1. Xét xử lưu động là gì?

Xét xử lưu động là việc toà án đưa vu án ra xét xử (tổ chức phiên toà) công khai không phải tại trụ sở Tòa án mà thường tại nơi tội phạm được thực hiện. Cũng giống như các phiên toà bình thường, bị cáo bị xét xử bằng phiên toà lưu động vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật hình sự. Các vụ án được đưa ra xét xử lưu động thường là những vụ án liên quan đến ma túy, giết người.

Thực tế cho thấy, phần lớn các phiên tòa xử tại trụ sở Tòa án thường vắng người, ngoài những người tham gia tố tụng được Tòa án triệu tập chỉ có thêm một vài người nhà bị cáo, thậm chỉ có những phiên tòa chỉ có một mình bị cáo. Trái lại, hầu hết những phiên tòa xử lưu động thì nhiều người không thể chen nổi vào hội trường xét xử, nhiều nơi phải xử ở ngoài trời để mọi người đều được theo dõi phiên tòa. Do đó, không ai có thể phủ nhận tính hiệu quả của hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua các phiên tòa xét xử lưu động. Điển hình cho việc xét xử lưu động trong thời gian gần đây là ngày 28/10/2015, TAND tỉnh Yên Bái đã đưa vụ án Giết người xảy ra tại thôn 16, xã Lâm Giang, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái khiến 4 người trong một gia đình thiệt mạng ra xét xử lưu động, tại Trung tâm Văn hóa – Thông tin huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái. Bị cáo trong vụ thảm sát này là Đặng Văn Hùng. Phiên tòa lưu động đã thu hút sự tham gia của khoảng 2000 người.

Nhìn từ góc độ lợi ích chung thì phiên tòa lưu động là cơ hội để trực tiếp chuyển tải các quy định của pháp luật đến với người dân; ngoài tác dụng phổ biến pháp luật còn có tác dụng cảnh báo, răn đe giáo dục chung đối với mọi người. Tuy nhiên, đối với bị cáo thì hầu như không ai mong muốn bị đưa đi xét xử tại nơi cư trú, nơi làm việc. Cuộc sống của người dân có tính cộng đồng rất cao (nhất là ở nông thôn), ai bị mọi người xa lánh, tẩy chay cũng là phải chịu một hình phạt rất nặng nề. Vì vậy, việc bị cáo bị đưa đi xét xử lưu động, ngoài phải chịu hình phạt theo quy định của Bộ luật Hình sự thì họ còn phải chịu một sức ép nặng nề trước bà con họ hàng, bạn bè lối xóm và chịu thêm một hình phạt từ phía cộng đồng xã hội – đó là sự lên án, xa lánh. Thực tế cho thấy, có nhiều bị cáo với tâm lý hổ thẹn với mọi người nên đã tự tử trước ngày vụ án được đưa ra xét xử lưu động.

Trước thực trạng này, tại nhiều diễn đàn còn tồn tại những quan điểm là nên hay không nên xét xử lưu động. Để đưa ra được một đánh giá khách quan, các nhà lập pháp cần phải cân đo dựa trên những tích cực và hạn chế mà xét xử lưu động mang lại, cần quy định những vụ án như thế nào thì được xét xử lưu động. Không thể để tình trạng “thích thì làm” như ở một số tòa án hiện nay.

2. Mục đích đưa các vụ án hình sự sơ thẩm

– Thông qua trình tự, thủ tục xét xử tại phiên toà để giáo dục, nâng cao sự hiểu biết của đông đảo quần chúng nhân dân về các quy định của pháp luật. Làm cho người dân hiểu được hành vi của bị cáo (hoặc các bị cáo) là vi phạm pháp luật và phải chịu hình phạt tương xứng với tính chất, mức độ của hành vi phạm tội đó (tức là tính nguy hiểm của hành vi phạm tội).

– Đề cao tác dụng của công tác xét xử khi người dân được trực tiếp theo dõi diễn biến của phiên toà, các phán quyết của Toà án.

