Mục lục bài viết
- 1. Bổ nhiệm là gì?
- 2. Quy định Luật doanh nghiệp về bổ nhiệm Tổng giám đốc
- 2.1. Thứ nhất, bổ nhiệm Tổng giám đốc tại Công ty TNHH hai thành viên trở lên
- 2.2. Thứ hai, Bổ nhiệm Tổng giám đốc trong công ty TNHH một thành viên do tổ chức là chủ sở hữu
- 2.3. Thứ ba, Bổ nhiệm Tổng giám đốc tại Doanh nghiệp nhà nước
- 2.4. Thứ tư, Bổ nhiệm Tổng giám đốc tại công ty Cổ phần
- 3. Hợp đồng do Tổng giám đốc ký sau khi hết thời hạn bổ nhiệm có hiệu lực pháp lý không?
Kính chào công ty Luật Minh Khuê, Tôi có thắc mắc về pháp luật doanh nghiệp mong nhận được tư vấn từ Luật sư. Thắc mắc của tôi như sau: Nếu người có thẩm quyền ký kết hơp đồng (ở đây là Tổng giám đốc) đã hết thời hạn bổ nhiệm (hết 5 năm) vẫn chưa được bổ nhiệm lại (chưa có văn bản bổ nhiệm lại của cấp trên thì tất cả các hợp đồng được ký kết sau ngày hết hạn bổ nhiệm sẽ vô hiệu lực đúng không? Hậu quả của nó sẽ như thế nào? Rất mong nhận được giải đáp từ luật sư. Tôi xin chân thành cảm ơn!
Người hỏi: T.V.T – Hà Nội
Nội dung được biên tập từ chuyên mục tư vấn luật Doanh nghiệp của Công ty luật Minh Khuê
>> Luật sư tư vấn pháp luật Doanh nghiệp, gọi: 1900 6162
Cơ sở pháp lý:
1. Bổ nhiệm là gì?
Bổ nhiệm là việc giao cho cá nhân giữ chức vụ trong bộ máy nhà nước, giữ chức vụ trong doanh nghiệp bằng quyết định của của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc của người quản lý đứng đầu đơn vị.
2. Quy định Luật doanh nghiệp về bổ nhiệm Tổng giám đốc
Theo như thông tin khách hàng cung cấp, Luật Minh Khuê hiểu chung về chucs danh Tổng giám đốc trong các loại hình doanh nghiệp. Vì vậy, trước hết chúng tôi sẽ cung cấp các quy định pháp luật về việc bổ nhiệm chức danh Tổng giám đốc trong các loại hình doanh nghiệp theo quy định của Luật doanh nghiệp 2020. Cụ thể như sau:
2.1. Thứ nhất, bổ nhiệm Tổng giám đốc tại Công ty TNHH hai thành viên trở lên
Điều 55. Hội đồng thành viên
1. Hội đồng thành viên là cơ quan quyết định cao nhất của công ty, bao gồm tất cả thành viên công ty là cá nhân và người đại diện theo ủy quyền của thành viên công ty là tổ chức. Điều lệ công ty quy định kỳ họp Hội đồng thành viên, nhưng ít nhất mỗi năm phải họp một lần.
2. Hội đồng thành viên có quyền và nghĩa vụ sau đây:
a) Quyết định chiến lược phát triển và kế hoạch kinh doanh hằng năm của công ty;
b) Quyết định tăng hoặc giảm vốn điều lệ, quyết định thời điểm và phương thức huy động thêm vốn; quyết định phát hành trái phiếu;
c) Quyết định dự án đầu tư phát triển của công ty; giải pháp phát triển thị trường, tiếp thị và chuyển giao công nghệ;
d) Thông qua hợp đồng vay, cho vay, bán tài sản và hợp đồng khác do Điều lệ công ty quy định có giá trị từ 50% tổng giá trị tài sản trở lên được ghi trong báo cáo tài chính tại thời điểm công bố gần nhất của công ty hoặc một tỷ lệ hoặc giá trị khác nhỏ hơn quy định tại Điều lệ công ty;
đ) Bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch Hội đồng thành viên; quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm, ký và chấm dứt hợp đồng đối với Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, Kế toán trưởng, Kiểm soát viên và người quản lý khác quy định tại Điều lệ công ty;
2.2. Thứ hai, Bổ nhiệm Tổng giám đốc trong công ty TNHH một thành viên do tổ chức là chủ sở hữu
Điều 82. Giám đốc, Tổng giám đốc
1. Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty bổ nhiệm hoặc thuê Giám đốc hoặc Tổng giám đốc với nhiệm kỳ không quá 05 năm để điều hành hoạt động kinh doanh hằng ngày của công ty. Giám đốc hoặc Tổng giám đốc chịu trách nhiệm trước pháp luật và Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty về việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình. Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên khác của Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty có thể kiêm Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, trừ trường hợp pháp luật, Điều lệ công ty có quy định khác.
