1. Pháp điển hóa ở Pháp

Tại nhiều nước thuộc hệ thống pháp luật châu Âu lục địa, pháp điển hóa được xem là bước tiếp theo của hệ thống hóa với bản chất là chuyển hóa các đạo luật và văn bản dưới luật (theo từng lĩnh vực) vào một cuốn sách duy nhất gọi là bộ luật hay bộ pháp điển. Sau khi bộ pháp điển về từng lĩnh vực đã được ban hành, nếu các văn bản pháp luật có sự thay đổi thì nghị viện hoặc một cơ quan do nghị viện ủy quyền sẽ tiến hành sửa đổi lại bộ pháp điển.

Khi đề cập hoạt động pháp điển hóa ở Pháp, mọi người đều thống nhất rằng, thành công lớn nhất của nước Pháp trong công tác này là việc ban hành Bộ luật dân sự Napoleon năm 1804. Sự thành công thể hiện không chỉ về hình thức mà về cả nội dung, mà minh chứng của nó là sự trường tồn hơn 200 năm với rất ít sửa đổi, bổ sung. Chính vì sự thành công của Bộ luật dân sự Napoleon mà nhiều người đôi khi đồng nhát "pháp điển hóa" với việc ban hành các bộ luật. Tuy nhiên, theo quan điểm của luật gia Pháp G.Goulard, mục đích của pháp điển hóa chính là tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người tiếp cận pháp luật. Luật gia này cũng cho rằng, "ở Pháp, người ta muốn... hợp nhất các văn bản luật và văn bản dưới luật vào một cuốn sách duy nhất, bao gồm toàn bộ những nguyên tắc pháp luật được áp dụng. Đây chính là pháp điển hoá. Thực chất của việc pháp điển hóa là chuyển hóa các đạo luật và nghị định vào một cuốn sách duy nhất gọi là bộ pháp điển". Như vậy, theo quan điểm của người Pháp thì kết quả cuối cùng của hoạt động pháp điển hóa không nhất thiết là một bộ luật mà còn có thể là một bộ pháp điển.

Đối với việc xây dựng các bộ pháp điển, có ý kiến cho rằng, đây không phải là công tác lập pháp, vì trong quá trình soạn thảo bộ pháp điển không thể quy định thêm. Trên thực tế việc xây dựng các bộ pháp điển chỉ là "nhằm sắp xếp lại các quy định của pháp luật hiện hành". Tuy nhiên, thủ tục ban hành bộ pháp điển lại bao gồm cả việc đưa dự thảo ra xem xét, thông qua tại Nghị viện, kèm theo đó là việc tuyên bố bãi bỏ tất cả các đạo luật đã được pháp điển hóa. Một điểm cần lưu ý khác là, tiền để cần thiết cho việc ban hành các bộ pháp điển là tất cả các quy định đều đã được ban hành đầy đủ và sự mâu thuẫn, chồng chéo (nếu có) đã được giải quyết từ các giai đoạn trước khi tiến hành pháp điển.

2. Pháp điển hóa ở Cộng hòa Liên bang Đức

Khác với Pháp, ở Cộng hòa Liên bang Đức, mục tiêu pháp điển hóa lại được giới hạn ở phạm vi hẹp hơn. Chính phủ Liên bang Đức tiếp cận vấn đề pháp điển hóa ở góc độ hệ thống hóa pháp luật (bao gồm việc rà soát, tập hợp, sắp xếp pháp luật một cách có hệ thống,...); đến vấn đề cơ bản về bản chất của pháp luật, về cải cách hệ thống pháp luật, nhằm làm cho pháp luật trở nên thân thiện, đơn giản, minh bạch, dễ tiếp cận với người dân, doanh nghiệp. Hơn nữa, pháp điển hóa còn bao quát cả những vấn đề liên quan đến các yêu cầu hội nhập, toàn cầu hóa như thống nhất pháp luật, hài hòa hóa pháp luật. Pháp điển hóa trở thành cơ chế để đổi mới, hoàn thiện hệ thống pháp luật. Do đó, có thể thâỳ, ở Cộng hòa Liên bang Đức, khái niệm hệ thống hóa và pháp điển hóa có thể được hiểu theo cùng một nghĩa. Nói cách khác, pháp điển hóa tại Cộng hòa liên bang Đức thực chất là việc rà soát, hệ thống hóa và đơn giản hóa pháp luật nhằm bảo đảm hệ thống pháp luật ngày càng rõ ràng, minh bạch theo hướng dễ tiếp cận hơn cho các đối tượng sử dụng. Việc pháp điển hóa không tiến hành liên tục, thường xuyên mà định kỳ, chủ yếu nhằm xác định các quy định đã lỗi thời, lạc hậu, không còn phù hợp hoặc có sự trùng lặp, mâu thuẫn.

