Mục lục bài viết
- 1. Cơ sở pháp lý:
- 2. Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế là gì?
- 3. Pháp luật quốc tế và Việt Nam về các điều khoản cơ bản trong hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế
- 4. Một số điều khoản cơ bản trong hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế
- 4.1. Điều khoản về đối tượng của hợp đồng
- 4.2. Điều khoản về số lượng hoặc khối lượng của hàng hóa
- 4.3. Điều khoản về phẩm chất hàng hóa
- 4.4. Điều khoản về điều khoản giá cả hàng hóa
- 4.5. Điều khoản về thời hạn giao hàng
- 4.6. Điều khoản về phương thức giao hàng
- 4.7. Điều khoản về thanh toán
- 4.8. Điều khoản về trách nhiệm hợp đồng
- 4.9. Điều khoản về luật áp dụng cho hợp đồng
- 4.10. Điều khoản về giải quyết tranh chấp
Nội dung được biên tập từ chuyên mục tư vấn luật Dân sự của Công ty luật Minh Khuê
>> Luật sư tư vấn pháp luật Dân sự, gọi: 1900 6162
1. Cơ sở pháp lý:
- Công ước Viên 1980;
2. Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế là gì?
Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế được hiểu là hợp đồng ký kết giữa các bên có trụ sở thương mại nằm trên lãnh thổ của các quốc gia khác nhau về việc mua bán hàng hóa.
Mua bán hàng hoá là hoạt động thương mại, theo đó bên bán có nghĩa vụ giao hàng, chuyển quyền sở hữu hàng hóa cho bên mua và nhận thanh toán; bên mua có nghĩa vụ thanh toán cho bên bán, nhận hàng và quyền sở hữu hàng hoá theo thỏa thuận.
3. Pháp luật quốc tế và Việt Nam về các điều khoản cơ bản trong hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế
Các điều khoản mà các bên tham gia kí kết hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế thỏa thuận trong hợp đồng sẽ là cơ sở cho phép xác định quyền và nghĩa vụ của mỗi bên. Tuy nhiên trong các quy định pháp lí quốc tế cũng như pháp luật của một số quốc gia (trong đó có Việt Nam) không hề có quy định nào ràng buộc các điều khoản tối thiểu phải có trong hợp đồng.
Trước đây, theo quy định của Luật Thương Mại Việt Nam năm 1997 tại điều 50 và điều 81 thì hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế phải có các điều khoản về:
+ Tên hàng;
+ Số lượng;
+ Quy cách chất lượng;
+ Giá cả;
+ Phương thức thanh toán;
+ Địa điểm và thời hạn giao nhận hàng.
Tuy nhiên, hiện nay Luật thương mại 1997 đã được thay thế bởi Luật thương mại 2005. Theo quy định của Luật thương mại 2005 thì không hề bắt buộc các điều khoản tối thiểu phải có trong hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế.
Trong các văn bản pháp lí quốc tế cũng vậy, Bộ nguyên tắc của UNIDROIT về hợp đồng thương mại quốc tế năm 2004 và Công ước Viên 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế không hề có quy định nào về các điều khoản tối thiểu của hợp đồng. Mặc dù theo quy định tại điều 14 của Công ước Viên 1980 (điều khoản về chào hàng) khiến chúng ta có thể ngầm hiểu các điều khoản cơ bản phải có trong hợp đồng là: (i) tên hàng; (ii) số lượng, và (iii) giá cả.
Mặc dù pháp luật không quy định, tuy nhiên từ thực tiễn kí kết và thực hiện các hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và cũng để tránh các tranh chấp có thể phát sinh, thiết nghĩ rằng, khi các bên kí kết hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế cần thiết phải thỏa thuận và ghi nhận trong hợp đồng các điều khoản cơ bản và quan trọng, vì đó chính là cơ sở pháp lí để ràng buộc quyền và nghĩa vụ của các bên.
