Mục lục bài viết
Căn cứ pháp lý:
- Luật về Toà án Hiến pháp Ý;
- Luật liên bang về Toà án Hiến pháp LB Nga năm 1994;
1. Khái quát về cơ quan bảo hiến trong cơ chế bảo vệ hiến pháp
Giữa các nhà nghiên cứu có những cách nhìn nhận khác nhau về các yếu tố cấu thành nên cơ chế bảo vệ hiến pháp. Ví dụ như K. Hesse, nhà nghiên cứu người Đức khi nói về các phương tiện pháp lý bảo vệ Đạo luật cơ bản của CHLB Đức đã đưa ra những khái niệm “bảo đảm phòng ngừa” và “bảo đảm trấn áp” ( tước bỏ những quyền chính trị cơ bản khi cần thiết, khả năng cấm đoán các chính đảng, ban bố tình trạng khẩn cấp). Osepian J.P. coi giám sát bảo hiến do nghị viện thực hiện, trưng cầu ý dân về hiến pháp, quyền phủ quyết luật của nguyên thủ quốc gia là những phương tiện pháp lý trong cơ chế bảo vệ hiến pháp bên cạnh những phương tiện khác như giám sát bảo hiến của các toà án và trách nhiệm hiến pháp…Nhưng dù cho các tác giả khác nhau có tiếp cận vấn đề dưới góc độ nào thì họ đều đánh giá các cơ quan bảo hiến như yếu tố chủ chốt, quyết định trong cơ chế bảo vệ hiến pháp.
2. Khái niệm chung về hoạt động bảo hiến
Cách đây không lâu, mối bảo đảm sự tuân thủ hiến pháp của bản thân các cơ quan quyền lực nhà nước được định nghĩa như là sự giám sát bảo hiến của toà án( giám sát tính hợp hiến của các văn bản pháp luật). Hôm nay, thay vào đó khái niệm rộng hơn - “hoạt động bảo hiến” ngày càng được sử dụng rộng rãi. Các công trình nghiên cứu đã đưa ra những định nghĩa khác nhau về khái niệm này – từ ngắn gọn nhất cho đến chi tiết nhất. Theo các tác giả của công trình nghiên cứu “ Chế độ hiến pháp Đức”, nói chung hoạt động bảo hiến có thể định nghĩa như là hoạt động của các cơ quan toà án nhằm xem xét những vụ việc về những vấn đề hiến pháp – pháp lý liên quan đến việc bảo đảm sự tuân thủ hiến pháp từ phía các cơ quan quyền lực nhà nước và nhằm đưa ra những quyết định về các vụ việc đó kéo theo những hậu quả pháp lý.[4] Hoạt động bảo hiến hiện nay không chỉ là sự kiểm tra tính hợp hiến của các văn bản quy phạm pháp luật, mà còn có nhiệm vụ bảo đảm tính tối cao của hiến pháp như nền tảng của hệ thống luật pháp quốc gia, bảo đảm các quyền và tự do hiến định, bảo đảm mối quan hệ hữu cơ giữa các cơ quan quyền lực nhà nước.
Thành tố cần thiết nhất, cốt yếu nhất của hoạt động bảo hiến vẫn là bản thân giám sát bảo hiến của toà án – hoạt động của toà án nhằm kiểm tra tính hợp hiến của các văn bản quy phạm pháp luật. Đó chính là bản chất của hoạt động bảo hiến. “Không thể có hoạt động bảo hiến nếu không có thẩm quyền cơ bản là quyền giám sát tính hợp hiến của các đạo luật”. Nhà hiến pháp học người Pháp Favoreu L. khẳng định như vậy. Và với ý nghĩa này có thể nói đến sự tương đương giữa “hoạt động bảo hiến” và “ giám sát bảo hiến của toà án”.
