Mục lục bài viết
Kính chào công ty Luật Minh Khuê. Tôi có một vấn đề pháp lý cần sự hỗ trợ của luật sư. Xin luật sư cho biết pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam quy định như thế nào về hình thức của hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế? Rất mong nhận được sự giải đáp từ luật sư. Tôi xin chân thành cảm ơn!
Người gửi: Hoàng Long - Quảng Ninh
Câu hỏi được biên tập từ chuyên mục tư vấn luật Dân sự của Công ty luật Minh Khuê
>> Luật sư tư vấn pháp luật Dân sự, gọi: 1900 6162
Trả lời:
Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận luật sư tư vấn pháp luật của Công ty Luật Minh Khuê. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ luật sư của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:
1. Cơ sở pháp lý:
- Công ước Viên năm 1980;
2. Hợp đồng mua bán quốc tế là gì? Hình thức hợp đồng là gì?
Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế là hợp đồng được ký kết giữa các thương nhân có trụ sở thương mại (địa điểm kinh doanh) nằm trên lãnh thổ của các quốc gia khác nhau.
Về nguyên tắc, quy định pháp luật về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế của mỗi nước phải phù hợp với pháp luật về hợp đồng của nước đó. Tùy theo quan niệm pháp lý khác nhau mà các hệ thống pháp luật trên thế giới quy định khác nhau về yếu tố hình thức của hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế có phải là điều kiện bắt buộc để hợp đồng có hiệu lực hay không. Ở Việt Nam hình thức của hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế là điều kiện có hiệu lực của hợp đồng.
Hình thức hợp đồng là sự biểu hiện ra bên ngoài nội dung của hợp đồng, gồm tổng hợp các hình thức, thủ tục, phương tiện để thể hiện và công bố ý chí của các bên, ghi nhận nội dung hợp đồng và là biểu hiện cho sự tồn tại của hợp đồng.
3. Quan điểm về hình thức của hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế
Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế chỉ được công nhận có hiệu lực nếu nó được thể hiện dưới một hình thức nhất định, phù hợp với quy định của pháp luật áp dụng. Đây là điều kiện bắt buộc nhằm chứng minh sự tồn tại của hợp đồng. Hình thức của hợp đồng được thừa nhận và quy định trong pháp luật của hầu hết các quốc gia. Có hai quan điểm về hình thức của hợp đồng:
- Quan điểm thứ nhất: Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế có thể được ký kết bằng lời nói, bằng văn bản, bằng hành vi hoặc các hình thức gián tiếp như đơn thư chào hàng, đặt hàng, fax, thư điện tử (giao dịch điện tử)… do các bên tự do thỏa thuận. Các nước theo quan điểm này hầu hết là các nước có nền kinh tế thị trường phát triển, như Anh, Pháp, Mỹ… Công ước Viên 1980 của Liên hiệp quốc về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế đã xây dựng các quy phạm thực chất thống nhất, về điều kiện này Công ước cho phép các bên có thể xác lập hợp đồng với mọi hình thức, kể cả thông qua người làm chứng.
- Quan điểm thứ hai: Một số nước lại đưa ra các yêu cầu bắt buộc về hình thức đối với hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế mới được công nhận hiệu lực pháp lý. Ví dụ, hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế phải được ký kết dưới hình thức văn bản, phải được phê chuẩn, hoặc có công chứng… mới có hiệu lực. Đây là quan điểm của một số nước đang phát triển, như Việt Nam. Nếu hợp đồng bắt buộc phải được ký bằng văn bản thì mọi sự thay đổi, bổ sung của nó cũng phải được lập thành văn bản.
4. Quy định của pháp luật các nước và các điều ước quốc tế
Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế có thể được điều chỉnh bởi điều ước quốc tế, pháp luật quốc gia hoặc tập quán thương mại quốc tế. Để xác định pháp luật áp dụng đối với hình thức hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, pháp luật của các quốc gia chủ yếu áp dụng nguyên tắc “Hình thức hợp đồng phải phù hợp với luật nơi giao kết hợp đồng đó” (locus regit actum).