4. Một số điều khoản cơ bản trong hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế
4.1. Điều khoản về đối tượng của hợp đồng
Đối tượng của hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế là hàng hóa. Trong hợp đồng hàng hóa phải được ghi cụ thể, chính xác tên thường gọi đối với hàng hóa đó, có kèm theo tên thương mại hoặc tên khoa học (nếu có) và đặc biệt cần phải quy định rõ về nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa. Bởi vì có thể cùng một loại hàng hóa nhưng nếu có nguồn gốc xuất xứ từ những nơi không giống nhau thì điều chắc chắn đó là phẩm chất của hàng hóa sẽ khác nhau.
4.2. Điều khoản về số lượng hoặc khối lượng của hàng hóa
Đây là điều khoản quan trọng vì nó sẽ liên quan đến vấn đề giao thừa hoặc thiếu hàng. Từ những tranh chấp đã phát sịnh trên thực tiễn liên quan đến nội dung này, khuyến khích các bên cần ghi rõ số lượng hàng hóa được mua bán, tuy nhiên các bên không nên ghi rõ số lượng bằng một con số cố định cụ thể. Mà nên thỏa thuận theo phương pháp “dung sai” có nghĩa là số lượng hàng hóa có thể giảm (-) hoặc tăng (+) theo một tỉ lệ phần trăm (%) nhất định trong mức độ giới hạn thấp nhất và cao nhất.
4.3. Điều khoản về phẩm chất hàng hóa
Việc xác định phẩm chất hàng hóa phải được quy định cụ thể thông qua việc mô tả theo hình dạng, màu sắc, kích thước, hoặc xác định bởi đặc tính lí hóa của nó, hoặc theo theo một tiêu chuẩn nhất định, hoặc theo một mẫu nhất định đối với hàng hóa đó. Đây là một điều hết sức quan trọng vì cùng một loại hàng hóa nhưng nếu theo tiêu chuẩn ở khu vực này thì đáp ứng yêu cầu nhưng ở khu vực khác thì lại không đáp ứng. Chính vì vậy các bên cần phải thỏa thuận rõ chất lượng của hàng hóa sẽ được đánh giá dựa trên tiêu chuẩn nào, nhằm tránh những hiểu lầm tai hại.
Vụ việc tiêu biểu 1:
Nguyên đơn (người bán Thụy Sĩ) và bị đơn (người mua Hà Lan) đã kí kế bat hợp đồng bán cùng loại hàng hóa với quy cách phẩm chất đã được quy định chi tiết. Hàng được gửi đi từ một công ty Canada theo điều kiện CIF cảng Rotterdam. Cả ba hợp đồng đều được lập bằng tiếng Pháp với những điều kiện giống hệt nhau ngoại trừ điều khoản về số lượng. Tuy nhiên chỉ có hai hợp đồng đầu tiên được kí và thực hiện, hợp đồng thứ ba vẫn chưa được kí và trước khi hàng được gửi đi từ Canada, bị đơn đã hủy hợp đồng với lí do hàng được giao theo hai hợp đồng đầu không đúng quy cách phẩm chất quy định trong hợp đồng; nhà máy ở Canada đã gửi một kĩ sư sang Hà lan để kiểm tra mẫu hàng trong một phòng thí nghiệm độc lập. Kết quả kiểm tra gây ra nhiều tranh cãi: khi tiến hành phân tích theo phương pháp mới của Bắc Mỹ thì mẫu hàng được kiểm tra hoàn toàn phù hợp với những quy cách phẩm chất quy định trong hợp đồng, nhưng khi tiến hành theo phương pháp của Châu Âu thì lại không phù hợp. Theo kết luận chính của kĩ sư sau chuyến công tác tại Hà Lan, hàng được gửi đi không phải là hàng mà người mua Hà Lan nghĩ rằng mình đã mua. Đó là do khi chào hàng người bán Thụy Sĩ đã không hề đề cập đến phương pháp phân tích phẩm chất, còn người mua Hà Lan lại cho rằng hàng được một công ty Châu Âu chào bán nên phương pháp phân tích của Châu Âu sẽ được áp dụng.