Để làm luận cứ cho hoạt động bảo hiến, người ta sử dụng ba lý thuyết chính. Lý thuyết hữu cơ xuất pháp từ việc hiến pháp do quyền lực lập hiến ban hành, bởi vậy mọi văn bản do các cơ quan có quyền lực thấp hơn quyền lực lập hiến đều không được trái với hiến pháp. Lý thuyết tổ chức xuất phát từ việc hiến pháp thiết lập nên “ luật chơi” cho các cơ quan quyền lực nhà nước, không một cơ quan nào được xâm phạm thẩm quyền của cơ quan khác, còn đối với nhà nước liên bang, quan trọng là sự tuân thủ thẩm quyền giữa chính quyền liên bang và địa phương. Lý thuyết quyền tự nhiên cho rằng hiến pháp định ra những mối bảo đảm cho các quyền và tự do của con người và công dân, và hoạt động bảo hiến cần phải theo dõi sự thực hiện những quyền và tự do đó.
3. Nguồn gốc, sơ lược lịch sử phát triển của chế định bảo hiến
Người ta cho rằng tư tưởng về giám sát bảo hiến xuất hiện lần đầu tiên ở Anh vào đầu thế kỷ XVII và gắn liền với hoạt động của Hội đồng tư vấn. Hội đồng này bác bỏ hiệu lực của các đạo luật do các cơ quan lập pháp thuộc địa ban hành nếu chúng trái với các đạo luật của Nghị viện Anh hoặc mâu thuẫn với thông luật. Nhưng giám sát bảo hiến hiểu theo nghĩa hôm nay lần đầu tiên xuất hiện ở Mỹ, và không phải trên cơ sở hiến pháp mà từ án lệ. Quan điểm này được Chánh án Toà án Tối cao J. Marshall thể hiện một cách rõ rệt nhất trong phán quyết về vụMarbury v. Madison (Marbury kiện Madison) năm 1803: “Chỉ có toà án mới có quyền và có nghĩa vụ tuyên bố cái gì được gọi là luật”, “một văn bản luật trái với Hiến pháp không phải là luật”. Tiền lệ này đã đặt nền tảng cho mô hình Mỹ về hoạt động bảo hiến với đặc điểm chính là sự giám sát bảo hiến do các toà án bình thường thực hiện.
Sau đó, sau Đại chiến thế giới lần thứ I, ở châu Âu đã xuất hiện mô hình của mình, một mô hình mới về nguyên tắc, do học giả người Áo Hans Kelsen sáng tạo ra. Khác biệt chủ yếu của mô hình này so với mô hình Mỹ là hoạt động bảo hiến tách khỏi hệ thống tư pháp nói chung và do cơ quan chuyên trách thực hiện: toà án hiến pháp. Mô hình này được gọi là mô hình châu Âu(hay còn gọi là mô hình Áo).
Đến nay, chế định này đã lan truyền rộng rãi, được khẳng định ở các nước châu Âu, ở nhiều quốc gia mới thành lập sau Đại chiến thế giới lần thứ II tại châu Á, châu Phi, châu Mỹ La tinh, ở các nước Đông Âu cũ, các nước đang phát triển mà trước đó chế định này hoặc bị huỷ bỏ hoặc không hề tồn tại.
4. Hoạt động bảo hiến hiện nay nhìn từ góc độ lịch sử
Lướt qua lịch sử phát triển của chế định hoạt động bảo hiến, có thể nhận thấy một số điểm đáng chú ý sau đây:
Thứ nhất, có thể khẳng định rằng chế định này đã có được tính chất tổng hợp – nó tiêu biểu cho đại đa số các nhà nước đương đại. Điều này trước hết có nguyên nhân là tư tưởng về một nhà nước pháp quyền được công nhận rộng rãi, mà một trong những nét cơ bản nhất của tư tưởng đó là sự tối cao của hiến pháp và luật pháp. Tính tối cao của hiến pháp không chỉ bao hàm sự tuân thủ của những nguồn luật pháp khác, mà còn của tất cả các cơ quan quyền lực nhà nước, trong đó có quyền lực lập pháp. Nguyên nhân tiếp theo là sự biến đổi trong tính chất của hiến pháp do kết quả xã hội hoá của nó, “ đòi hỏi phải bảo vệ những chuẩn mực liên quan đến tổ chức xã hội dựa trên hệ thống giá trị cụ thể khỏi những trạng thái tâm lý luôn thay đổi của đa số trong nghị viện”.
