Mục lục bài viết
1. Công ty cổ phần là gì?
Theo quy định tại Điều 111 Luật Doanh nghiệp 2020, Công ty cổ phần (Công ty CP) là doanh nghiệp, trong đó:
– Vốn điều lệ được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần;
– Cổ đông có thể là tổ chức, cá nhân; số lượng cổ đông tối thiểu là 03 và không hạn chế số lượng tối đa;
– Cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp;
– Cổ đông có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 120 và khoản 1 Điều 127 của Luật này.
– Công ty cp có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
– Công ty cổ phần có quyền phát hành cổ phần các loại để huy động vốn.
2. Cơ cấu tổ chức của công ty cổ phần
Đại hội đồng cổ đông:
Đại hội đồng cổ đông gồm tất cả cổ đông có quyền biểu quyết (bao gồm cổ đông phổ thông và cổ đông ưu đãi biểu quyết), là cơ quan quyết định cao nhất của công ty cổ phần. Cổ đông là tổ chức có quyền cử một hoặc một số người đại diện theo uỷ quyền thực hiện các quyền cổ đông của mình theo quy định của pháp luật; trường hợp có nhiều hơn một người đại diện theo uỷ quyền được cử thì phải xác định cụ thể số cổ phần và số phiếu bầu của mỗi người đại diện.
Hội đồng quản trị:
Hội đồng quản trị là cơ quan quản lý công ty cổ phần, có toàn quyền nhân danh công ty quyết định mọi vấn đề liên quan đến mục đích, quyền lợi của công ty, trừ những vấn đề thuộc thẩm quyền của Đại hội đồng cổ đông.
Hội đồng quản trị có không ít hơn ba thành viên, không quá mười một thành viên, nếu Điều lệ công ty không có quy định khác. Thành viên Hội đồng quản trị không nhất thiết phải là cổ đông của công ty.
Giám đốc hoặc Tổng giám đốc công ty:
Giám đốc hoặc Tổng giám đốc là người điều hành công việc kinh doanh hằng ngày của công ty. Giám đốc hoặc Tổng giám đốc công ty do Hội đồng quản trị bổ nhiệm một người trong số họ hoặc thuê người khác, chịu sự giám sát của Hội đồng quản trị và chịu trách nhiệm trước Hội đồng quản trị và trước pháp luật về việc thực hiện các quyền và nhiệm vụ được giao. Trường hợp Điều lệ công ty không quy định Chủ tịch Hội đồng quản trị là người đại diện theo pháp luật thì Giám đốc hoặc Tổng giám đốc là người đại diện theo pháp luật của công ty.
Nhiệm kỳ của Giám đốc hoặc Tổng giám đốc không quá năm năm; có thể được bổ nhiệm lại với số nhiệm kỳ không hạn chế.
Ban kiểm soát:
Đối với công ty cổ phần có trên 11 cổ đông là cá nhân hoặc có cổ đông là tổ chức sở hữu trên 50% tổng số cổ phần của công ty phải có Ban kiểm soát.
Ban kiểm soát có từ 03 đến 05 thành viên nếu Điều lệ công ty không có quy định khác; nhiệm kỳ của Ban kiểm soát không quá năm năm; thành viên Ban kiểm soát có thể được bầu lại với số nhiệm kỳ không hạn chế. Ban kiểm soát phải có hơn một nửa số thành viên thường trú ở Việt Nam. Trưởng Ban kiểm soát phải là kế toán viên hoặc kiểm toán viên chuyên nghiệp và phải làm việc chuyên trách tại công ty, trừ trường hợp Điều lệ công ty quy định tiêu chuẩn khác cao hơn.
3. Quy định bổ nhiệm Giám đốc, Tổng giám đốc công ty cổ phần
– Giám đốc hoặc Tổng giám đốc công ty cổ phần là người điều hành các công việc kinh doanh của công ty; Giám đốc và Tổng giám đốc chịu sự giám sát của Hội đồng quản trị công ty; đồng thời chịu trách nhiệm trước Hội đồng quản trị và trước pháp luật về việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ được giao.