Rõ ràng việc đánh giá chất lượng của hàng hóa có phù hợp với hợp đồng hay không là không hề đơn giản khi các bên không thỏa thuận quy định về phương pháp đánh giá chất lượng của hàng hóa. Sự thiếu cận trọng của các bên, chính xác hơn là mối quan hệ qua lại giữa quyền được cung cấp thông tin và nghĩa vụ phải tự hỏi thông tin một cách cụ thể chính là vấn đề cơ bản của tranh chấp trên. Và suy cho cùng đó là do sự không rõ ràng trong các điều khoản quy định của hợp đồng.
4.4. Điều khoản về điều khoản giá cả hàng hóa
Giá cả là một điều khoản cơ bản của hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế nên các bên cần phải thỏa thuận và quy định cụ thể. Đặc biệt nếu hợp đồng được thực hiện trong một thời gian dài, thì các bên nên có thỏa thuận quy định vấn đề về biến động giá cả, theo đó các bên có thể tiến hành đàm phán lại giá cả trong trường hợp sự biến động giá cả có thể gây thiệt hại cho một trong các bên. Đây là một quy định cần thiết nhằm hạn chế những tổn thất lớn cho các bên khi có sự biến động về giá cả.
Vụ việc tiêu biểu 2:
Ngày 20 tháng 8 năm 1987, nguyên đơn (người mua Ai Cập) và bị đơn (người bán Nam Tư) đã kí kết hợp đồng mua bán 80 ngàn tấn thép thanh với giá trung bình là 190 USD/tấn. Hàng được giao theo hợp đồng trong khoảng thời gian từ ngày 15 tháng 12 năm 1987 đến ngày 15 tháng 12 năm 1988 tại cảng Nam Tư. Nguyên đơn có “quyền mua đặc biệt”, quyền này cho phép nguyên đơn tăng số lượng hàng mua đến 160.000 tấn với cùng giá cả và điều kiện như trên và phải tuyên bố thực hiện quyền đó chậm nhất là vào ngày 15 tháng 12 năm 1987 và mở L/C cho chuyến hàng đầu tiên chậm nhất vào ngày 26 tháng 11 năm 1987; nguyên đơn đã thông báo cho bị đơn rằng họ sẽ thực hiện “quyền mua đặc biệt” này và sẽ mở L/C trong khoảng từ 15 đến 31 tháng 12 năm 1987.
Do việc tăng giá thép trên thị trường thế giới, ngày 9 tháng 12 năm 1987 bị đơn đề nghị tổ chức một cuộc họp vào tháng đó để thảo luận về mức giá áp dụng cho số lượng hàng mua thêm. Tại cuộc họp ngày 28 tháng 12 năm 1987 bị đơn đề nghị mức giá 215 USD/tấn cho số lượng hàng bổ sung nhưng nguyên đơn không chấp nhận và cương quyết giữ mức giá đã thỏa thuận. Trong văn thư đề ngày 31 tháng 12 năm 1987 nguyên đơn nhấn mạnh rằng bị đơn đã vi phạm hợp đồng và nếu cho đến ngày 6 tháng 1 năm 1988 bị đơn vẫn không chấp thuận thì nguyên đơn sẽ buộc bị đơn phải chịu trách nhiệm cho toàn bộ thiệt hại bất kỳ do việc vi phạm hợp đồng gây ra. Thời hạn này sau đó đã được nguyên đơn kéo dài tới 25 tháng 1 năm 1988.
Ngày 25 tháng 1 năm 1988 nguyên đơn đã mua 80.000 tấn thép thanh cùng loại của một công ty Rumani với giá 216 USD/tấn. Nguyên đơn cho rằng chi phí vận chuyển đường biển từ Rumani đến Ai Cập thấp hơn từ 2 đến 2,5 USD/tấn so với từ Nam Phi đến Ai Cập. Sau đó nguyên đơn đã khởi kiện theo điều khoản trọng tài trong hợp đồng ra trọng tài phòng thương mại quốc tế (tại Paris – Pháp) đòi bị đơn bồi thường thiệt hại do chênh lệch giá. Kết quả tòa trọng tài đã ra phán quyết chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn.
