1. Tư vấn khởi kiện công ty xuất khẩu lao động ?

Thưa luật sư! Tôi có vấn đề này muốn hỏi: tôi làm hồ sơ xin đi lao động ở Nhật bản cho một công ty ở Hà Nội từ tháng 9/2015. Công ty này đã tổ chức một buổi thi đơn hàng để tuyển chọn lao động sang Nhật và thông báo đỗ đơn hàng là 38 người trong đó có tôi. Và khi báo đỗ mỗi người đóng vào công ty số tiền là 6000USD va nói là ngày 25/2/2016 sẽ xuất cảnh.
Trong quá trình học mình mới biết thực ra công ty chưa có giấy phép đưa người đi lao động đi nước ngoài và đơn hàng thi hôm 22/9/2015 là không thật. Mục đích là gom tiền để duy trì công ty. Đến ngày 25/2/2016 bọn tôi không bay được mới hỏi công ty và công ty nói rằng do đơn hàng bị huỷ và công ty chuyển bọn tôi sang đi theo chương trình kỹ sư vì công ty nói đi theo kỹ sư không cần giấy phép vẫn đưa người đi sang Nhật được. Và phí theo đơn hàng kỹ sư là 4500USD và công ty đã trả lại mình 1500USD. Bọn tôi có làm một bản cam kết với công ty ngày 22/2/2016 là: " từ 1/3 đến 1/7/2016 mà không cho bọn tôi xuất cảnh được sẽ hoàn trả lại toàn bộ số tiền là 4500USD và tiền lãi của số tiền này, từ 1/3 đến 1/7/2016( tính ra là 4 tháng) mà không trừ bất cứ khoản tiền nào cả và giải quyết đơn rút không quá 10 ngày kể từ ngày làm đơn. Đến ngày hẹn mà công ty chưa cho mình xuất cảnh được và mình hỏi công ty, công ty đã trừ mình tiền lưu trú mỗi tháng 850k/tháng và có quay hẹn ngày trả tiền.
Cho mình hỏi như vậy công ty này có vi phạm pháp luật chiếm dụng tài sản không và nếu kiện công ty có được không ?
Tôi xin chân thành cảm ơn!

>> Luật sư tư vấn pháp luật dân sự trực tuyến, gọi:  1900.6162

 

Trả lời:

Theo thông tin bạn cung cấp thì công ty kia giữ của bạn 4500USD là số tiền nộp phí theo đơn hàng xuất khẩu lao động. Bạn và những người khác có làm một bản cam kết với công ty. Bản cam kết có quy định từ ngày 1/3 đến 1/7/2016 mà không xuất cảnh được sẽ hoàn trả lại toàn bộ số tiền là 4500USD cho bạn và tiền lãi của số tiền này. Tuy nhiên đến quá ngày hẹn mà bạn không xuất cảnh được và công ty đó cũng không trả lại tiền cả gốc lẫn lãi cho bạn, công ty cũng trừ số tiền đó vào tiền lưu trú. Như vậy là đã vi phạm cam kết.

Trường hợp này thì bạn có thể làm đơn lên cơ quan có thẩm quyền để cơ quan tiến hành điều tra, xác minh hành vi này. Và có thể công ty này sẽ bị truy cứu về tội lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 140 Bộ Luật Hình sự 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009, nếu có đủ căn cứ cho rằng công ty này nhận tiền của người lao động bằng hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt số tiền đó hoặc sử dụng số tiền đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả nợ.

"Điều 140. Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản

1. Người nào có một trong những hành vi sau đây  chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ một triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới một triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm:

  a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian  dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó;

  b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó  vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:

a) Có tổ chức;

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

c) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

d) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ trên năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;

đ) Tái phạm nguy hiểm;

e) Gây hậu quả nghiêm trọng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:

a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;

b)  Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân:

a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;

b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm và bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản hoặc một trong hai hình phạt này."

Trường hợp khi cơ quan điều tra xác minh không đủ căn cứ để khởi tố công ty này về tội lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Thì trường hợp này để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, bạn có thể khởi kiện dân sự để đòi lại tiền. Tòa án sẽ xem xét và yêu cầu công ty kia trả lại số tiền cho bạn theo cam kết.

Căn cứ vào quy đinh của Bộ luật tố tụng dân sự 2015, bạn cần chuẩn bị bộ hồ sơ gồm:

- Đơn khởi kiện ( theo mẫu).

- Các giấy tờ liên quan đến vụ kiện( giấy giao nhận tiền, bản cam kết...).

