1. Định giá tài sản trong tố tụng hình sự được hiểu như thế nào?

Định giá tài sản được hiểu là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định giá trị bằng tiền của tài sản được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng ra văn bản yêu cầu định giá để giải quyết vụ án hình sự tại thời điểm nhất định

Trong quá trình giải quyết vụ án hình sự, khi xét thấy cần xác định giá trị của tài sản có liên quan đến việc giải quyết vụ án hình sự cụ thể: xác định tội phạm, định khung hình phạt, quyết định hình phạt, ... thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng ra văn bản yêu cầu định giá tài sản bao gồm một số nội dung:

  • Tên cơ quan yêu cầu định giá, họ và tên người có thẩm quyền yêu cầu định giá
  • Tên Hội đồng định giá tài sản đươc yêu cầu
  • Thông tin và đặc điểm của tài sản cần định giá
  • Tên tài liệu có liên quan (nếu có)
  • Nội dung yêu cầu định giá tài sản
  • Ngày tháng năm yêu cầu định giá tài sản, thời hạn trả kết luận định giá tài sản

Cơ quan yêu cầu định giá tài sản phải giao hoặc gửi văn bản yêu cầu định giá tài sản, hồ sơ, đối tượng yêu cầu định giá tài sản cho Hội đồng định giá tài sản được yêu cầu, đồng thời gửi văn bản yêu cầu định giá tài sản cho Viện kiểm sát có thẩm quyền thực hành quyên công tố và kiểm sát điều tra trong thời hạn 24 giờ kể tù khi ra văn bản yêu cầu định giá tài sản

Việc định giá tài sản không phải là hàng cấm phải dựa trên ít nhất một trong các căn cứ: giá thị trường của tài sản; giá do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định, quyết định; giá do doanh nghiệp thẩm định giá cung cấp; giá trong tài liệu, hồ sơ kèm theo tài sản cần định giá (nếu có); các căn cứ khác về giá hoặc giá tị của tài sản cần định giá

Việc định giá tài sản là hàng cấm phải dựa trên ít nhất một trong các căn cứ theo thứ tự ưu tiên: giá mua bán thu thập được trên thị trường không chính thức tại thời điểm và tại nơi tài sản là hàng cấm được yêu cầu định giá hoặc tại địa phương khác; giá ghi trên hợp đồng hoặc hóa đơn mua bán hoặc tờ khai nhập khẩu hàng cấm (nếu có); giá do doanh nghiệp thẩm định giá cung cấp; giá thị trường trong khu vực hoặc thế giới của hàng cầm do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền thông báo hoặc cung cấp thông tin; giá niêm yết, giá ghi trên hợp đồng hoặc hóa đơn mua bán hoặc tờ khai nhập khẩu của tài sản tương tự được phép kinh doanh, lưu hành, sử dụng tại Việt Nam; giá thị trường trong khu vực và trên thế giới của tài sản tương tự được kinh doanh, lưu hành, sử dụng tại các thị trường này; các căn cứ khác giúp xác định giá trị của tài sản cần định góa do cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự cung cấp và chịu trách nhiệm về tính chính xác, tin cậy của các căn cứ đó.

2. Thời hạn định giá tài sản trong tố tụng hình sự được quy định như thế nào?

Thời hạn định giá tài sản được hiểu là việc định giá tài sản, trả kết luận định giá tài sản thực hiện theo thời hạn nêu trong văn bản yêu cầu định giá tài sản. Trường hợp việc định giá tài sản không thể tiến hành trong thời hạn yêu cầu, Hội đồng định giá tài sản kịp thời thông báo bằng văn bản, nêu rõ lý do cho cơ quan, người đã yêu cầu định giá biết (Điều 216 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015)

Trong trường hợp không thể tiến hành trong thời hạn yêu cầu, Hội đồng định giá tài sản phải kịp thời thông báo bằng văn bản, nêu rõ lý do cho cơ quan, người đã yêu cầu định giá biết. Việc định giá tài sản do Hội đồng định giá tài sản tiến hành, việc họp định giá tài sản có thể được thực hiện tại nơi có tài sản được định giá hoặc nơi khác theo quyết định của Hội đồng định giá tài sản.

Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán có thể tham dự phiên họp định giá tài sản nhưng phải báo trước cho Hội đồng định giá tài sản biết. Khi được sự đồng ý của Hội đồng định giá tài sản thì có quyền đưa ra ý kiến

3. Các trường hợp phải định giá lại tài sản 

Trong tố tụng hình sự có một số trường hợp cần phải được định giá tài sản được quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Cụ thể: (Điều 218 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015)

- Có nghi ngờ về kết luận định giá lần đầu được thực hiện khi cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có đầy đủ căn cứ nghi ngờ về kết luận trên

- Có mẫu thuẫn giữa kết luận định giá tài sản lần đầu và kết luận định giá lại về giá của tài sản cần định giá được thực hiện khi đồng thời thỏa mãn đủ các điều kiện

+ Kết luận định giá lại khác với kết luận định giá lần đầu khi việc định giá lần đầu và định giá lại đều tuân thủ đúng nguyên tắc, trình tự, thủ tục định giá, áp dụng đúng thông tin, đặc điểm của tài sản cần định giá và nội dung yêu cầu định giá

+ Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng tiếp tục có đầy đủ căn cứ nghi ngờ về kết luận định giá lại

Ngoài ra, một số trường hợp không thuộc trường hợp định giá lại tài sản. Cụ thể (Điều 21 Nghị dịnh 30/2018/NĐ-CP)

- Hội đồng định giá chưa thực hiện đúng trình tự, thủ tục định giá hoặc chưa có kết luận về giá của tài sản cần định giá hoặc thành viên Hội đồng định giá tài sản thuộc một trong các trường hợp không được tham gia định giá tài sản

- Có sự thay đổi về thông tin, đặc điểm của tài sản cần định giá, thay đỏi về nội dung yêu cầu định giá khi có yêu cầu bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng

- Việc định giá tài sản đối với những trường hợp trên được thưc hiện như định giá lần đầu

4. Phương pháp định giá tài sản trong vụ án hình sự

Phương pháp định giá tài sản được quy định cụ thể (Điều 17 Nghị định 30/2018/NĐ-CP)

- Căn cứ vào loại tài sản, thôn tin và đặc điểm của tài sản, tình hình khảo sát giá, thu thập thông tin liên quan đến tài sản cần định giá, Hội đồng định giá thực hiện định giá tài sản theo tiêu chuẩn về thẩm định giá, phương pháp định giá chung đối với hàng hóa, dịch vụ và các tiêu chuẩn, phương pháp định giá quy định tại pháp luật chuyên ngành liên quan đến tài sản cần định giá

- Đối với một số trường hợp cụ thể, việc định giá tài sản thực hiện theo quy định trên và đồng thời tiến hành: 

+ Tài sản chưa qua sử dụng: Hội đồng định giá xác định giá của tài sản theo giá của tài sản giống hệt còn mới hoặc tài sản tương tự còn mới (nếu không có tài sản giống hệt)

+ Tài sản đã qua sử dụng: Hội đồng định giá xác định giá của tài sản trên cơ sở xác định giá trị thực tế của tài sản

+ Tài sản bị hủy hoại, hư hỏng một phần; tài sản bị hủy hoại, hư hỏng toàn bộ nhưng vẫn có khả năng khôi phụ lại tình trạng của tài sản trước khi bị hủy hoại, hư hỏng: trường hợp cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng yêu cầu xác định giá trị thiệt hại của tài sản bị hủy hoại, hư hỏng một phần hoặc toàn bộ, Hội đồng định giá xá định giá trên cơ sở chi phí khôi phục lại tình trạng ban đầu của tài sản trước khi bị hủy hoại, hư hỏng một phần hoặc toàn bộ

+ Tài sản bị mất, thất lạc; tài sản bị hủy hoại, hư hỏng toàn bộ và không có khả năng khôi phục lại tình trạng của tài sản trước khi bị hủy hoại, hư hỏng: Hội đồng định giá xác định giá của tài sản theo hồ sơ của tài sản trên cơ sở các thông tin, tài liệu thu thập được về tài sản cần định giá

+ Tài sản là hàng giả: Hội đồng định giá xác định tài sản theo giá của hàng thật hoặc giá của tài sản tương tự theo quy định của Bộ luật Hình sự

+ Tài sản không mua bán phổ biến trên thị trường; tài sản là kim khí quý, đá quý, di vật, cổ vật hoặc vật có giá trị văn hóa, tôn giáo, khảo cổ, kiến trúc, lịch sử: Hội đồng định giá xác định giá tài sản dựa trên kết quả giám định, ý kiến đánh giá của cơ quan có thẩm quyền và chuyên gia về lĩnh vực này hoặc giá trị ghi trong hồ sơ, tài liệu của tài sản.

Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn pháp luật về chủ đề thời hạn định giá tài sản trong tố tụng hình sự mà Luật Minh Khuê cung cấp tới quý khách hàng. Ngoài ra quý khách hàng có thể tham khảo thêm bài viết về chủ đề hiệu lực hồi tố là gì, áp dụng hồi tố giải quyết vụ án khi nào của Luật Minh Khuê. Còn bất kỳ điều gì vướng mắc, quý khách hàng vui lòng liên hệ trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7. Gọi số 1900.6162 hoặc gửi email đến địa chỉ: Tư vấn pháp luật qua Email để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ tốt nhất từ Luật Minh Khuê. Chúng tôi rất hân hạnh nhận được sự hợp tác từ quý khách hàng. Trân trọng./.