Tổng giám đốc có quyền và nghĩa vụ sau đây:
a) Tổ chức thực hiện nghị quyết, quyết định của Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty;
b) Quyết định các vấn đề liên quan đến hoạt động kinh doanh hằng ngày của công ty;
c) Tổ chức thực hiện kế hoạch kinh doanh và phương án đầu tư của công ty;
d) Ban hành quy chế quản lý nội bộ của công ty;
đ) Bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm người quản lý công ty, trừ các chức danh thuộc thẩm quyền của Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty;
e) Ký hợp đồng nhân danh công ty, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty;
g) Kiến nghị phương án cơ cấu tổ chức công ty;
h) Trình báo cáo tài chính hằng năm lên Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty;
i) Kiến nghị phương án sử dụng lợi nhuận hoặc xử lý lỗ trong kinh doanh;
k) Tuyển dụng lao động;
l) Quyền và nghĩa vụ khác được quy định tại Điều lệ công ty và hợp đồng lao động.
2.3. Thứ ba, Bổ nhiệm Tổng giám đốc tại Doanh nghiệp nhà nước
Điều 100. Giám đốc, Tổng giám đốc và Phó giám đốc, Phó Tổng giám đốc
1. Giám đốc hoặc Tổng giám đốc do Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty bổ nhiệm hoặc thuê theo phương án nhân sự đã được cơ quan đại diện chủ sở hữu chấp thuận.
2. Giám đốc hoặc Tổng giám đốc có nhiệm vụ điều hành các hoạt động hằng ngày của công ty và có quyền, nghĩa vụ sau đây:
a) Tổ chức thực hiện và đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch, phương án kinh doanh, kế hoạch đầu tư của công ty;
b) Tổ chức thực hiện và đánh giá kết quả thực hiện nghị quyết, quyết định của Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty và của cơ quan đại diện chủ sở hữu công ty;
c) Quyết định các công việc hằng ngày của công ty;
d) Ban hành quy chế quản lý nội bộ của công ty đã được Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty chấp thuận;
đ) Bổ nhiệm, thuê, miễn nhiệm, cách chức, chấm dứt hợp đồng lao động đối với người quản lý công ty, trừ chức danh thuộc thẩm quyền của Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty;
e) Ký kết hợp đồng, giao dịch nhân danh công ty, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty;
g) Lập và trình Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty báo cáo định kỳ hằng quý, hằng năm về kết quả thực hiện mục tiêu kế hoạch kinh doanh; báo cáo tài chính;
h) Kiến nghị phân bổ và sử dụng lợi nhuận sau thuế và các nghĩa vụ tài chính khác của công ty;
i) Tuyển dụng lao động;
k) Kiến nghị phương án tổ chức lại công ty;
l) Quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật và Điều lệ công ty.
3. Công ty có một hoặc một số Phó giám đốc hoặc Phó Tổng giám đốc. Số lượng, thẩm quyền bổ nhiệm Phó giám đốc hoặc Phó Tổng giám đốc quy định tại Điều lệ công ty. Quyền và nghĩa vụ của Phó giám đốc hoặc Phó Tổng giám đốc quy định tại Điều lệ công ty, hợp đồng lao động.
2.4. Thứ tư, Bổ nhiệm Tổng giám đốc tại công ty Cổ phần
Điều 162. Giám đốc, Tổng giám đốc công ty
1. Hội đồng quản trị bổ nhiệm một thành viên Hội đồng quản trị hoặc thuê người khác làm Giám đốc hoặc Tổng giám đốc.
2. Giám đốc hoặc Tổng giám đốc là người điều hành công việc kinh doanh hằng ngày của công ty; chịu sự giám sát của Hội đồng quản trị; chịu trách nhiệm trước Hội đồng quản trị và trước pháp luật về việc thực hiện quyền, nghĩa vụ được giao.
Nhiệm kỳ của Giám đốc hoặc Tổng giám đốc không quá 05 năm và có thể được bổ nhiệm lại với số nhiệm kỳ không hạn chế.
3. Giám đốc hoặc Tổng giám đốc có quyền và nghĩa vụ sau đây:
a) Quyết định các vấn đề liên quan đến công việc kinh doanh hằng ngày của công ty mà không thuộc thẩm quyền của Hội đồng quản trị;
b) Tổ chức thực hiện các nghị quyết, quyết định của Hội đồng quản trị;
c) Tổ chức thực hiện kế hoạch kinh doanh và phương án đầu tư của công ty;
d) Kiến nghị phương án cơ cấu tổ chức, quy chế quản lý nội bộ của công ty;
đ) Bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm các chức danh quản lý trong công ty, trừ các chức danh thuộc thẩm quyền của Hội đồng quản trị;
e) Quyết định tiền lương và lợi ích khác đối với người lao động trong công ty, kể cả người quản lý thuộc thẩm quyền bổ nhiệm của Giám đốc hoặc Tổng giám đốc;
g) Tuyển dụng lao động;
h) Kiến nghị phương án trả cổ tức hoặc xử lý lỗ trong kinh doanh;
i) Quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật, Điều lệ công ty và nghị quyết, quyết định của Hội đồng quản trị.