- Bản sao có công chứng chứng thực CMND hoặc sổ hộ khẩu.

- Bản kê các giấy tờ nộp kèm theo đơn kiện (ghi rõ số bản chính, bản sao).

Theo Điều 35 Bộ luật tố tụng dân sự 2015, bạn nộp hồ sơ tại Tòa án nhân dân cấp huyện nơi đặt trụ sở chính của công ty.

Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số: 1900.6162 hoặc gửi qua email: Tư vấn pháp luật dân sự miễn phí qua Emailđể nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật Minh Khuê.

 

2. Có ảnh hưởng gì đến việc xuất khẩu lao động hay không ?

Kính chào Luật Minh Khuê. Tôi có câu hỏi mong được giải đáp như sau: Năm nay em 28 tuổi.em đã có vợ và con trai.cách đây gần 2 tháng 2 mẹ con nhà hàng xóm có đào 1 ống thoát nước trước cửa nhà em.
Nhà người đó thì ko đào mà lại đào sang nhà người khác.em biết là đường của công.không phải là của nhà em nhưng nhìn 2 mẹ con nhà họ đào trước cửa nhà,em không chịu được.em ra nói chuyện rất đàng hoàng nhưng thằng con trai nhà kia không nghe.Thách thức em là tao đào đâu kệ tao.Thằng đó năm nay chưa đủ 18 tuổi . Bực mình em mới đẩy nó ra không cho đào nữa. Nó liền dùng quốc bổ em.em tránh được và đuổi nó.Lúc đó mẹ nó trong nhà chạy ra kêu là em đánh con trai nó.mẹ nó còn khuyến khích con trai là đánh chết em đi vì mày còn nhỏ không phải đi tù đâu mà sợ.Nó nghe lời liền dùng gạch 2 viên gạch ném em.Được mọi người can ngăn nên sự việc chỉ xảy ra đến đây là thôi.vậy mà mẹ con nó viết đơn kiện là em đánh con trai nó.Xuống xã bác trưởng công an xã đã nói là sự việc không nghiêm trọng,không ai thấy em đánh người,không thấy vết tích trên cơ thể thằng kia.Bảo em xin lỗi 2 mẹ con nhà kia. Lúc đầu nó bảo chỉ cần xin lỗi là xong.vậy mà sau khi em xin lỗi nó lại nói là không chấp nhận lời xin lỗi,bảo là yêu cầu xử đúng người đúng tội trước pháp luật.Bác trưởng công an xã em nói là vượt quá quyền hạn nên không giải quyết được,gửi hồ sơ lên huyện.Em thì đang chuẩn bị làm thủ tục xuất khẩu lao động,không biết có ảnh hưởng gi không ?
Em mong các anh các chị tư vấn giúp em ạ!Tôi xin chân thành cảm ơn!
Người gửi: T.A

>> Luật sư tư vấn pháp luật dân sự : 1900.6162.

 

Trả lời:

Điều 42 Luật người Việt nam đi làm việc ở nước  ngoài theo hợp đồng năm 2006 quy định về điều kiện người đi xuất khẩu lao động như sau :

"Điều 42. Điều kiện để người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng với doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư ra nước ngoài

Người lao động được đi làm việc ở nước ngoài khi có đủ các điều kiện sau đây:

1. Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;

2. Tự nguyện đi làm việc ở nước ngoài;

3. Có ý thức chấp hành pháp luật, tư cách đạo đức tốt;

4. Đủ sức khoẻ theo quy định của pháp luật Việt Nam và yêu cầu của nước tiếp nhận người lao động;

5. Đáp ứng yêu cầu về trình độ ngoại ngữ, chuyên môn, kỹ thuật, tay nghề và các điều kiện khác theo yêu cầu của nước tiếp nhận người lao động;

6. Được cấp chứng chỉ về bồi dưỡng kiến thức cần thiết;

7. Không thuộc trường hợp cấm xuất cảnh theo quy định của pháp luật Việt Nam."

Điều 21 Nghị định 136/2007/NĐ-CP về xuất nhập cảnh của công dân Việt nam quy định về các trường hợp cấm nhập cảnh :

"Điều 21. Công dân Việt Nam ở trong nước chưa được xuất cảnh nếu thuộc một trong những trường hợp sau đây:

1. Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc có liên quan đến công tác điều tra tội phạm.
2. Đang có nghĩa vụ chấp hành bản án hình sự.
3. Đang có nghĩa vụ chấp hành bản án dân sự, kinh tế; đang chờ để giải quyết tranh chấp về dân sự, kinh tế.
4. Đang có nghĩa vụ chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nghĩa vụ nộp thuế và những nghĩa vụ khác về tài chính trừ trường hợp có đặt tiền, đặt tài sản hoặc có biện pháp bảo đảm khác để thực hiện nghĩa vụ đó.
5. Vì lý do ngăn chặn dịch bệnh nguy hiểm lây lan.
6. Vì lý do bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội.