Cơ sở lý luận của nguyên tắc này xuất phát từ việc cho rằng, hành vi giao kết hợp đồng là một dạng hành vi pháp lý, nên hành vi pháp lý luôn phải tuân thủ pháp luật nước nơi thực hiện hành vi (nguyên tắc locus regit actum)… Nguyên tắc này có hai ý nghĩa, một mặt nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các bên giao kết hợp đồng mua bán hàng hóa có yếu tố nước ngoài, phải tôn trọng pháp luật nơi thực hiện hành vi; mặt khác nhằm đảm bảo cho trật tự của pháp luật quốc gia nơi thực hiện hành vi.
Nguyên tắc hình thức hợp đồng phải phù hợp với luật nơi giao kết hợp đồng có hai tính chất:
- Thứ nhất, nguyên tắc này có tính chất bắt buộc trong trường hợp đối với một số hợp đồng mua bán hàng hóa đặt biệt, đòi hỏi hợp đồng phải tuân thủ một số điều kiện nhất định (bằng văn bản, có đăng ký, công chứng…).
- Thứ hai, nguyên tắc này cũng mang tính chất tùy nghi, chủ yếu áp dụng với các loại hợp đồng mua bán hàng hóa mà luật không yêu cầu tuân thủ các điều kiện hình thức. Trong trường hợp này, hình thức hợp đồng vẫn được công nhận mặc dù không phù hợp với luật nơi giao kết.
Đối với các nước Đông Âu, người ta căn cứ vào luật nơi ký kết hợp đồng hoặc luật nơi thực hiện hợp đồng, trên cơ sở ưu tiên áp dụng luật nơi ký kết hợp đồng để giải quyết xung đột pháp luật về hình thức hợp đồng. Trong trường hợp hợp đồng ký kết ở một nước nhưng thực hiện ở nước khác thì luật nơi ký kết hợp đồng vẫn được áp dụng để xem xét hình thức hợp đồng. Nếu luật nơi ký kết hợp đồng không hợp pháp về mặt hình thức thì luật nơi thực hiện hợp đồng vẫn có thể được áp dụng để xem xét hình thức hợp đồng khi tòa án nơi giải quyết tranh chấp xét thấy hình thức của hợp đồng không trái với quy định của pháp luật nước mình. Trong khi đó, pháp luật của đa số các nước Bắc Âu, Tây Âu và Châu Mỹ khi giải quyết xung đột về hình thức hợp đồng thì luật nơi ký kết hợp đồng được ưu tiên áp dụng. Trong trường hợp nếu hợp đồng bị coi là bất hợp pháp về mặt hình thức theo luật nơi ký kết nhưng theo luật nhân thân của các bên hợp đồng hoặc theo luật tòa án nơi giải quyết tranh chấp coi hợp đồng là hợp pháp về mặt hình thức thì hợp đồng vẫn có giá trị pháp lý.
Các hiệp định song phương mà Việt Nam ký kết với các nước không quy định cụ thể về pháp luật áp dụng đối với hình thức của hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, nhưng phần quy định chung về hình thức hợp đồng đều nêu rõ “hình thức hợp đồng được xác định theo pháp luật của bên ký kết áp dụng đối với chính hợp đồng đó. Tuy nhiên, hợp đồng tuân theo pháp luật nơi ký kết hợp đồng cũng được coi là hợp thức”. Trong Hiệp định tương trợ tư pháp giữa Việt Nam với Lào quy định về hình thức hợp đồng có điểm khác, hình thức hợp đồng tuân theo pháp luật của nước ký kết nơi giao kết hợp đồng. Như vậy, quy định trong các hiệp định song phương trên có sự khác nhau, nhưng cùng thừa nhận hệ thuộc luật nơi có bất động sản đối với hợp đồng về bất động sản và cũng thừa nhận hệ thuộc luật nơi giao kết có thể là luật xác định điều kiện có hiệu lực về hình thức của hợp đồng.