Giám đốc hoặc Tổng giám đốc phải điều hành công việc kinh doanh hằng ngày của công ty theo đúng quy định của pháp luật, Điều lệ công ty, hợp đồng lao động ký với công ty và nghị quyết, quyết định của Hội đồng quản trị. Trường hợp điều hành trái với quy định tại khoản này mà gây thiệt hại cho công ty thì Giám đốc hoặc Tổng giám đốc phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và phải bồi thường thiệt hại cho công ty.
Về nguyên tắc người quản lý công ty (trong đó có Tổng giám đốc) phải có trách nhiệm như sau trong quản lý vận hành doanh nghiệp.
- Thực hiện quyền và nghĩa vụ được giao theo quy định của Luật doanh nghiệp, pháp luật khác và các quy định của tổ chức
- Thực hiện quyền và nghĩa vụ được giao một cách trung thực, cẩn trọng, tốt nhất nhằm bảo đảm lợi ích hợp pháp tối đa của công ty;
- Trung thành với lợi ích của công ty và cổ đông; không lạm dụng địa vị, chức vụ và sử dụng thông tin, bí quyết, cơ hội kinh doanh, tài sản khác của công ty để tư lợi hoặc phục vụ lợi ích của tổ chức, cá nhân khác;
- Thông báo kịp thời, đầy đủ, chính xác cho công ty về các vấn đề liên quan đến tình hình hoạt động của công ty;
- Trách nhiệm khác theo quy định của Luật doanh nghiệp và Điều lệ công ty.
Tổng giám đốc không thực hiện đúng trách nhiệm của mình theo quy định phải chịu trách nhiệm cá nhân hoặc liên đới đền bù lợi ích bị mất, trả lại lợi ích đã nhận và bồi thường toàn bộ thiệt hại cho công ty và bên thứ ba.
Qua những dẫn chiếu nêu trên, Luật Minh Khuê đưa ra kết luận như sau, pháp luật doanh nghiệp quy định tùy từng loại hình doanh nghiệp chức danh Tổng giám đốc sẽ được bổ nhiệm hoặc thuê dưới dạng người lao động trong doanh nghiệp. Trong trường hợp bổ nhiệm thì quyết định bổ nhiệm sẽ là văn bản có giá trị pháp lý chứng minh địa vị pháp lý của Tổng giám đốc được bổ nhiệm.
Đối với loại hình doanh nghiệp quy định việc bổ nhiệm Tổng giám đốc với nhiệm kỳ của Tổng giám đốc là 05 năm thì khi hết nhiệm kỳ thì Quyết định bộ nhiệm cũng không còn giá trị. Điều đó có nghĩa rằng, thời điểm hết thời hạn bổ nhiệm mà chưa được bổ nhiệm lại Tổng giám đốc không được thực hiện những công việc thuộc thẩm quyền của chức danh Tổng giám đốc theo quy định pháp luật.
3. Hợp đồng do Tổng giám đốc ký sau khi hết thời hạn bổ nhiệm có hiệu lực pháp lý không?
Điều 117 Bộ luật dân sự 2015 quy định về điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự như sau:
1. Giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;
b) Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;
c) Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.
2. Hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp luật có quy định.
Theo đó, một trong tiêu chí xác định điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự (hợp đồng được giao kết) đó là năng lực pháp luật của chủ thể giao kết hợp đồng.
Cùng với phân tích ở mục 1, trường hợp các hợp đồng theo quy định thuộc thẩm quyền ký của Tổng giám đốc mà Tổng giám đốc đã hết nhiệm kỳ chưa được bổ nhiệm lại ký sẽ không đáp ứng điều kiện về năng lực chủ thể. Và do đó, những hợp đồng ký từ thời điểm hết thời hạn bổ nhiệm này sẽ không có hiệu lực pháp luật.
Tuy nhiên, một số doanh nghiệp quy định cụ thể về bổ nhiệm, bổ nhiệm lại Tổng giám đốc tại Điều lệ. Quý khách có thể tìm hiểu qua định tại Điều lệ của doanh nghiệp để có căn cứ đầy đủ, chính xác.
Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900 6162 để được giải đáp.
Rất mong nhận được sự hợp tác!
Trân trọng./.
Bộ phận tư vấn pháp luật Doanh nghiệp - Công ty luật Minh Khuê