1. Phần vốn góp là gì ?

Phần vốn góp là số tiền hoặc tài sản được quy ra tiền mà nhà đầu tư góp vào vốn điều lệ doanh nghiệp.
Quy định pháp luật về phần vốn góp: Tỉ lệ phần vốn góp của các chủ sở hữu trên tổng số vốn điều lệ của doanh nghiệp (fỈ lệ góp vốn) là căn cứ quan trọng quyết định phạm vi quyền hạn, nghĩa vụ và trách nhiệm của nhà đầu tư trước mọi vấn đề về tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp, như quyền được chia lợi nhuận, nghĩa vụ phải chịu sự rủi ro trước các hoạt động của doanh nghiệp, quyền tham gia quản lí doanh nghiệp, quyền nhận một phần tài sản còn lại khi doanh nghiệp giải thể.

1. Quyền yêu cầu công ty mua lại phần vốn góp của thành viên công ty TNHH

Điều 51 Luật Doanh nghiệp năm 2020 (Luật DN năm 2020) quy định về mua lại phần vốn góp theo yêu cầu của thành viên công ty TNHH hai thành viên trở lên:

“1. Thành viên có quyền yêu cầu công ty mua lại phần vốn góp của mình nếu thành viên đó đã bỏ phiếu không tán thành đối với nghị quyết, quyết định của Hội đồng thành viên về vấn đề sau đây:

a) Sửa đổi, bổ sung các nội dung trong Điều lệ công ty liên quan đến quyền và nghĩa vụ của thành viên, Hội đồng thành viên;

b) Tổ chức lại công ty;

c) Trường hợp khác theo quy định tại Điều lệ công ty.

2. Yêu cầu mua lại phần vốn góp phải bằng văn bản và được gửi đến công ty trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày thông qua nghị quyết, quyết định quy định tại khoản 1 Điều này.

3. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu của thành viên quy định tại khoản 1 Điều này thì công ty phải mua lại phần vốn góp của thành viên đó theo giá thị trường hoặc giá được xác định theo nguyên tắc quy định tại Điều lệ công ty, trừ trường hợp hai bên thỏa thuận được về giá. Việc thanh toán chỉ được thực hiện nếu sau khi thanh toán đủ phần vốn góp được mua lại, công ty vẫn thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác.

4. Trường hợp công ty không thanh toán được phần vốn góp được yêu cầu mua lại theo quy định tại khoản 3 Điều này thì thành viên đó có quyền tự do chuyển nhượng phần vốn góp của mình cho thành viên khác hoặc người không phải là thành viên công ty”.

2. Đặc điểm của hoạt động mua lại phần vốn góp

Thứ nhất, mục đích của quyền yêu cầu công ty mua lại phần vốn góp là nhằm hướng đến bảo vệ quyền lợi của những thành viên hay cổ đông có lợi ích bị ảnh hưởng bởi các quyết định hay nghị quyết được thông qua bởi Hội đồng thành viên. Cụ thể hơn, đây có thể được xem là một loại quyền giúp bảo vệ quyền lợi của thành viên góp ít vốn trong công ty. Rõ ràng, trong các công ty nhiều chủ, việc sở hữu một tỷ lệ vốn góp càng cao càng giúp chủ sở hữu có thể tác động nhiều hơn đến quá trình ra quyết định chung tại cơ quan có thẩm quyền quyết định cao nhất trong công ty. Như vậy, với một quyết định hay nghị quyết gây bất lợi cho mình, sự biểu quyết không tán thành của các chủ sở hữu với phần vốn góp chiếm tỷ lệ nhỏ không thể đủ để khiến cho nghị quyết đó không được thông qua. Vì lẽ đó, để khắc phục trường hợp các chủ sở hữu có tỷ lệ vốn góp thấp phải chịu sự bất lợi đến từ những quyết định hay nghị quyết mà họ không sao tác động thay đổi được, Luật DN năm 2020 trao cho họ quyền được yêu cầu công ty mua lại phần vốn góp của mình như là một cách thức rút vốn, giải thoát họ khỏi công ty. 

Thứ hai, quyền yêu cầu công ty mua lại phần vốn góp không phải là quyền đương nhiên của thành viên mà nó chỉ phát sinh khi họ biểu quyết không tán thành với các quyết định hay nghị quyết về các vấn đề:

- Sửa đổi, bổ sung các nội dung trong Điều lệ công ty liên quan đến quyền và nghĩa vụ của thành viên, Hội đồng thành viên;

- Tổ chức lại công ty;

- Trường hợp khác theo quy định tại Điều lệ công ty.

Có thể thấy, quyền yêu cầu công ty mua lại phần vốn góp của chủ sở hữu không thể phát sinh trong mọi trường hợp chủ sở hữu phản đối các nghị quyết của công ty. Bởi lẽ, mục đích và ý nghĩa của quyền này là để bảo vệ chủ sở hữu có quyền lợi trực tiếp bị ảnh hưởng từ nghị quyết của công ty. Vậy nên, chỉ những quyết định và nghị quyết thực sự tác động trực tiếp đến sự tồn tại của công ty (tổ chức lại công ty với các hình thức như chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi loại hình công ty) và trực tiếp tới quyền lợi của chủ sở hữu (thay đổi quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu trong Điều lệ) thì chủ sở hữu mới có quyền này. Sự giới hạn các loại quyết định hoặc nghị quyết thuộc phạm vi của quyền yêu cầu mua lại cũng nhằm tránh phát sinh các yêu cầu tùy tiện, bộc phát, và không hợp lý của các chủ sở hữu.  