Khác với các quy định trong pháp luật các nước, cũng như các hiệp định tương trợ tư pháp mà Việt Nam ký kết với các nước, Công ước Viên 1980 của Liên hiệp quốc về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế (CISG) quy định tại Điều 11: “Hợp đồng có thể được giao kết bằng văn bản, lời nói, hành vi và các hình thức khác, kể cả thông qua người làm chứng”. Tuy nhiên, Công ước Viên cũng cho phép các quốc gia có quyền bảo lưu không áp dụng Điều 11 này, theo đó hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế bắt buộc phải tuân thủ những điều kiện nhất định về hình thức của pháp luật quốc gia mới được công nhận có hiệu lực (Xem thêm Điều 96 Công ước Viên 1980).
Các nguyên tắc cơ bản điều chỉnh hợp đồng thương mại quốc tế (PICC) của Viện thống nhất về tư pháp quốc tế (UNIDROIT) quy định các bên được quyền thỏa thuận về hình thức hợp đồng. Tuy nhiên, sự thỏa thuận này phải được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận.
Theo PICC 2010, tại Khoản 2 Điều 1 còn quy định hợp đồng có thể được chứng minh “kể cả bằng nhân chứng”. Khoản 2 Điều 9 Công ước Rome 1980 về luật áp dụng đối với nghĩa vụ hợp đồng quy định rằng trong trường hợp các bên ký kết hợp đồng ở các nước khác khau, hợp đồng còn có hiệu lực nếu thỏa mãn điều kiện về hình thức của pháp luật điều chỉnh hợp đồng của một trong các nước này. Như vậy, quy định trong các văn bản này là khá thông thoáng nhằm thừa nhận rộng rãi nhất điều kiện hiệu lực về hình thức của hợp đồng.
5. Quy định của pháp luật Việt Nam
Để xác định hiệu lực của hợp đồng, trước đây tại khoản 1 Điều 770 BLDS cũ năm 2005 quy định: “Hình thức của hợp đồng phải tuân theo pháp luật của nước nơi giao kết hợp đồng. Trong trường hợp hợp đồng được giao kết ở nước ngoài mà vi phạm quy định về hình thức hợp đồng theo pháp luật của nước đó, nhưng không trái với quy định về hình thức hợp đồng theo pháp luật Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thì hình thức hợp đồng được giao kết ở nước ngoài đó vẫn được công nhận tại Việt Nam”.
Hiện hành quy định tại khoản 7 Điều 683 BLDS năm 2015 với nội dung: “Hình thức của hợp đồng được xác định theo pháp luật áp dụng đối với hợp đồng đó. Trường hợp hình thức của hợp đồng không phù hợp với hình thức hợp đồng theo pháp luật áp dụng đối với hợp đồng đó, nhưng phù hợp với hình thức hợp đồng theo pháp luật của nước nơi giao kết hợp đồng hoặc pháp luật Việt Nam thì hình thức hợp đồng đó được công nhận tại Việt Nam.
Như vậy, quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành về hình thức hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế có sự thống nhất với các quy định trong các Hiệp định tương trợ tư pháp mà Việt Nam ký kết với các nước, tương đồng với quy định của các nước Bắc Âu, Tây Âu và Mỹ.
Khắc phục những hạn chế của BLDS năm 2005, Điều 683 BLDS năm 2015 đã mở rộng phạm vi các vấn đề trong quan hệ hợp đồng mà các bên được thoả thuận chọn luật áp dụng. Cụ thể: Theo quy định tại khoản 1 Điều 683: “Các bên trong quan hệ hợp đồng được thỏa thuận lựa chọn pháp luật áp dụng đối với hợp đồng”. Như vậy, phạm vi thoả thuận luật áp dụng là toàn bộ các vấn đề có liên quan đến quan hệ hợp đồng trừ hình thức của hợp đồng được xác định theo pháp luật áp dụng đối với hợp đồng đó. Điều này có nghĩa là nếu luật áp dụng cho hợp đồng là luật do các bên thoả thuận thì luật này cũng sẽ được sử dụng để xác định tính hợp pháp của hợp đồng. Có thể thấy, Điều 683 BLDS năm 2015 đã được xây dựng theo hướng mở rộng tối đa phạm vi các bên chủ thể của hợp đồng được thoả thuận chọn luật áp dụng và điều này phù hợp với pháp luật quốc tế.