4.5. Điều khoản về thời hạn giao hàng
Để đảm bảo quyền lợi của mình và tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao nhận hàng các bên cần phải thỏa thuận cụ thể về thời gian giao hàng. Thời gian giao hàng có thể được các bên ấn định vào một thời điểm cụ thể hoặc vào một thời gian cụ thể. Tuy nhiên nếu trong hợp đồng có thỏa thuận về giao hàng nhiều lần thì các bên nên quy định cụ thể về từng lần giao hàng, nhằm tránh trường hợp không thực hiện việc giao hàng nhưng không thể ràng buộc nghĩa vụ vì không đủ cơ sở pháp lí.
Ví dụ: trong hợp đồng mua bán mỡ bôi trơn (hợp đồng số 01292) được kí kết giữa thương nhân Việt Nam (bên mua) và thương nhân Singapore (bên bán) có thỏa thuận về điều khoản giao hàng là: nghĩa vụ giao hàng của bên bán sẽ chia làm nhiều lần và sẽ được hai bên đồng ý sau . Đây thực sự là một quy định không có lợi cho người mua, bởi vì đây là một quy định không rõ ràng về thời điểm và thời hạn giao hàng. Việc quy định như vậy có thể tạo điều kiện cho người bán có thể lợi dụng đề trốn tránh nghĩa vụ giao hàng, khi việc trốn tránh đó có lợi cho họ.
Bản thân việc các bên lựa chọn sẽ tiến hành giao hàng nhiều lần thì không có gì đáng nói vì có thể như vậy đều phù hợp với điều kiện của hai bên. Tuy nhiên điều đáng ngại là các bên không hề thỏa thuận cụ thể rằng việc giao hàng sẽ được chia bao nhiêu lần, mỗi lần cách nhau bao nhiêu lâu và tổng thời gian (thời hạn) để hoàn tất việc giao hàng. Ví dụ: các bên có thể thỏa thuận việc giao hàng sẽ được chia làm 6 lần, mỗi lần cách nhau 15 ngày, thời hạn để hoàn tất toàn bộ việc giao hàng là trong vòng ba tháng kể từ ngày được xác định nào đó. Tuy nhiên trong hợp đồng số 01292 các bên lại không quy định cụ thể như vậy, do đó không thể ràng buộc được nhau, đặc biệt là người mua không thể buộc người bán giao hàng cho mình vì sẽ không có căn cứ và thời hạn giao hàng cụ thể.
4.6. Điều khoản về phương thức giao hàng
Đây là một điều khoản cực kì quan trọng vì nó liên quan đến các vấn đề như: thuê phương tiện vận chuyển, bảo hiểm hàng hóa, đặc biệt liên quan đến việc xác định thời điểm chuyển dịch quyền sở hữu và rủi ro đối với hàng hóa từ người bán sang người mua. Trong thực tiễn mua bán hàng hóa quốc tế khi thỏa thuận về phương thức giao hàng các bên thường sử dụng các điều kiện giao hàng được quy định trong tập quán thương mại INCOTERMS. “Thông thường, điều kiện giao hàng phụ thuộc phần lớn vào khả năng của người bán. Đối với những người có khả năng tài chính dồi dào, có nhiều kinh nghiệm trên thương trường thì giao hàng với điều kiện CIF và mua hàng với điều kiện FOB, với thương nhân Việt Nam và ngược lại, mua CIF, bán FOB.” Tuy nhiên, điều cần nhấn mạnh ở đây là để tránh lầm lẫn khi thỏa thuận về phương thức giao hàng các bên phải thống nhất chỉ ra sẽ áp dụng phương thức nào và nó được ghi nhận ở đâu.
