1. Trại giáo dưỡng là gì?

Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 sửa đổi năm 2020 ghi nhận đưa vào trường giáo dưỡng là một trong những biện pháp xử lý hành chính đối với những đối tượng theo quy dịnh để nhằm mục đích giúp họ học tập văn hóa, học nghề, lao động, sinh hoạt dưới sự quản lý, giáo dục của nhà trường.

Bản thân từ "giáo dưỡng" cũng cho thấy bản chất của trường đó là vừa giáo dục vừa nuôi dưỡng. Từ đó, có thể hiểu Trường giáo dưỡng (trại giáo dưỡng) được thành lập là nơi tổ chức dạy học văn hóa, học nghề, lao động, sinh hoạt của những người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính.

 

2. Đối tượng nào sẽ bị đưa vào trường giáo dưỡng?

Theo quy định tại Điều 92 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 sửa đổi năm 2020 thì đối tượng bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng đó là:

(i) Người từ đủ 12 tuổi đến dưới 14 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định trong Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi năm 2017 (BLHS năm 2015);

(ii) Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc một tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại BLHS năm 2015 (trừ tội phạm quy định tại khoản 2 Điều 12 BLHS năm 2015);

(iii) Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện hành vi có dấy hiệu của một tội phạm nghiêm trọng do cố ý quy định tại BLHS năm 2015 và trước đó đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã phường, thị trấn;

(iv)  Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi đã 02 lần bị xử phạt vi phạm hành chính và bị lập biên bản vi phạm hành chính tại lần vi phạm thứ ba trong thời hạn 06 tháng về một trong các hành vi gây rối trật tự công cộng (đánh nhau), trộm cắp tài sản, đánh bạc, lừa đảo, đua xe trái phép và trước đó đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.

(v) Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi đã 02 lần bị xử phạt vi phạm hành chính và bị lập biên bản bị phạm hành chính tại lần vi phạm thứ ba trong thời hạn 06 tháng về một trong các hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự của người khác, gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, chiếm giữ trái phép tài sản, hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác, gây rối trật tự công cộng, trộm cắp tài sản, đánh bạc, lừa đảo, đua xe trái phép nhưng không phải là tội phạm và trước đó đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.

Như vậy, có thể thấy, biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng áp dụng đối với người chưa thành niên ở độ tuổi từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Thời hạn áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng là 06 tháng đến 24 tháng.

Bên cạnh đó bạn đọc cần lưu ý, không phải cứ thuộc trường hợp áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng là được áp dụng biện pháp này, theo quy định tại khoản 5 Điều 92 Luật xử lý vi phạm hành chính hiện hành thì các trường hợp sau đây không áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng:

- Người không có năng lực trách nhiệm hành chính (là người thực hiện hành vi vi phạm hành chính trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình);

- Người đang mang thai có chứng nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh từ tuyến huyện trở lên  (tức giấy xác nhận của Trung Tâm y tế huyện, hoặc bệnh viện tỉnh, trung ương)

- Phụ nữ hoặc người duy nhất đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú.

 

3. Con chơi game không học hành bố mẹ có được đưa vào trường giáo dưỡng?

Luật Minh Khuê nhận được nhiều thắc mắc của khách hàng về việc trong gia đình có con học cấp 2, cấp 3 nhưng ham mê chơi game không học hành, tụ tập bạn bè hút thuốc lá hư hỏng không chỉ bảo được và muốn đưa con vào trường giáo dưỡng để dạy dỗ có được không. Nguyên nhân của những thắc mắc này là bởi bạn đọc chưa hiểu đúng quy định pháp luật về điều kiện áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng. Như đã phân tích ở mục 2, biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng là biện pháp xử lý hành chính áp dụng đới với người có hành vi vi phạm pháp luật thuộc một trong 5 trường hợp (i,ii,iii,iv,v) liệt kê ở mục 2 nhằm mục đích giúp đối tượng này học văn hóa, học nghề, lao động, sinh hoạt. Do đó, nếu con chỉ chơi game, hút thuốc mà không thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật được nêu cụ thể thì sẽ không đủ điều kiện áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng.

Cùng với đó, bố mẹ cũng không phải là người có thẩm quyền đưa con vào trường giáo dưỡng, mà việc áp dụng biện pháp này thuộc về Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đối tượng cư trú/ thực hiện hành vi vi phạm pháp luật (đối với đối tượng không có nơi cư trú ổn định) (xăn cứ Điều 99 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012)

Hy vọng với những thông tin trên sẽ giúp bạn đọc hiểu đúng và nắm rõ phần nào kiến thức pháp lý về biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng. Nếu có điều gì trong nội dung chia sẻ mà bạn đọc chưa rõ hoặc có vướng mắc nào khác về xử lý vi phạm hành chính vui lòng liên hệ với chúng tôi qua Hotline 1900.6162 để được tư vấn hỗ trợ bởi đội ngũ luật sư, chuyên viên nhiều kinh nghiệm của Luật Minh Khuê. Rất mong nhận được sự hợp tác!