– Giám đốc hoặc Tổng giám đốc có thể là thành viên của Hội đồng quản trị (là người được Hội đồng quản trị công ty bổ nhiệm từ thành viên trong hội đồng) hoặc cũng có thể là người được thuê theo hợp đồng lao động.
Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty cũng có thể là người kiêm nhiệm Giám đốc hoặc Tổng giám đốc công ty cổ phần, trừ trường hợp công ty cổ phần do nhà nước nắm giữ trên 50% tổng số phiếu biểu quyết và trong quy định của Điều lệ công ty hay quy định của pháp luật về chứng khoán không có quy định khác.
Ngoài ra, Hội đồng quản trị có có quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm hoặc ký hợp đồng với Giám đốc, Tổng giám đốc công ty cổ phần; đồng thời quyết định của Hội đồng quản trị công ty được thông qua bằng biểu quyết tại cuộc họp cổ đông, lấy ý kiến bằng văn bản hoặc hình thức khác do Điều lệ công ty quy định. Do đó, cần phải thực hiện biểu quyết tại cuộc họp Hội đồng quản trị công ty và lấy ý kiến bằng hình thức văn bản hoặc hình thức khác do Điều lệ công ty quy định để thông qua quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm hay ký hợp đồng với Giám đốc hoặc Tổng giám đốc công ty cổ phần.
Trường hợp công ty cổ phần chỉ có một người đại diện theo pháp luật thì Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty hoặc Giám đốc hoặc Tổng giám đốc công ty cổ phần là người đại diện hợp pháp của công ty;
Trường hợp công ty cổ phần có hơn một người đại diện theo pháp luật thì Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc công ty cổ phần đương nhiên là người đại diện theo pháp luật của công ty.
Do đó, cần phải thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp hoặc thủ tục đăng ký thay đổi người đại diện theo pháp luật của công ty cổ phần với cơ quan đăng ký kinh doanh trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày có thay đổi sau khi thực hiện bổ nhiệm hoặc ký hợp đồng với Giám đốc hay Tổng giám đốc công ty.
4. Điều kiện trở thành Giám đốc, Tổng giám đốc công ty cổ phần
Muốn trở thành Giám đốc hoặc Tổng giám đốc công ty cổ phần thì cá nhân phải đáp ứng được các điều kiện sau theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020:
“- Có đủ năng lực hành vi dân sự và không thuộc đối tượng pháp luật cấm quản lý doanh nghiệp.
– Có kinh nghiệm, trình độ chuyên môn trong quản trị kinh doanh của công ty hoặc trình độ do Điều lệ công ty quy định cụ thể.
– Đặc biệt đối với công ty con của công ty có cổ phần do Nhà nước nắm giữ trên 50% thì cá nhân ứng cử vị trí Giám đốc, Tổng giám đốc không được là người thân như vợ hoặc chồng, cha đẻ, cha nuôi, mẹ đẻ, mẹ nuôi, con nuôi, con đẻ, anh ruột, chị ruột, em ruột, em rể, anh rể, chị dâu, em dâu của người quản lý công ty mẹ và người đại diện phần vốn nhà nước ở công ty đó.”
Như vậy, có thể thấy Giám đốc hoặc Tổng giám đốc của công ty cổ phần trước tiên phải là người có đủ năng lực hành vi dân sự và không thuộc các đối tượng quy định theo Luật doanh nghiệp, ví dụ như : người chưa thành niên hay bị truy tố hình sự, đang chấp hành án; cán bộ, công chức, viên chức hay sĩ quan, hạ sĩ quan trong đơn vị, cơ quan quân đội nhân dân, công an nhân dân,… Bên cạnh đó, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc của công ty cổ phần phải là người có trình độ chuyên môn và có kinh nghiệm trong quản trị kinh doanh. Nếu trong trường hợp công ty cổ phần cần Giám đốc hoặc Tổng giám đốc công ty mà không theo tiêu chuẩn được quy định trong Luật doanh nghiệp hoặc không theo tiêu chuẩn khác theo yêu cầu hay tình hình riêng của công ty cổ phần thì phải được quy định trong Điều lệ công ty.