3. Ý nghĩa của phiên toà lưu động:

– Việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật tại các phiên toà lưu động có tác dụng trực tiếp đến những người tham dự hoặc theo dõi phiên toà. Tạo ra sự quan tâm của đông đảo cộng đồng dân cư trong khu vực hoặc ở địa phương. Giúp cho nhân dân dễ hiểu, dễ nhớ những quy định pháp luật mà họ được nghe trực tiếp.

– Nâng cao ý thức pháp luật của nhân dân trong việc đấu tranh phòng, chống tội phạm.

– Đề cao tính răn đe (trừng trị) và tính giáo dục, thuyết phục của phiên toà nói chung và trong bản án, quyết định của Toà án nói riêng.

4. Yêu cầu của phiên toà lưu động:

– Việc lựa chọn vụ án để tổ chức xét xử lưu động phải hết sức thận trọng, chính xác, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ chính trị của địa phương, đòi hỏi của dư luận xã hội, có tác dụng ngăn chặn phát triển của tội phạm (hay tác dụng tốt trong việc phòng ngừa tội phạm).

– Phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành Công an, Viện kiểm sát, Toà án trong việc lựa chọn, xác định và quyết định tổ chức xét xử lưu động vụ án. Như vậy, các cơ quan Công an, Viện kiểm sát và Toà án cũng cần phải khẩn trương ưu tiên lực lượng cán bộ để tập trung điều tra, truy tố và xét xử để đáp ứng yêu cầu nhanh chóng, kịp thời, chính xác.

– Phải có sự kết hợp chặt chẽ, phân công cụ thể trách nhiệm giữa các cơ quan Toà án, Viện kiểm sát, Công an và chính quyền địa phương nơi đưa vụ án về xét xử lưu động. Sự phối hợp này nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho phiên toà về mặt an ninh, trật tự.

– Trong quá trình xét xử phải làm rõ những sơ hở, thiếu sót trong quản lý kinh tế, văn hoá, xã hội dẫn tới là nguyên nhân, điều kiện làm phát sinh tội phạm để đề xuất, kiến nghị những biện pháp khắc phục ngay (Điều 225 Bộ luật tố tụng hình sự; Điều 27 Bộ luật tố tụng hình sự).

5. Quy định về xét xử tại phiên tòa lưu động:

Thủ tục xét xử tại phiên toà lưu động cũng phải đảm bảo chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật tố tụng hình sự. Không được thêm bớt bất cứ một trình tự nào. Tuy nhiên do là phiên toà xét xử lưu động tại địa phương xảy ra vụ án nên cần chú ý một số vấn đề sau:

5.1. Về trang phục: 

Những người tiến hàng tố tụng tại phiên toà cần phải mặc đúng trang phục của ngành. Các thành viên Hội đồng xét xử , thư ký Toà án đều đã được cấp trang phục thống nhất về mầu sắc, kiểu dáng. Kiểm sát viên cũng đã được cấp trang phục riêng của ngành kiểm sát. Do đó tại các phiên toà nói chung và các phiên toà xét xử lưu động nói riêng việc chấp hành mặc đúng trang phục ngành là rất cần thiết, làm tôn nghiêm và làm tăng hơn tính nghiêm túc của phiên toà.

5.2. Việc xét hỏi tại phiên toà

Chủ toạ phiên toà căn cứ vào kế hoạch xét hỏi, dự kiến phân công việc xét hỏi trong Hội đồng xét xử và căn cứ vào diễn biến cụ thể tại phiên toà để điều khiển việc xét hỏi cho đúng trọng tâm của vụ án. Không nên máy móc chỉ căn cứ vào kế hoạch xét hỏi đã chuẩn bị vì kế hoạch xét hỏi cũng chỉ là những dự kiến trong quá trình nghiên cứu hồ sơ vụ án chứ không phải là diễn biến có thật, khách quan tại phiên toà.

Khi đặt câu hỏi, chủ toạ phiên toà cần chú ý đặt câu hỏi ngắn, gọn, rõ ràng. Không nên vừa là câu hỏi vừa là giải thích pháp luật. Sau khi chủ toạ đã hỏi xong, những vấn đề gì cần hỏi thêm thì các thành viên trong Hội đồng xét xử có thể đặt những câu hỏi tiếp.