4.7. Điều khoản về thanh toán
Có thể nói thanh toán là nghĩa vụ cơ bản và quan trọng nhất của bên mua. Ngược lại đó là quyền lợi quan trọng nhất của bên bán. Cho nên các vấn đề liên quan đến điều khoản thanh toán bao gồm: phương thức thanh toán, thời hạn thanh toán và địa điểm thanh toán cần được các bên thỏa thuận cụ thể.
Trong thực tiễn thương mại quốc tế thì có nhiều phương thức thanh toán được các bên sử dụng, trong đó có hai phương thức thanh toán được các bên thường hay sử dụng là phương thức nhờ thu (collection of payment) và phương thức tín dụng chứng từ (letter of credits) mà phổ biến nhất là phương thức tín dụng chứng từ (L/C).
Phương thức thanh toán bằng tín dụng chứng từ có hai loại: đó là tín dụng không được hủy ngang và tín dụng được hủy ngang. Phương thức tín dụng được hủy ngang ít khi được sử dụng vì độ rủi ro cao của nó. Trong phương thức thanh toán bằng tín dụng không hủy ngang có hai loại là: (i) tín dụng không hủy ngang không xác nhận. Đối với loại tín dụng này thì ngân hàng đại diện chỉ thông báo việc mở tín dụng cho người thụ hưởng, được gọi là ngân hàng thông báo (the informing bank), theo đó họ không chịu bất kì trách nhiệm gì và chỉ hành động theo lệnh của ngân hàng phát hành (the isuing bank). Như thế ngân hàng đại diện không bắt buộc phải thanh toán khi người thụ hưởng xuất trình các chứng từ hàng hóa. Người thụ hưởng chỉ tin cậy vào cam kết của ngân hàng phát lệnh. Do đó tín dụng không hủy ngang không được xác nhận chỉ được xem là một phương thức thanh toán thích hợp khi những rủi ro về chính trị, kinh tế không đáng kể; (ii) tín dụng không hủy ngang được xác nhận (confitmed ircocable credit) theo loại này chính ngân hàng đại diện sẽ cam kết thanh toán, gọi là ngân hàng xác nhận (the cofirming bank). Do đó bên bán có thể xuất trình các tài liệu liệt kê trong tín dụng thư cho ngân hàng cơ sở của họ, ngân hàng này phải chi trả nếu các tài liệu phù hợp với tín dụng thư và được xuất trình trong thời hạn quy định. Như thế quyền và nghĩa vụ của bên xuất khẩu (bên bán) sẽ được bảo đảm nhiều hơn, nhất là nếu ngân hàng xác nhận lại chính là ngân hàng của họ. Đây là vấn đề các bên cần lưu ý, nhằm tránh những nhầm lẫn không đáng có.
Vụ việc tiêu biểu 3:
Tranh chấp trong hợp đồng mua bán có quy định thư tín dụng không hủy ngang. Nguyên đơn (công ty Tây Ban Nha) với tư cách là bên nhận ủy thác cho một công ty Tây Ban Nha khác, đã bán một lô sản phẩm lương thực cho một công ty Cô-oét. Ngày 1/7/1978 công ty Cô-oét đã mở tại ngân hàng của mình một thư tín dụng không hủy ngang và chuyển nhượng được, trị giá 76.244 Đô la Mỹ cho công ty ủy thác Tây Ban Nha thụ hưởng qua một ngân hàng Tây Ban Nha khác.
Hàng sẽ được giao thành hai chuyến, mỗi chuyến cách nhau 20 ngày, muộn nhất là vào ngày 20/9/1978. Tiền hàng cũng được thanh toán làm hai lần. Hàng giao theo giá C&F và áp dụng quy tắc và thực hiện thống nhất về tín dụng chứng từ của ICC (bản sửa đổi năm 1974).