7. Có hành vi vi phạm hành chính về xuất nhập cảnh theo quy định của Chính phủ."

Như vậy, đối với trường hợ của bạn, nếu mẹ con nhà hàng xóm vẫn tiếp tục gửi đơn tố cáo thì bạn không đủ điều kiện để xuất khẩu lao động, Tuy nhiên trường hợp của bạn, chúng tôi nhân thấy không có dấu hiệu tội phạm, cũng như những vi phạm khác mà có thể bị xử lý. Nên bạn có thể yên tâm chờ giải quyết của cơ quan có thẩm quyền.  Xem thêm: Tư vấn pháp luật dân sự miễn phí qua Email

 

3. Cách đòi lại tiền khi nhờ làm thủ tục xuất khẩu lao động ?

Kính gửi công ty Luật Minh Khuê, Lời đầu tiên xin gởi lời chúc lớn mạnh đến Quý Công ty. Tôi có vấn đề này xin được tư vấn của Quý Công ty Anh tôi tên Trần Văn A, là trưởng văn phòng đại diện của 1 công ty tư vấn du học và xuất khẩu lao động, trụ sở tại Hà Nội do ông Nguyễn Văn B làm giám đốc. Anh Phạm Văn C có nhu cầu đi xuất khẩu lao động, đến hợp đồng với anh A để anh A lo các thủ tục xuất khẩu lao động. Anh C chuyển cho anh A số tiền là 130 triệu đồng, Anh A viết giấy mượn tiền của anh C vào tháng 5/2014, cam kết không lo được thủ tục sẽ chuyển lại toàn bộ số tiền trên cho anh C. Sau khi nhận được số tiền trên, anh A chuyển toàn bộ số tiền trên vào tài khoản cá nhân của anh B, giữa anh A và công ty anh B ký 1 hợp đồng về việc bên công ty anh B sẽ lo mọi thủ tục xuất khẩu lao động cho anh C, nếu không sẽ hoàn trả toàn bộ số tiền trên.
Sau khi nhận được số tiền trên, anh A chuyển toàn bộ số tiền trên vào tài khoản cá nhân của anh B, giữa anh A và công ty anh B ký 1 hợp đồng về việc bên công ty anh B sẽ lo mọi thủ tục xuất khẩu lao động cho anh C, nếu không sẽ hoàn trả toàn bộ số tiền trên. Qua 2 năm, bên anh B lo không được thủ tục trên, anh A khởi kiện anh B ra tòa nhằm đòi lại số tiền trên để trả cho anh C, tuy nhiên vụ kiện này chưa được xử lý. Trong khi đó, anh C kiện anh A ra tòa, yêu cầu anh A trả lại số tiền trên cho anh C. Bây giờ anh A phải xử lý như thế nào để đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ của anh A.
Tôi xin chân thành cảm ơn. 

>> Luật sư tư vấn pháp luật miễn phí qua tổng đài1900.6162

 

Trả lời:

Trong trường hợp này bạn hỏi thì có hai hợp đồng dân sự:

thứ nhất là hợp đồng giữa anh A và anh C về việc anh A  sẽ lo toàn bộ mọi thủ tục để cho anh C đi xuất khẩu lao động, đồng thời nếu anh A không lo được cho anh C thì anh A phải hoàn trả số tiền là 130 triệu cho anh C

Thứ hai là hợp đồng dân sự giữa anh A và công ty anh B về việc công ty anh B sẽ lo mọi thủ tục xuất khẩu lao động cho anh C, nếu không sẽ hoàn trả toàn bộ số tiền trên.

Trường hợp này cả anh A và công ty anh B đều phải có nghĩa vụ thực hiện một công việc : Theo Điều 291 và Điều 304 Bộ Luật dân sự năm 2005

Điều 291. Nghĩa vụ phải thực hiện hoặc không được thực hiện một công việc

1. Nghĩa vụ phải thực hiện một công việc là nghĩa vụ mà theo đó bên có nghĩa vụ phải thực hiện đúng công việc đó.

Và khi bên có nghĩa vụ không thực hiện một công việc thì bên có nghĩa vụ phải có trách nhiệm

Điều 304. Trách nhiệm dân sự do không thực hiện nghĩa vụ phải thực hiện hoặc không được thực hiện một công việc

1. Trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện một công việc mà mình phải thực hiện thì bên có quyền có thể yêu cầu bên có nghĩa vụ tiếp tục thực hiện hoặc tự mình thực hiện hoặc giao cho người khác thực hiện công việc đó và yêu cầu bên có nghĩa vụ thanh toán chi phí hợp lý và bồi thường thiệt hại. 