Đối với trường hợp một công ty có phần vốn góp hoặc cổ phần do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ của công ty. Thì khi thành lập công ty con bên cạnh các tiêu chuẩn và điều kiện được quy định trong luật doanh nghiệp thì Giám đốc, Tồng giám đốc công ty con không được có mối quan hệ thân cận với quản lý của công ty mẹ, hoặc có mối quan hệ thân cận với người đại diện phần vốn nhà nước trong công ty mẹ. Mối quan hệ thân cận cụ thể có thể hiểu là các quan hệ như sau: là quan hệ vợ hoặc chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, hoặc là quan hệ con đẻ, con nuôi, anh ruột, chị ruột, em ruột hoặc anh rể, em rể, chị dâu, em dâu.
5. Quyền và nghĩa vụ của Giám đốc hoặc Tổng giám đốc công ty
Hội đồng quản trị bổ nhiệm một người trong số họ hoặc thuê người khác làm Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Trường hợp Điều lệ công ty không quy định Chủ tịch Hội đồng quản trị là người đại diện theo pháp luật thì Giám đốc hoặc Tổng giám đốc là người đại diện theo pháp luật của công ty.
Giám đốc hoặc Tổng giám đốc là người điều hành công việc kinh doanh hằng ngày của công ty; chịu sự giám sát của Hội đồng quản trị và chịu trách nhiệm trước Hội đồng quản trị và trước pháp luật về việc thực hiện các quyền và nhiệm vụ được giao.
Giám đốc hoặc Tổng giám đốc công ty cổ phần có các quyền và nghĩa vụ cụ thể như sau:
– Quyền quyết định các vấn đề liên quan đến công việc kinh doanh hay hoạt động sản xuất hàng ngày của công ty cổ phần mà không cần phải có quyết định của Hội đồng quản trị công ty;
– Tổ chức thực hiện các nghị quyết, quyết định của Hội đồng quản trị công ty;
– Tổ chức thực hiện kế hoạch sản xuất, kinh doanh và phương án đầu tư phát triển của công ty;
– Kiến nghị về phương án cơ cấu tổ chức hoạt động của công ty, kiến nghị về quy chế quản lý nội bộ của công ty;
– Có quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm hoặc bãi nhiệm các chức danh quản lý trong công ty, trừ các chức danh thuộc thẩm quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm của Hội đồng quản trị công ty;
– Quyết định tiền lương và quyền lợi khác đối với người lao động trong công ty , bao gồm cả người quản lý thuộc thẩm quyền bổ nhiệm của Giám đốc hoặc Tổng giám đốc công ty;
– Có quyền tuyển dụng lao động cho công ty;
– Kiến nghị các phương án trả cổ tức và các phương án xử lý thiệt hại trong kinh doanh của công ty;
– Các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật doanh nghiệp hoặc Điều lệ công ty cổ phần và nghị quyết của Hội đồng quản trị công ty.
Giám đốc hoặc Tổng giám đốc của công ty cổ phần phải điều hành công việc kinh doanh, hoạt động sản xuất hàng ngày của công ty theo đúng quy định của pháp luật doanh nghiệp, theo quy định của Điều lệ công ty hoặc hợp đồng lao động đã ký kết với công ty cổ phần và nghị quyết của Hội đồng quản trị công ty.
Trường hợp Giám đốc hoặc Tổng giám đốc điều hành trái với quy định của pháp luật, trái với quy định của Điều lệ công ty hoặc hợp đồng lao động đã ký kết với công ty cổ phần và nghị quyết của Hội đồng quản trị công ty mà gây ra thiệt hại cho công ty thì Giám đốc hoặc Tổng giám đốc phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước Hội đồng quản trị đồng thời phải bồi thường thiệt hại cho công ty.
Nhiệm kỳ của Giám đốc hoặc Tổng giám đốc không quá năm năm; có thể được bổ nhiệm lại với số nhiệm kỳ không hạn chế.
CÔNG TY LUẬT MINH KHUÊ (Biên tập)
THAM KHẢO VÀ DỊCH VỤ TƯ VẤN LIÊN QUAN: