật tư vấn, giải thích cho đương sự nhận thức được quyền, nghĩa vụ của mình. Quy định như vậy là cần thiết, phù hợp với mục đích tham gia tố tụng của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự cũng như đảm bảo quyền được bảo vệ của đương sự.
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự có nghĩa vụ “Tham gia tố tụng đầy đủ, kịp thời trong các vụ án do cơ quan tiến hành tố tụng yêu cầu". Việc người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự có mặt tại phiên tòa ảnh hưởng đến kết quả giải quyết vụ án.
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự phải chấp hành các quyết định của Toà án trong thời gian giải quyết vụ việc, tôn trọng và chấp hành nghiêm chỉnh nội quy phiên tòa được quy định Điều 234 BLTTDS 2015. Điều đó thể hiện sự tôn trọng với Toà án, tạo môi trường xét xử trang nghiêm, ổn định, giúp quá trình xét xử diễn ra thuận lợi. Quy định này được quy định cụ thể đối với Luật sư theo điểm b khoản 2 Điều 21 Luật Luật sư 2006, sửa đổi bổ sung năm 2012: “Nghiêm chỉnh chấp hành nội quy và các quy định có liên quan trong quan hệ với các cơ quan tiến hành tố tụng; có thái độ hợp tác, tôn trọng người tiến hành tố tụng mà luật sư tiếp xúc khi hành nghề”. Để đảm bảo nghĩa vụ này được thực hiện hiệu quả, BLTTDS năm 2015 đã quy định các biện pháp xử lý tại Điều 490, Điều 491 như phạt hành chính, buộc rời khỏi phòng xử án, tạm giữ vi phạm hành chính hoặc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật hình sự.
Nghĩa vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ XHCN, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Là công dân Việt Nam, khi tham gia bảo vệ quyền và lợi ích của đương sự trong tố tụng dân sự không thể không gánh trên mình những nghĩa vụ chung của toàn thể nhân dân Việt Nam. Đây chính là hai mặt không tách rời trong hoạt động của người bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của đương sự. Do đó, khi tham gia tố tụng, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự phải có trách nhiệm trong việc giúp cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng làm rõ sự thật khách quan của vụ án, giám sát hoạt động của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng, bảo vệ sự nghiêm minh của hoạt động tố tụng.
* * * * *
Trường hợp trong nội dung tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong nội dung tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề hoặc/ và có sự vướng ngại, thắc mắc, chúng tôi rất mong nhận được ý kiến phản hồi của quý khách hàng.
Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số: 1900 6162 hoặc gửi qua email: luatsu@luatminhkhue.vn để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật Minh Khuê.
Rất mong nhận được sự hợp tác!
Trân trọng./.
Bộ phận Tư vấn Pháp luật Công ty Luật Minh Khuê.