1. Trò chơi ngắn khởi đầu tiết học trong lớp vui nhộn, thú vị 

Bạn đọc có thể tham khảo một số trò chơi dưới đây:

1. Trò chơi khởi động 3 phút: Chuyền hoa

Chuẩn bị: Một hoa hồng, câu hỏi và phần quà

Luật chơi:

Người quản trò sẽ bắt nhịp một bài hát, cả lớp sẽ cùng hát theo và cùng chuyền bông hoa đi.

Khi bát hát kết thúc, học sinh nào cầm bông hoa trên tay thì sẽ trả lời câu hỏi được giấu trong bông hoa

Nếu trả lời đúng sẽ nhận được quà Nếu trả lời sai sẽ nhường quyền trả lời cho học sinh nào xung phong

Lưu ý: ngoài hoa hồng, chúng ta có thể sử dụng hộp quà và thực hiện tương tự. Khi ấy trò chơi sẽ có tên: "Hộp quà bí mật".

 

2. Trò chơi khởi động 3 phút: Bắn Tên

Chuẩn bị: không cần chuẩn bị gì

Luật chơi: Người quản trò sẽ hô: "Bắn tên, bắn tên" và cả lớp sẽ đáp lại: "tên gì, tên gì"

Sau đó, người quản trò sẽ gọi tên bạn học sinh trong lớp và đặt câu hỏi để bạn đó trả lời

Nếu trả lời đúng thì cả lớp sẽ vỗ tay hoan hô

Lưu ý: Các câu hỏi có thể liên quan đến bài đã học nhằm ôn lại bài cũ cho học sinh.

 

3. Trò chơi khởi động 3 phút: Thò thụt

Chuẩn bị: Không cần chuẩn bị gì cả

Luật chơi rất đơn giản:

Quản trò chỉ cần hô thụt thò và các bạn trong lớp phải làm theo lời nói của người quản trò.

Lúc đầu nên hô chậm để các bạn quen dần, và sau đó tăng tốc độ

Bạn nào làm sai thì sẽ bị phạt.

 

4. Trò chơi khởi động 3 phút: Cây sen

Luật chơi:

  • Khi người quản trò hô "Nụ sen" thì người chơi giơ tay lên và úp hai bàn tay lại với nhau tạo thành nụ sen.
  • Khi người quản trò hô “Hoa sen” thì người chơi xoè hai lòng bàn tay ra tạo dáng cong như bông hoa sen.
  • Khi người quản trò hô “Lá sen” thì người chơi xoè thẳng bàn tay ra tạo thành lá sen.
  • Khi người quản trò hô “Trái sen” thì người nắm bàn tay lại tạo thành trái sen.

Sau khi phổ biến luật chơi thì người quản trò quy định “làm theo lời nói của tôi chứ không làm theo hành động của tôi”

Cuộc chơi diễn ra theo sự dẫn dắt của quản trò nhưng lưu ý trò chơi nhằm tập luyện sự phản xạ của học sinh nên người quản trò cần cho các em chơi làm quen từ dễ đến khó. Mức độ khó thì nên làm hành động ngược lại với lời nói.

Người quản trò cần tinh mắt để bắt những người sai động tác để tạo không khí hấp dẫn cho cuộc chơi.

5. Trò chơi chanh chia, cua cắp

- Cách chơi: Tập họp thành vòng tròn, người chơi xoè lòng bàn tay phải ra, tay trái chụm lại đặt vào giữa lòng bàn tay phải người đứng bên trái mình. Tất cả các người chơi đều thực hiện như vậy. Quản trò hô: chanh! -Tập thể hô: Chua; Quản trò hô : Cua! Cắp… Thì người chơi dùng tay phải đang xoè ra kẹp lại (nắm lại) đồng thời rút tay trái lên. Người nào bị kẹp sẽ không được chơi nữa và để quản trò phạt.

Lưu ý: Người chơi thực hiện theo lời nói của quản trò, nếu như chưa nghe chữ “ Cua” mà người chơi nào rút tay lên hoặc kẹp người khác thì người đó cũng xem như vi phạm luật chơi và bị phạt.