Nhu cầu pháp điển hóa phát sinh từ thực tiễn hoạt động quản lý của Chính phủ và bộ máy hành chính liên bang, do Chính phủ Liên bang chủ động đề xuất và độc lập thực hiện. Tuy vậy, hoạt động pháp điển hóa lại mang tính lập pháp rõ nét, nó không chỉ bao gồm các hoạt động rà soát, hệ thống hóa mà còn bao gồm một số hoạt động mang tính chất lập pháp như tập hợp, sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ văn bản, quy định bất hợp lý; thống nhất nội dung các thuật ngữ, các định nghĩa; phát hiện những bất hợp lý về kỹ thuật lập pháp...

3. Pháp điển hóa ở Hoa Kỳ

Tại các nước thuộc hệ thống pháp luật Anh - Mỹ, pháp điển hóa được hiểu là việc cho ra đời, bổ sung, cập nhật thường xuyên các tập án lệ, những tình huống, vụ việc pháp lý cụ thể đã có tiền lệ theo từng lĩnh vực của đời sống. Thông qua việc đưa ra các tập pháp điển về án lệ, các nhà pháp điển thực sự tham gia vào việc lập pháp và pháp điển hóa pháp luật. Công việc này rất được chú trọng, được tiến hành thường xuyên và thường được thực hiện bởi tòa án và những cơ quan trực tiếp thực thi pháp luật.

Tại Hoa Kỳ, xuất phát từ tính chất của hệ thống pháp luật chủ yếu dựa trên án lệ, việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật thành văn đồ sộ không được chú trọng. Chính vì vậy, việc pháp điển hóa theo nghĩa là hoạt động lập pháp - xây dựng các đạo luật mới, hầu như không được thực hiện ở Hoa Kỳ, ngoại trừ một số bang có truyền thống chịu ảnh hưởng của hệ thống pháp luật châu Âu lục địa.

Tuy nhiên, xuất phát từ yêu cầu của thực tế là cần phải tạo điều kiện một cách thuận lợi nhất cho người dân trong việc tiếp cận các quy định pháp luật thành văn do Nhà nước ban hành, việc pháp điển hóa hình thức rất được chú trọng ở Hoa Kỳ và có quá trình phát triển lâu dài. Trên thực tế, người ta không phân tách một cách rạch ròi giữa tập hợp hóa, rà soát, hệ thống hóa với pháp điển hóa mà có xu hướng thống nhất các thao tác này vào một công việc có tính đan xen, kết hợp với nhau dưới tên gọi pháp điển hóa.

Một điểm thú vị là mặc dù có sự thống nhất về khái niệm pháp điển hóa (pháp điển hóa hình thức), nhưng cách thức, phương pháp tiến hành pháp điển hóa ở Hoa Kỳ lại có sự khác biệt giữa các quy định do Quốc hội Hoa Kỳ ban hành (Bộ pháp điển pháp luật Liên bang - "The US Codes") và các quy định do Chính phủ ban hành (Bộ pháp điển pháp quy Liên bang - "The Code of Federal Regulations"). Thực tế thì, quá trình pháp điển hóa các bộ pháp điển này được tiến hành một cách độc lập với nhau, trong những bối cảnh khác nhau và cũng cho các kết quả khác nhau:

Theo cách thứ nhất, các đạo luật của liên bang được tập hợp, pháp điển hóa một cách chính thức thành Bộ pháp điển pháp luật liên bang ("The US Codes") về từng lĩnh vực do một cơ quan thuộc bộ máy của Hạ viện Hoa Kỳ ("Office of the Law Revision Counsel") gồm các luật gia được Nhà nước trả lương tiến hành. Nội dung của bộ pháp điển này là toàn bộ các luật thực định do Quốc hội Liên bang ban hành, được sắp xếp theo trật tự nhất định, rất thuận tiện cho việc tra cứu và áp dụng pháp luật. Quá trình pháp điển hóa không làm thay đổi nội dung hay hiệu lực pháp lý của các quy phạm pháp luật hiện có mà chủ yếu nhằm loại bỏ những điểm không rõ ràng, mâu thuẫn hoặc chưa hoàn chỉnh của luật. Hiện tại, mới chỉ có một số nội dung tương đối ổn định của bộ pháp điển được Quốc hội Hoa Kỳ chính thức thông qua và trở thành các đạo luật có giá trị pháp lý đầy đủ; những phần còn lại chỉ mang giá trị chứng cứ ban đầu ("Prima facie") và tồn tại song song với các đạo luật của Quốc hội.