Có hai điều kiện quy định cho thư tín dụng, thứ nhất ngân hàng Tây Ban Nha sẽ tiến hành thanh toán khi nhận được một bộ đầy đủ vận đơn đường biển hoàn hảo đã xếp hàng; thứ hai ngân hàng Tây Ban Nha phải đợi giấy phép do ngân hàng Cô-oét (bị đơn) cấp. Giấy phép này sẽ được cấp khi có thông báo của công ty Cô-oét (người mua) rằng họ đã nhận được hàng và hàng đã được cơ quan y tế Cô-oét tại cảng chấp nhận. Ngày 30/9/1978 ngân hàng Cô-oét đã sửa đổi điều kiện hai thành: ngân hàng sẽ được cấp phép trong vòng 75 ngày kể từ ngày nhận được vận đơn đường biển “với điều kiện là hàng hóa đã được nhận bởi người mở thư tín dụng và được cơ quan y tế của chính phủ Cô-oét chấp nhận”, mà không có ý kiến chấp thuận của người được hưởng lợi (nguyên đơn).
Ngày 25/11/1978, ngân hàng Tây Ban Nha đã gửi bộ chứng từ của chuyến hàng thứ hai cho bị đơn (ngân hàng Cô-oét) và đã bị bị đơn từ chối với lí do thời gian giữa hai chuyến hàng đã vượt quá 20 ngày. Ngân hàng Tây Ban Nha không chấp nhận điều này.
Do vậy ngân hàng Cô-oét đã thuyết phục người mua Cô-oét chấp nhận điều không đúng nguyên tắc trên, nhưng đồng thời công ty Cô-oét vẫn đợi sự chấp nhận lô hàng của Bộ y tế Cô-oét, cơ quan mà công ty Cô-oét nộp đơn xin kiểm tra hàng.
Hai ngày sau, ngày 13/2/1979, bị đơn thông báo rằng người mua Cô-oét đã từ chối hàng vì cơ quan y tế tại cảng đã cấp một giấy chứng nhận rằng hàng sẽ hết hàng sử dụng trong hai tháng nữa.
Ngân hàng Tây Ban Nha cho rằng giấy chứng nhận của y tế đã không bác bỏ hàng. Bị đơn vẫn giữ nguyên quan điểm của mình và lập luận rằng lô hàng vẫn chưa được nhận được bởi người mua (công ty Cô-oét) và điều này được khẳng định sau đó bằng tuyên bố “theo thộng lệ, hàng thực phẩm phải đủ độ tin cậy để lưu kho trong vòng 12 tháng”.
Trong đơn kiện gửi trọng tài nguyên đơn đã tuyên bố rằng việc bị đơn từ chối bộ chứng từ là không hợp pháp và yêu cầu được thanh toán khoản tiền 38.122 Đô la Mỹ lãi suất hàng năm 13% tính từ ngày 5/1/1979.
Về các vấn đề trên, trước hết ủy ban trọng tài cho rằng lý do duy nhất mà hàng chưa thuộc quyền sở hữu của người mua Cô-oét, người mở thư tín dụng là do họ đã từ chối lô hàng đó khi hàng đã đến nơi và giấy chứng nhận y tế cũng đã được cấp.Vấn đề cần giải quyết là trong tình huống này liệu điều kiện “hàng hóa đã được nhận bởi người mở thư tín dụng” đã được thỏa mãn hay chưa.
Ủy ban trọng tài đã định nghĩa bản chất của thư tín dụng không hủy ngang như sau:
Một thư tín dụng không thể hủy ngang là một sự cam kết chắc chắn của ngân hàng mở thư tín dụng rằng ngân hàng sẽ thanh toán nếu các điều kiện của thư tín dụng được thỏa mãn, nếu thư tín dụng đó dùng để thanh toán (điều 3 quy tắc và thực hành thống nhất tín dụng chứng từ). Bản chất của tín dụng không hủy ngang là người hưởng lợi chắc chắn sẽ được thanh toán nếu xuất trình đúng bộ chứng từ.
Một đặc tính cơ bản của tính dụng chứng từ là tính hình thức của nó. Các chứng từ được xuất trình chỉ có thể là đúng hoặc không đúng, sự mập mờ ở đây không được chấp nhận. Một tín dụng chứng từ không được hiểu theo bất cứ luật quốc gia nào mà các bên không có thỏa thuận mà phải được hiểu theo thông lệ được áp dụng cho đối tượng này trong thương mại quốc tế.