>> Tham khảo: Số tiết học của từng cấp học theo chương trình giáo dục phổ thông mới

 

2. Quy trình lên lớp của Giáo viên tiểu học hiện nay

1. Ổn định tổ chức (1-2 phút) là một bước chuẩn bị tâm thế tập trung để bước vào tiết học. Có nhiều nội dung:

Theo dõi sự chuyên cần. Em nào có mặt, em nào vắng mặt để có hướng giúp đỡ và khích lệ – chỗ ngồi của học sinh đã ổn chưa. Bàn ghế thiếu đủ, có xộc xệch không, để chỉnh đốn kịp thời, nếu tiết trước có dặn dò gì, thì tiết này xem các em đã thực hiện đến đâu – có thông tin gì đặc biệt làm các em xôn xao, giáo viên cần thông báo để các em ổn định tập trung tư tưởng bước vào học.

Bước này được xây dựng thành nếp ngay thời gian đầu. Thời gian sau có thể lướt qua khoảng 1 phút. Lớp trưởng giúp giáo viên ghi sĩ số, vắng mặt, có mặt ở góc bảng trái để giáo viên đỡ mất thời giờ kiểm tra…

2. Bước kiểm tra bài cũ (2-3 phút)

Chỉ có kiểm tra thường xuyên mới thúc đẩy học sinh làm bài, học bài nghiêm túc.

Nội dung kiểm tra:

Xem việc ghi chép làm bài, chuẩn bị bài (văn, toán, sinh vật…) của học sinh – tiết học trước có yêu cầu chuẩn bị, hoặc làm bài để nộp thì nhất thiết phải kiểm tra, đánh giá, khen chê kịp thời – có thể làm kiểm tra miệng hay viết một tiết hay 15 phút; nội dung cả bài hay một phần trọng tâm nào đó.

Tùy theo chủ đích và yêu cầu của giáo viên mà chọn nội dung và dành thời gian thích hợp. Quan tâm kiểm tra các em học yếu và thiếu chăm chỉ để có hướng giúp đỡ cụ thể.

3. Bước giảng bài mới (35-40 phút) – bước trọng tâm

Để giới thiệu bài mới, giáo viên có nhiều cách gây sự hứng thú, tập trung nghe giảng. Không nhất thiết bài nào cũng làm. Song sự dẫn dắt hấp dẫn của giáo viên sẽ giúp các em tập trung tốt hơn và chỉ cần ngắn gọn.

Giáo viên chuẩn bị kỹ để xác định phần nào là trọng tâm, là khó hiểu, khó nhớ để giảng giải kỹ càng; phần nào dễ, hướng dẫn các em tự học, không nhất thiết phần nào cũng giảng giải như nhau.

Vì thiếu chuẩn bị kỹ nội dung lẫn phương pháp nên giáo viên không chủ động, dễ “cháy giáo án”. Cuối cùng, không đọng lại bao nhiêu kiến thức cho học sinh.

4. Bước củng cố (2-3 phút)

Vừa giảng xong, kiến thức còn “nóng hổi”, kiểm tra lại bài giảng ta sẽ thấy rõ kết quả cả thầy lẫn trò; từ đó giáo viên sẽ kịp thời bổ sung và củng cố thêm. Chỉ cần một câu hỏi về nội dung trọng tâm hoặc để cho học sinh nêu những điểm nào còn lơ mơ, chưa hiểu…

5. Bước dặn dò (2-3 phút)

Đây là bước tiếp tục củng cố bài mới chuẩn bị cho bài sau. Không nên làm lấy lệ cho có mà phải có yêu cầu, nội dung cụ thể rõ ràng. Cần thiết phải hướng dẫn tỉ mỉ để các em thực hiện được.

Dặn dò phải ghi vào giáo án để lần dạy sau giáo viên kiểm tra. Tránh tình trạng “đánh trống bỏ dùi” như một số giáo viên đã làm. Dặn các em làm một bài, sưu tầm tranh ảnh, mà giáo viên không thu, không kiểm tra đánh giá thì coi như việc làm “công cốc dã tràng”.