Cách làm thứ hai được áp dụng đối với Bộ pháp điển pháp quy liên bang - "The Code of Federal Regulations" (CFR). Bộ pháp điển này bao gồm tất cả những văn bản quy phạm pháp luật vẫn còn hiệu lực do Chính phủ và các bộ Liên bang ban hành sắp xếp theo chủ đề. Mỗi chủ để lại được chia thành nhiều chương, mục, điều, khoản. Khác với Bộ pháp điển pháp luật liên bang, Bộ pháp điển pháp quy liên bang được Chính phủ Liên bang chính thức thông qua và thừa nhận. Khi được thông qua năm 1939, Bộ pháp điển này đã chính thức bãi bỏ các văn bản quy phạm do Chính phủ và các cơ quan thuộc Chính phủ ban hành trước đó. Do vậy, chỉ có các quy định trong Bộ pháp điển này mới có giá trị pháp lý. Ngày nay, mỗi cơ quan thuộc Chính phủ Liên bang của Hoa Kỳ, khi ban hành văn bản pháp quy theo thẩm quyền, thay vì ra một văn bản đơn lẻ thì các quy định được ban hành như một sự thay đổi trong Bộ pháp điển pháp quy liên bang, có thể theo cách bổ sung hoặc sửa đổi các quy định hiện hành. Việc duy trì cấu trúc cũng như cập nhật, bảo đảm tính chính xác của Bộ pháp điển này được giao cho Cơ quan Công báo liên bang ("Federal Register").

Tuy cách làm khác nhau, song các bộ pháp điển đều có giá trị trong việc đem lại sự thuận tiện đáng kể cho việc tiếp cận pháp luật. Việc sắp xếp, lưu giữ có trật tự các văn bản pháp luật có liên quan đến nhau cũng góp phần bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, vì những mâu thuẫn, chồng chéo hay kẽ hở của pháp luật sẽ dễ dàng được phát hiện và xử lý. Điều quan trọng là công việc này thường được giao cho các nhà chuyên môn thực hiện và như vậy các nhà lập pháp không phải mất quá nhiều công sức cho việc xem xét, thông qua hoặc sửa đổi, bổ sung một cách liên tục các bộ luật lớn - một công việc đòi hỏi quy trình phức tạp và tốn rất nhiều thời gian.

4. Pháp điển hóa ở Canada

Ở Canada (tại tất cả các bang trừ Quebec), về cơ bản việc pháp điển hóa cũng được tiến hành tương tự như ở Hoa Kỳ. Tuy nhiên, người Canada đã không cố gắng xây dựng các bộ pháp điển có quy mô "hoành tráng" như ở Hoa Kỳ, mà chủ yếu thực hiện pháp điển hóa thông qua việc luật hóa các quy định pháp luật về từng nhóm lĩnh vực cụ thể. Vì được tiến hành theo cách như vậy, nên công tác pháp điển hóa ở Canada được giao cho các cơ quan khác nhau, chẳng hạn có cơ quan chuyên trách thực hiện pháp điển hóa về lĩnh vực luật dân sự, hình sự... Ngoài ra, ở Canada có những bộ luật không được hiểu theo nghĩa truyền thống với những "chuẩn mực" như ở Pháp. Bộ luật dân sự và Bộ luật hình sự của Canada là những ví dụ. Thực chất đây là những bộ pháp điển các án lệ có lịch sử hàng trăm năm, liên tục được sửa đổi, bổ sung. Việc pháp điển hóa pháp luật được quy định trong một bộ luật riêng, trong đó xác định một cách chi tiết, cụ thể, tỉ mỉ các thao tác cần thiết của việc pháp điển hóa. Ở Canada, cơ quan chịu trách nhiệm chung về pháp điển hóa là Bộ Tư pháp.

Tại "British Columbia" - một bang của Canada theo truyền thống luật án lệ, pháp điển hóa được thực hiện dưới ba hình thức: Thứ nhất, xây dựng các bộ luật truyền thống. Đây là một hoạt động hoàn toàn mang tính lập pháp: xây dựng bộ luật mới trên cơ sở những văn bản đã tồn tại và có hiệu lực trước đó. Thứ hai, ban hành luật sửa nhiều luật ("omnibus law"); Thứ ba, thực hiện hệ thống hóa. Ở Canada, cứ mười hoặc mười hai năm thì các văn bản đã được ban hành sẽ được rà soát lại một lần để loại bỏ những quy định lỗi thời và sắp xếp những điều khoản còn lại theo một trật tự mới. Hiện nay, đang có ý kiến để xuất thực hiện rà soát hằng năm, với mục tiêu là đưa các nội dung sửa đổi vào các luật chính. Việc rà soát và đưa nội dung sửa đổi vào các luật chính không phải là hoạt động lập pháp. Tuy nhiên, khi công việc hoàn tất, Quốc hội chỉ đóng dấu chấp nhận mà không tranh luận nội dung của bản rà soát đó.

5. Pháp điển hóa ở Singapo

Tại Singapo, việc pháp điển hóa cũng được tiến hành chủ yếu dưới hình thức ban hành một luật sửa nhiều luật. Ở đây, người ta đồng thời đưa các nội dung đã được sửa đổi vào luật cụ thể và ban hành bộ tổng tập luật mới, bao gồm các điều khoản cũ và cả những điều khoản đã được sửa đổi, bổ sung.

LUẬT MINH KHUÊ (Sưu tầm & Biên tập)