Thứ hai, chế định hoạt động bảo hiến hiện nay có nhiều hình thức thể hiện, bởi vậy ngày càng khó có thể đưa chúng vào một trong hai mô hình – mô hình Mỹ và mô hình châu Âu. Ngày càng rõ nét hơn xu hướng xuất hiện các mô hình hỗn hợp, trong đó với những mức độ khác nhau kết hợp những nét đặc trưng của mỗi mô hình cổ điển. Vẫn giữ những khác biệt có tính nguyên tắc về mặt tổ chức (toà có thẩm quyền chung và toà chuyên trách), ở nhiều nước trên mọi phương diện còn lại có thể thấy tính chất “pha trộn” trong chế định này (về thẩm quyền, về hình thức và thể loại giám sát bảo hiến…). Bên cạnh đó, tại một số nước đã thiết lập “mô hình hỗn hợp thực sự” với đặc điểm là trong đó kết hợp cả những hình thức và thể loại giám sát bảo hiến khác nhau lẫn các toà án khác nhau (cả toà thẩm quyền chung lẫn toà chuyên trách) thực hiện sự giám sát đó như ở Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Nam Phi.
Thứ ba, xét đến tính tương đối của khái niệm, có thể nói trong giai đoạn hiện nay mô hình châu Âu đang chiếm ưu thế so với mô hình Mỹ vì những nguyên nhân lịch sử, chính trị, pháp lý khác nhau. Ví dụ như nhiều nước châu Âu từ bỏ mô hình Mỹ do những đặc điểm của hệ thống luật pháp châu Âu lục địa, vì sự “tôn thờ” luật của các luật gia châu Âu như một nguồn của luật pháp...
Ngoài ra, những nhược điểm của mô hình Mỹ trở nên rõ ràng, như sự ràng buộc của toà án với các tình huống trong các vụ việc dân sự và hình sự trong khi giải quyết các vấn đề hiến định, thời gian xét xử kéo dài, các phán quyết chỉ có tính chất bắt buộc đối với các bên tham gia vào vụ việc cụ thể, quyền nghi ngờ tính hợp hiến của các văn bản pháp luật và các hành vi chỉ được trao cho các cá nhân. Những nhược điểm trên đây đều được mô hình châu Âu khắc phục.
5. Vai trò, vị trí của hoạt động bảo hiến
Những cái nhìn khác nhau
Giữa các nhà nghiên cứu luật hiến pháp trên thế giới còn diễn ra tranh luận về vị trí của hoạt động bảo hiến trong hệ thống quyền lực nhà nước, về bản chất của các cơ quan đại diện cho chế định này. Một số người cho rằng hoạt động bảo hiến pháp là một phần của quyền lực tư pháp. Ví dụ như theo ý kiến của J.I.Ovsepian, “ các toà án hiến pháp đều thuộc về nhánh quyền lực tư pháp mà không phụ thuộc vào việc chúng được nhắc đến ở đâu trong bản văn hiến pháp”. Những người khác cho rằng hoạt động bảo hiến nằm ngoài ba nhánh quyền lực, mặc dầu không hoàn toàn là “ quyền lực thứ tư”. Như nhà hiến pháp học người Pháp L.Favoreu nhận xét, “hôm nay ở phần lớn các nước theo mô hình của Kelsen đều thừa nhận hoạt động bảo hiến nằm ngoài ba nhánh quyền lực, bảo đảm sự tuân thủ các quyền hạn của mỗi nhánh trong phạm vi của mình”. Ý kiến thứ ba xem xét giám sát bảo hiến với nghĩa rộng của khái niệm này, bao hàm cả những hình thức khác như sự giám sát của Quốc hội đối với Chính phủ bên cạnh sự giám sát bảo hiến của toà án, như một quyền lực đặc biệt – quyền lực giám sát.