Khoản 2 Điều 27 Luật Thương mại năm 2005 Việt Nam quy định: “Mua bán hàng hóa quốc tế phải được thực hiện trên cơ sở hợp đồng bằng văn bản hoặc hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương”.
Như vậy, Luật TM 2005 quy định hình thức hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế phải được thể hiện bằng văn bản, nhưng Luật TM 2005 cũng như các Nghị định, Thông tư hướng dẫn không quy định rõ cụ thể hình thức nào được coi là hình thức văn bản. Chính vì vậy đã gây khó khăn cho các chủ thể khi tham gia đàm phán, ký kết hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế. Trong thực tiễn pháp lý Việt Nam cũng như thông lệ quốc tế, hình thức văn bản của hợp đồng thương mại quốc tế nói chung và hình thức văn bản của hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế là “hình thức viết” (writing form). Vì vậy, để tạo điều kiện thuận lợi và tránh những tranh chấp phát sinh không cần thiết cho các doanh nghiệp, cũng như các cơ quan xét xử trong quá trình giải quyết tranh chấp, pháp luật thương mại Việt Nam nên quy định rõ hình thức văn bản của hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế là hình thức viết.
Các hình thức có giá trị pháp lý tương đương ở đây bao gồm điện báo, telex, fax, thông điệp dữ liệu và các hình thức khác theo quy định của pháp luật. Điều này có nghĩa là pháp luật Việt Nam đã thừa nhận những hợp đồng ký theo hình thức số hóa, mua bán qua mạng, bản fax, thư điện tử… có giá trị pháp lý như ký bằng văn bản. Thực chất, đây chính là hình thức của hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế được ký kết dưới dạng hợp đồng điện tử (Điều 33 Luật giao dịch điện tử năm 2005). Tuy nhiên, các bên tham gia hợp đồng cũng nên lưu ý rằng, bên cạnh những tiện ích mà hợp đồng điện tử mang lại, các bên phải đối mặt với nhiều rủi ro, cả về mặt kỹ thuật, cả về mặt thương mại, cũng như cả về mặt pháp lý.
Sự tuân thủ hình thức của hợp đồng được luật quy định (chủ yếu là hình thức văn bản) được chế ước trước hết bằng một số chế tài nhất định trong những trường hợp không tuân thủ quy định này: hình thức với nguy cơ hợp đồng không có hiệu lực; hình thức với mục đích là chứng cứ; hình thức để đạt được kết quả nhất định của hành vi pháp lý.
Hình thức là một yếu tố pháp lý quan trọng của hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, có quan hệ biện chứng với bản chất, giá trị hiệu lực của hợp đồng và là phương tiện để diễn đạt ý chí của các bên, cũng như chứng minh sự tồn tại của hợp đồng. Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế là hợp đồng không giống như hợp đồng trong phạm vi lãnh thổ của một quốc gia (hợp đồng nội địa), nguồn luật điều chỉnh của nó rất phong phú và đa dạng, bao gồm điều ước quốc tế, pháp luật quốc gia và tập quán thương mại quốc tế. Cho nên, muốn hợp đồng được công nhận giá trị pháp lý về mặt hình thức thì hình thức của hợp đồng phải tuân thủ pháp luật áp dụng cho hợp đồng đó. Trong trường hợp đó, hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế không được lập đúng hình thức theo quy định của pháp luật áp dụng thì có thể bị cơ quan tài phán (tòa án, trọng tài) tuyên bố vô hiệu. Tìm hiểu pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam về hình thức của hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế giúp cho khách hàng khi tham gia các giao dịch thương mại quốc tế dự liệu rủi ro pháp lý cho chính mình.
Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900 6162 để được giải đáp.
Rất mong nhận được sự hợp tác!
Trân trọng./.
Luật Minh Khuê - Sưu tầm & biên tập