Một đặc tính nữa của thư tín dụng là việc thanh toán bằng phương thức tín dụng chứng từ không phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của các bên, chỉ cần các điều kiện trong thư tín dụng được thỏa mãn và người hưởng lợi xuất trình đúng bộ chứng từ thì việc thanh toán sẽ được thực hiện.
Bị đơn lập luận rằng trong trường hợp này, hàng giao không được người mở thư tín dụng chấp nhận, điều kiện “hàng đã được nhận bởi người mở thư tín dụng”đã không được thỏa mãn. Rõ ràng nếu hiểu như bị đơn thì việc thư tín dụng có được thanh toán hay không phụ thuộc vào thiện chí của người mở tín dụng. Việc hiểu điều kiện “hàng đã được nhận bởi người mở thư tín dụng” như vậy mâu thuẫn với mục đích của thư tín dụng chứng từ, theo đó việc thanh toán không được phụ thuộc vào thiện ý của người mở thư tín dụng, và điều đó có nghĩa là tín dụng chứng từ không hề an toàn cho người hưởng lợi.
Bởi vậy, ủy ban trọng tài cho rằng điều kiện “hàng đã được nhận bởi người mở thư tín dụng” cũng cần được hiểu ở nghĩa là người mở thư tín dụng đã có thể nhận được hàng nếu anh ta muốn (vì trên thực tế hàng đã đến nơi và người mua đã có đủ các điều kiện để nhận hàng). Như thế, điều kiện này mới có ý nghĩa và chấp nhận được trong thương mại quốc tế. Như vậy rõ ràng bị đơn đã sai khi từ chối thanh toán cho nguyên đơn. Bởi vậy ủy ban trọng tài quyết định nguyên đơn được hưởng số tiền là 38.122 USD.
Sau khi đưa ra phán quyết về khiếu nại chính, ủy ban trọng tai xét đến mức lãi suất hàng năm 13 % tính từ tháng 2/1979.
Nguyên đơn yêu cầu mức lãi suất 13 %/ năm tính từ 1/12/ 1979, bị đơn không phản đối yêu cầu này vì việc thanh toán đã không thực hiện vào ngày đã định và mức lãi suất mà nguyên đơn yêu cầu trong thời gian nêu trên cũng không có gì là vô lí trong thương mại quốc tế. Vì thế ủy ban trọng tài đã đồng ý với mức lãi suất nói trên.
4.8. Điều khoản về trách nhiệm hợp đồng
Trong thực tiễn thực hiện các hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế không phải lúc nào các bên cũng thực hiện hoặc/và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình. Điều đó cũng có nghĩa là các bên có thể vi phạm nghĩa vụ của mình. Chính vì vậy việc quy định trách nhiệm của các bên khi vi phạm hợp đồng không những có tác dụng răn đe các bên phải thực hiện đúng nghĩa vụ của mình mà còn có tác dụng bảo vệ lợi ích của bên bị thiệt hại do vi phạm hợp đồng. Ngược lại, có những trường hợp việc không thực hiện được nghĩa vụ là do những sự cố khách quan, trong những trường hợp này nếu buộc bên vi phạm phải chịu trách nhiệm là không công bằng. Chính vì vậy loại trừ trách nhiệm của bên vi phạm trong những trường hợp đó là cần thiết. Vì lẽ đó các bên khi kí kết hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế nên thỏa thuận quy định về trách nhiệm do vi phạm hợp đồng cũng như các trường hợp loại trừ trách nhiệm.