Viện kiểm sát (Kiểm sát viên), Luật sư (người bào chữa) có thể đặt các câu hỏi về những vấn đề mà Hội đồng xét xử chưa thẩm vấn (xét hỏi) tại phiên toà. Các vấn đề đó phải là những vấn đề xung quanh nội dung của vụ án. Trường hợp Hội thẩm nhân dân, Kiểm sát viên, Luật sư… đặt lại câu hỏi mà chủ toạ đã hỏi, đã rõ hoặc các vấn đề không liên quan đến vụ án thì chủ toạ phiên toà cần điều khiển cho họ đi đúng vào trọng tâm vụ án.

Việc xét hỏi tại phiên toà phải đảm bảo khách quan, tính dân chủ, tôn trọng quyền tự khai báo, tôn trọng danh dự, nhân phẩm, danh dự của những người tham gia tố tụng tại phiên toà. Không được áp đặt suy nghĩ chủ quan của người tiến hành tố tụng trong việc đặt câu hỏi, không được đưa ra những giải thích, những vấn đề mang tính kết luận về tội danh, về hình phạt, về trách nhiệm dân sự của những người tham gia tố tụng tại phiên toà.

Vấn đề quan trọng nhất của việc xét hỏi là phải xác định rõ, tìm ra sự thật khách quan, xác định sự thật khách quan của vụ án thông qua việc kiểm tra các tài liệu chứng cứ tại phiên toà.

Đối với phiên toà xét xử lưu động, cần hỏi rõ về thủ đoạn phạm tội, việc thực hiện các hành vi phạm tội, nhận thức của bị cáo (các bị cáo) về hành vi phạm tội do mình thực hiện; động cơ, mục đích, điều kiện hoàn cảnh phạm tội. Thông qua việc xét hỏi để tìm ra những sơ hở, những nguyên nhân, điều kiện làm phát sinh tội phạm, phát triển tội phạm để có thể đưa ra kiến nghị, yêu cầu sửa chữa, khắc phục các nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm tại cơ quan tổ chức đó.

Vấn đề đặt ra là gianh giới của việc xét hỏi giữa Hội đồng xét xử và Viện Kiểm sát đến đâu? Vấn đề này phải tuân thủ trình tự xét hỏi tại phiên toà (Điều 207 Bộ luật tố tụng Hình sự và Điều 209 Bộ luật tố tụng Hình sự).

Cần chú ý đến thủ tục trở lại việc xét hỏi trong quá trình xét xử tại phiên toà (Điều 219, 220, 223 Bộ luật tố tụng hình sự).

6. Quy định về tranh luận tại phiên toà

Theo tinh thần của cải cách tư pháp thì việc tranh luận tại phiên toà là rất quan trọng trong quá trình xét xử của Toà án. Ở giai đoạn này, Hội đồng xét xử, những người tiến hành tố tụng, tham gia tố tụng không đặt câu hỏi để người tham gia tố tụng trả lời. Hội đồng xét xử phải hết sức lắng nghe các ý kiến tranh luận của đại diện Viện kiểm sát, Luật sư, bị cáo, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền, nghĩa vụ liên quan, người đại diện hợp pháp của người chưa thành niên hoặc có nhược điểm về tâm thần, thể chất. Thông qua việc tranh luận của người tiến hành tố tụng (Viện Kiểm sát) với những người tham gia tố tụng, Hội đồng xét xử có thể xác định được những chứng cứ, tài liệu nào xác thực, những vấn đề gì chưa được làm rõ để có thể quyết định trở lại việc xét hỏi v.v…

Trong phần luận tội, đại diện Viện Kiểm sát cần lồng ghép việc phổ biến, hướng dẫn các quy định của pháp luật.

Trình tự phát biểu khi tranh luận tại phiên toà được thực hiện theo Điều 217 Bộ luật tố tụng hình sự. Chủ toạ phiên toà cần chú ý điều khiển phiên toà đúng quy định, đặc biệt là thực hiện việc đối đáp theo quy định tại Điều 218 Bộ luật tố tụng hình sự. Đối với phiên toà xét xử lưu động việc tranh luận tại phiên toà cần phải thể hiện rõ tính dân chủ trong xét xử của Toà án nhân dân. Do vậy, chủ toạ phiên toà không nên, không được hạn chế thời gian tranh luận.