Tính chất chính trị – pháp lý của các cơ quan bảo hiến
Tuy vậy, không phụ thuộc vào việc đánh giá vị trí của hoạt động bảo hiến pháp, các cơ quan thực hiện hoạt động bảo hiến đều có những đặc thù phân biệt chúng với các toà bình thường( trong đó có những toà đặc biệt như toà hành chính), cũng như với các cơ quan nhà nước – chính trị như nghị viện, chính phủ. Điều đó được biểu hiện trong bản chất lưỡng thể của các cơ quan này: một mặt, đó là những cơ quan tư pháp đưa ra các phán quyết theo một quy trình đã được nghi thức hoá có nhiều điểm chung với thủ tục toà án bình thường; mặt khác, đó là những cơ quan chính trị nếu xét theo trình tự thành lập, thành phần, và chủ yếu nhất là theo tính chất của những vụ việc được giải quyết có đối tượng xem xét là các vấn đề hiến định. Mà bất cứ một vấn đề hiến định nào đều là vấn đề chính trị, vì “nó động chạm đến sự phân chia và thực hiện quyền lực chính trị, bởi vậy không thể không có tính chất chính trị”.
Bên cạnh đó cũng cần nhấn mạnh là chỉ với ý nghĩa đó mới có thể nói về tính chất chính trị trong cơ quan bảo hiến. Nó không phải là thực thể chính trị như những cơ quan hiến định khác tham gia trực tiếp vào quá trình chính trị, vào việc đưa ra các quyết định chính trị hay vào quá trình giám sát chính trị. Sự tham gia như vậy sẽ trái với mục đích, ý nghĩa của hoạt động bảo hiến và do đó bị luật pháp nhiều nước cấm đoán. Ví dụ như Luật về Toà án Hiến pháp Ý có điều khoản quy định “ giám sát bảo hiến của toà án loại trừ mọi sự đánh giá có tính chất chính trị” (Điều 58). Tương tự như vậy, Luật liên bang về Toà án Hiến pháp LB Nga năm 1994 quy định Toà “chỉ giải quyết những vấn đề thuần tuý của luật pháp”(Điều 3). Lập trường đó cũng được các toà án hiến pháp nhiều nước tuân theo như Áo, Tây Ban Nha, Pháp…Trong một phán quyết của Toà án Hiến pháp Tây Ban Nha có nói: lĩnh vực hoạt động chính trị của quyền lực nhà nước “nằm ngoài vòng kiểm soát của Toà”. Toà án Hiến pháp Áo khi chỉ ra rằng “chính trị nằm ngoài vòng giám sát bảo hiến” đã nhấn mạnh “sự đánh giá hiệu quả chính trị hay sự đúng đắn về chính trị trong mỗi quyết định của nhà lập pháp không phải là tiêu chí về tính hợp hiến của nó”.
Bên cạnh đó cũng cần nhấn mạnh là chỉ với ý nghĩa đó mới có thể nói về tính chất chính trị trong cơ quan bảo hiến. Nó không phải là thực thể chính trị như những cơ quan hiến định khác tham gia trực tiếp vào quá trình chính trị, vào việc đưa ra các quyết định chính trị hay vào quá trình giám sát chính trị. Sự tham gia như vậy sẽ trái với mục đích, ý nghĩa của hoạt động bảo hiến và do đó bị luật pháp nhiều nước cấm đoán. Ví dụ như Luật về Toà án Hiến pháp Ý có điều khoản quy định “ giám sát bảo hiến của toà án loại trừ mọi sự đánh giá có tính chất chính trị” (Điều 58). Tương tự như vậy, Luật liên bang về Toà án Hiến pháp LB Nga năm 1994 quy định Toà “chỉ giải quyết những vấn đề thuần tuý của luật pháp”(Điều 3). Lập trường đó cũng được các toà án hiến pháp nhiều nước tuân theo như Áo, Tây Ban Nha, Pháp…Trong một phán quyết của Toà án Hiến pháp Tây Ban Nha có nói: lĩnh vực hoạt động chính trị của quyền lực nhà nước “nằm ngoài vòng kiểm soát của Toà”. Toà án Hiến pháp Áo khi chỉ ra rằng “chính trị nằm ngoài vòng giám sát bảo hiến” đã nhấn mạnh “sự đánh giá hiệu quả chính trị hay sự đúng đắn về chính trị trong mỗi quyết định của nhà lập pháp không phải là tiêu chí về tính hợp hiến của nó”.