4.9. Điều khoản về luật áp dụng cho hợp đồng
Một trong những đặc điểm của hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế đó là có thể được điều chỉnh bởi điều ước quốc tế, pháp luật quốc gia, tập quán quốc tế hoặc/và bởi các đạo luật mẫu. Về mặt nguyên tắc các bên có quyền thỏa thuận chọn luật áp dụng cho hợp đồng. Trong trường hợp các bên không thỏa thuận lựa chọn thì các quy tắc của tư pháp quốc tế được áp dụng để chọn ra hệ thống pháp luật điều chỉnh nội dung của hợp đồng khi cần thiết. Điều này sẽ dẫn tới hệ quả có thể luật được áp dụng là luật mà một trong các bên hoặc các bên chưa biết hoặc chưa nắm kĩ, như vậy nếu cuộc chiến pháp lí xảy ra bất lợi là đã rõ. Hơn nữa cùng một nội dung hợp đồng nhưng nếu áp dụng các hệ thống pháp luật khác nhau để điều chỉnh thì sẽ cho ra những hệ quả không giống nhau. Do vậy đề tránh những tranh chấp không đáng có, tốt hơn hết và an toàn hơn hết là khi các bên kí kết hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế cần thỏa thuận chọn hệ thống pháp luật áp dụng mà mình đã biết rõ về nó.
4.10. Điều khoản về giải quyết tranh chấp
Trong quan hệ thương mại quốc tế do nhiều nguyên nhân khác nhau như sự khác biệt về pháp luật, ngôn ngữ, tập quán…và nhất là sự thay đổi về điều kiện thực hiện hợp đồng nên các tranh chấp phát sinh giữa các bên liên quan nhiều khi là điều khó tránh khỏi. Khi phải đương đầu với các tranh chấp phát sinh từ các hợp đồng thương mại quốc tế các bên luôn mong muốn làm thế nào để giải quyết các tranh chấp đó một cách nhanh chóng, suôn sẻ, đạt được hiệu quả cao nhất mà vẫn giữ được uy tín và bí mật kinh doanh[14]. Muốn đạt được điều đó khi các bên kí kết hợp đồng cần nghiên cứu và thỏa thuận trước về cơ chế giải quyết tranh chấp như là thủ tục giải quyết tranh chấp, phương pháp giải quyết tranh chấp và cơ quan giải quyết tranh chấp. Trong thực tiễn mua bán hàng hóa quốc tế thì các bên thường thỏa thuận giải quyết tranh chấp bằng trọng tài và thủ tục tố tụng trọng tài.
Tóm lại, có thể nói rằng, trong thực tiễn kinh doanh, không phải lúc nào các bên cũng gặp gỡ trực tiếp để tiến hành đàm phán và kí hợp đồng. Để kí kết một hợp đồng hoặc thực hiện một thương vụ, các bên thường chỉ trao đổi rất nhanh thông tin dưới hình thức văn bản (đơn chào hàng, đơn đặt hàng, hợp đồng, tài liệu kĩ thuật…) qua Telex, Fax, thư tín, hoặc thậm chí có trường hợp không có văn bản đầy đủ. Nếu mọi việc diễn ra suôn sẻ thì không có vấn đề gì đáng nêu ra, tuy nhiên nếu có bất cứ một khó khăn nào phát sinh thì những thiếu sót, lỗi lầm hoặc sơ hở dù nhỏ mấy cũng có hậu quả nghiêm trọng khó lường. Chính vì vậy trước khi tiến hành kí kết bất kì hợp đồng nào, việc soạn thảo chặt chẽ các văn bản hoặc hợp đồng mua bán, phụ lục kèm theo như tài liệu kĩ thuật hay miêu tả về hàng hóa…phải được đặc biệt coi trọng. Mọi chi tiết chưa rõ ràng cần được làm sáng tỏ ngay để tránh những tranh chấp dẫn đến những thiệt hại lẽ ra đã có thể không xảy ra nếu chặt chẽ hơn trong việc xác lập các điều khoản cơ bản trong hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế.
Các vụ việc tiêu biểu trích dẫn trong bài viết được dẫn chiếu từ cuốn “50 phán quyết trọng tài quốc tế chọn lọc” của Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC).
Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900 6162 để được giải đáp.
Rất mong nhận được sự hợp tác!
Trân trọng./.
Luật Minh Khuê - Sưu tầm & biên tập