Vì anh A ký hai hợp đồng độc lập với anh C và công ty anh B nên trong trường hợp này. Nếu như anh C khởi kiện anh A  ra tòa thì anh A phải có nghĩa vụ hoàn trả lại số tiền là 130 triệu đồng cho anh C. Đồng thời để bảo vệ quyền lợi của mình anh A nên khởi kiện anh B ra tòa để đòi lại số tiền của mình.

Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số: 1900.6162 hoặc gửi qua email: Tư vấn pháp luật dân sự miễn phí qua Email để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật Minh Khuê.

 

4. Đi xuất khẩu lao động về nước trước thời hạn ghi trong hợp đồng có được nhận lại tiền cọc không ?

Thưa luật sư, Tôi đi xuất khẩu lao động từ 6/1/2015. Đến ngày 12/2/2015 tôi bị cho thôi việc và bị đuổi về nước vì tôi bị cụt 2 đốt ngón út tay trái và ngón cái chân trái. Trong hồ sơ của tôi lại không được ghi đầy đủ. Khi công ty bên Nhật kiểm tra thì hồ sơ bị gạch xóa sửa chữa. Khi bắt tôi ký vào giấy xin thôi việc , họ thông báo 6h sáng ngày 13/2/2015 phải về nước. Hoang mang sợ hãi vì khoản nợ trước khi bay tôi trốn ra ngoài. Sau thời gian lang thang không tìm được việc, ngày 22/12/2015 tôi về nước trước hạn hợp đồng.
Vậy cho tôi hỏi tôi có được nhận lại tiền cọc không ?

>> Luật sư tư vấn luật dân sự gọi: 1900.6162

 

Trả lời:

Căn cứ quy định Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng số 72/2006/QH11 của Quốc hội quy định:

"Điều 23. Tiền ký quỹ của người lao động

1. Người lao động thỏa thuận với doanh nghiệp dịch vụ về việc ký quỹ theo quy định tại khoản 2 và khoản 4 Điều này để bảo đảm việc thực hiện Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

2. Người lao động trực tiếp hoặc thông qua doanh nghiệp dịch vụ nộp tiền ký quỹ vào tài khoản riêng được doanh nghiệp mở tại ngân hàng thương mại để giữ tiền ký quỹ của người lao động.

3. Tiền ký quỹ của người lao động được hoàn trả cả gốc và lãi cho người lao động khi thanh lý Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Trường hợp người lao động vi phạm Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, tiền ký quỹ của người lao động được doanh nghiệp dịch vụ sử dụng để bù đắp thiệt hại phát sinh do lỗi của người lao động gây ra cho doanh nghiệp; khi sử dụng tiền ký quỹ để bù đắp thiệt hại, nếu tiền ký quỹ không đủ thì người lao động phải nộp bổ sung, nếu còn thừa thì phải trả lại cho người lao động.

4. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định cụ thể thị trường lao động mà doanh nghiệp dịch vụ được thoả thuận với người lao động về việc nộp tiền ký quỹ; quy định thống nhất trong phạm vi cả nước mức trần tiền ký quỹ của người lao động phù hợp với từng thị trường lao động mà doanh nghiệp dịch vụ được thoả thuận với người lao động về việc nộp tiền ký quỹ; chủ trì phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định cụ thể việc quản lý và sử dụng tiền ký quỹ của người lao động.

>> Như vậy, trường hợp của bạn thì sẽ được trả tiền theo quy định của pháp luật khi thanh lý hợp đồng lao động do Trong hồ sơ của bạn không được ghi đầy đủ. Khi công ty bên Nhật kiểm tra thì hồ sơ bị gạch xóa sửa chữa. Khi bắt bạn ký vào giấy xin thôi việc khi về được bạn sẽ được trả lại tiền ký quỹ theo quy định của pháp luật.

Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số: 1900.6162 hoặc gửi qua email: Tư vấn pháp luật dân sự miễn phí qua Email để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật Minh Khuê.

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.

Bộ phận tư vấn pháp luật dân sự - Công ty luật Minh Khuê