 

3. Một số hình thức tổ chức hoạt động khởi động tạo hứng thú cho giờ học môn Ngữ Văn

1. Tổ chức khởi động tiết học dưới dạng trò chơi

Hiện nay hầu hết các tiết học, giáo viên thường chọn cho mình hình thức khởi động bằng cách tổ chức các trò chơi nhanh như Đuổi hình bắt chữ, Giải ô chữ, Ngôi sao may mắn, Vòng quay kì diệu… Trò chơi giúp cho hoạt động dạy học trở nên sôi nổi, cuốn hút, giúp học sinh rèn luyện sự mạnh dạn, tự tin, khả năng phản xạ nhanh, sự sáng tạo, nâng cao tinh thần đoàn kết và sự tương tác giữa học sinh với học sinh, học sinh với giáo viên... Trong tiết học Ngữ văn các trò chơi thường được giáo viên tổ chức liên quan đến kiến thức của các tiết học trước như học sinh sẽ được tái hiện kiến thức về tác giả, tác phẩm hay kiểm tra nhận thức của học sinh về những vấn đề liên quan đến bài học mới, làm tiền đề để giáo viên dẫn vào bài một cách hấp dẫn.

2. Sử dụng tranh ảnh, video có liên quan đến bài học

Để tiết học Ngữ văn thêm hứng thú, giáo viên cũng có thể sử dụng những tranh ảnh, video liên quan đến nội dung bài học để học sinh được trải nghiệm, được phát huy những tri thức vốn có của mình về vấn đề của tiết học. Ví dụ dạy học bài “Tam đại con gà” của chương trình Ngữ văn lớp 10, giáo viên có thể trình chiếu một đoạn phim về truyện cười “Lợn cưới áo mới” để học sinh phát hiện đây là truyện đã được học trong chương trình Ngữ văn THCS và thuộc thể loại truyện cười. Từ đó giáo viên làm cơ sở dẫn vào thể loại và bài học một cách tự nhiên nhất.

3. Khởi động bằng các bài tập hay câu hỏi tình huống

Các câu hỏi trong phần khởi động có thể chỉ là một tình huống để cho học sinh phát hiện hay huy động vốn hiểu biết của mình để giải quyết tình huống ấy. Các vấn đề hay câu hỏi được đưa ra sẽ giúp học sinh phát triển tư duy, xâu chuỗi vấn đề một cách mạch lạc đồng thời tạo hứng thú cho học sinh vào tiết học mới để khám phá vấn đề còn đang bỏ ngỏ.

Ví dụ khi dạy tác phẩm “Chí Phèo” của Nam Cao, GV sẽ cho câu hỏi “Nỗi khổ của Chị Dậu và Lão Hạc là gì?”. Đây là câu hỏi học sinh sẽ vận dụng kiến thức trong chương trình Ngữ văn lớp 8 để trả lời, giáo viên sẽ lấy đó làm tiền đề để dẫn đến một nỗi khổ nữa của người nông dân trong giai đoạn 1930 – 1945 đó là bi kịch bị tha hóa và bi kịch bị từ chối quyền làm người. Những bi kịch này được Nam Cao tái hiện chân thực trong tác phẩm “Chí Phèo”.

Khi dạy học tiết 2 của “Hồn Trương Ba, da hàng thịt”, giáo viên có thể đưa ra tình huống cho học sinh thảo luận “Hãy tưởng tượng mình là Trương Ba, phải sống trong thân xác hàng thịt, hồn Trương Ba có suy nghĩ gì? Từ đó học sinh nêu những ý tưởng và suy nghĩ của bản thân, giáo viên sẽ dựa vào đó dẫn dắt vào nội dung bài học.

 

4. Những yếu tố cần xác định trước khi lập kế hoạch giảng dạy

Muốn lập kế hoạch giảng dạy tốt, bài bản, đầu tiên, cần xác định các yếu tố quan trọng sau:

  • Mục tiêu học tập của học sinh, sinh viên.
  • Hoạt động dạy và học của hai bên thầy-trò được tiến hành ra sao?
  • Phương pháp kiểm tra, đánh giá học sinh, sinh viên sau khi học.

Thực hiện tuần tự 3 yếu tố để định hướng việc học ngay từ ban đầu. Khi chỉ định được các mục tiêu cụ thể cho việc học. Giáo viên cũng sẽ xác định được bản thân phải dạy những gì, hoạt động nào sẽ được thực hiện trên lớp. Và cuối cùng là đánh giá lại mức độ tiếp thu kiến thức của học sinh, sinh viên sau khi học xong. Bất kỳ kế hoạch dạy học nào cũng cần phải được biên soạn dựa trên 3 yếu tố quan trọng này.

Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vướng mắc chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại, gọi ngay tới số: 1900.6162 để được giải pháp