Bên cạnh đó, về mặt thủ tục, để thực hiện quyền yêu cầu một cách hợp pháp, thành viên phải gửi yêu cầu dưới dạng văn bản đến công ty trong khoảng thời gian được Luật xác định. Văn bản cũng cần thể hiện rõ lý do yêu cầu mua lại phần vốn góp. 

 Thứ ba, việc mua lại phần vốn góp theo yêu cầu của thành viên sẽ chỉ là nghĩa vụ đối với công ty nếu như việc thanh toán phần vốn góp không làm ảnh hưởng đến khả năng thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty. Nếu như Luật DN năm 2014 cho phép công ty có thể không mua lại phần vốn góp khi thành viên có yêu cầu khi quy định: “trường hợp công ty không mua lại phần vốn góp…thì thành viên đó có quyền tự do chuyển nhượng phần vốn góp của mình…”, thì Luật DN năm 2020  chỉ cho phép thành viên công ty tự do chuyển nhượng phần vỗn góp trong trường hợp công ty không thanh toán được phần vốn góp được yêu cầu mua lại của thành viên công tyNhư vậy, công ty chỉ có nghĩa vụ mua lại khi công ty có thể thanh toán phần vốn góp được yêu cầu mua lại mà không ảnh hưởng đến khả năng thanh toán các khoản nợ khác của công ty.

Thứ ba, giá mua lại được xác định trên cơ sở thỏa thuận giữa công ty và chủ sở hữu phần vốn góp. Trường hợp các bên không thỏa thuận được về giá thì giá mua lại được xác định làgiá thị trường hoặc giá được xác định theo nguyên tắc quy định tại Điều lệ.

Thứ tư, chính vì quyền yêu cầu công ty mua lại phần vốn góp là một cách thức để các chủ sở hữu rút vốn khỏi công ty nên hệ quả của việc công ty mua lại phần vốn góp đó là vốn điều lệ của công ty sẽ giảm xuống tương ứng với giá trị phần vốn góp được công ty mua lại. Công ty phải thực hiện thủ tục giảm vốn điều lệ theo đúng quy định của Luật DN năm 2020. Thành viên được công ty mua lại toàn bộ phần vốn góp sẽ chấm dứt tư cách chủ sở hữu trong công ty.

3. Trường hợp thành viên được yêu cầu công ty mua lại phần vốn góp

Phần vốn góp là tổng giá trị tài sản của một thành viên đã góp hoặc cam kết góp vào công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh. Theo quy định tại khoản 1 Điều 51 Luật doanh nghiệp 2020, thành viên có quyền yêu cầu công ty mua lại phần vốn góp của mình, nếu thành viên đó đã bỏ phiếu không tán thành đối với nghị quyết của Hội đồng thành viên về vấn đề sau đây:

– Sửa đổi, bổ sung các nội dung trong Điều lệ công ty liên quan đến quyền và nghĩa vụ của thành viên, Hội đồng thành viên;

– Tổ chức lại công ty;

– Các trường hợp khác theo quy định tại Điều lệ công ty.

Yêu cầu mua lại phần vốn góp phải bằng văn bản và được gửi đến công ty trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày thông qua nghị quyết quy định tại khoản này.

Vốn góp mà thành viên có quyền yêu cầu công ty mua lại đó phải là phần vốn thực góp chứ không phải là phần vốn cam kết góp. 

4. Thủ tục yêu cầu công ty mua lại phần vốn góp của mình

Khi có yêu cầu của thành viên và thỏa mãn hai điều kiện về hình thức và thời hạn, công ty phải tiến hành mua lại vốn góp. Nếu không thỏa thuận được về giá thì công ty phải mua lại phần vốn góp của thành viên đó theo giá thị trường hoặc giá được định theo nguyên tắc quy định tại Điều lệ công ty trong thời hạn mười lăm ngày kể từ  ngày nhận được yêu cầu.

Việc thanh toán chỉ được thực hiện nếu sau khi thanh toán phần vốn góp được mua lại, công ty vẫn thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác.

Trong trường hợp công ty không mua lại phần vốn góp theo quy định thành viên đó có quyền tự do chuyển nhượng phần vốn góp của mình cho thành viên khác hoặc người khác không phải là thành viên. Trong trường hợp này thì việc chuyển nhượng không bắt buộc phải thực hiện theo quy định về chuyển nhượng vốn theo quy định tại Điều 53 Luật doanh nghiệp 2014.

5. Mua lại phần vốn góp của thành viên làm giảm vốn điều lệ công ty

Một điều cần lưu ý, công ty mua lại phần vốn góp của thành viên chính là một hình thức giảm vốn điều lệ của công ty. Do đó, trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày hoàn thành việc giảm vốn điều lệ, công ty phải thông báo bằng văn bản đến Cơ quan đăng ký kinh doanh. Thông báo phải có các nội dung chủ yếu sau đây:

– Tên, địa chỉ trụ sở chính, mã số doanh nghiệp;

–  Vốn điều lệ; số vốn dự định tăng hoặc giảm;

– Thời điểm, lý do và hình thức tăng hoặc giảm vốn;

– Họ, tên, chữ ký của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.

Và kèm theo thông báo phải có nghị quyết và biên bản họp của Hội đồng thành viên và báo cáo tài chính gần nhất.

Nếu không tiến hành đăng ký thay đổi vốn Điều lệ trong thời hạn quy định, công ty sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 31 Nghị định 50/2016/NĐ-CP. Cụ thể

1. Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp quá thời hạn quy định từ 01 đến 30 ngày.

2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp quá thời hạn quy định từ 31 đến 90 ngày.

3. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp quá thời hạn quy định từ 91 ngày trở lên.