Mục lục bài viết
Câu hỏi được biên tập từ chuyên mục tư vấn luật Doanh nghiệp của Công ty luật Minh Khuê
>> Luật sư tư vấn pháp luật Doanh nghiệp, gọi: 1900.6162
Trả lời:
Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận luật sư tư vấn pháp luật của Công ty Luật Minh Khuê. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ luật sư của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:
1. Cơ sở pháp lý:
Luật Doanh nghiệp năm 2014
Thông tư 92/2015/ TT-BTC hướng dẫn thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân
2. Luật sư tư vấn:
Căn cứ theo Luật Doanh nghiệp năm 2014, cổ đông phổ thông không được rút vốn đã góp bằng cổ phần phổ thông ra khỏi công ty dưới mọi hình thức, trừ trường hợp được công ty hoặc người khác mua lại cổ phần. Vì vậy, cổ đông công ty cổ phần có thể lựa chọn các phương thức rút vốn khỏi công ty như sau:
- Yêu cầu công ty mua lại cổ phần của mình
- Chuyển nhượng số cổ phần của mình cho tổ chức, cá nhân khác
Yêu cầu công ty mua lại số cổ phần của mình
Căn cứ theo Điều 129 Luật Doanh nghiệp 2014 “Cổ đông biểu quyết phản đối nghị quyết về việc tổ chức lại công ty hoặc thay đổi quyền, nghĩa vụ cổ đông quy định tại Điều lệ công ty có quyền yêu cầu công ty mua lại số cổ phần của mình.”
Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nghị quyết trên của Đại hội đồng cổ đông được thông qua, các cổ đông phổ thông có yêu cầu công ty mua lại cổ phần của mình cần phải gửi yêu cầu bằng văn bản cho Hội đồng quản trị công ty. Yêu cầu phải được thể hiện bằng văn bản, trong đó nêu rõ tên, địa chỉ của cổ đông, số cổ phần của từng loại, giá dự định bán, lý do yêu cầu công ty mua lại. Công ty phải mua lại cổ phần theo yêu cầu của cổ đông nêu trên với giá thị trường hoặc giá được tính theo nguyên tắc quy định tại Điều lệ công ty trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu. Trường hợp không thỏa thuận được về giá thì các bên có thể yêu cầu một tổ chức thẩm định giá chuyên nghiệp định giá. Công ty giới thiệu ít nhất 03 tổ chức thẩm định giá chuyên nghiệp để cổ đông lựa chọn và lựa chọn đó là quyết định cuối cùng.
Chuyển nhượng số cổ phần của mình cho tổ chức, cá nhân khác
Trong thời hạn 3 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, cổ đông sáng lập có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho cổ đông sáng lập khác và chỉ được chuyển nhượng cổ phần phổ thông của mình cho người không phải là cổ đông sáng lập nếu không được sự đồng ý của Đại hội đồng cổ đông. Trong trường hợp Điều lệ công ty không có quy định khác, nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông về việc chuyển nhượng được thông qua khi có ít nhất 51% số cổ đông dự họp tán thành, căn cứ theo Khoản 2 Điều 144 Luật Doanh nghiệp năm 2014.
Như vậy, đối với trường hợp của bạn, công ty của bạn đã hoạt động trên 3 năm do đó bạn có quyền tự do chuyển nhượng phần vốn góp của mình cho các cổ đông trong công ty hoặc cho người ngoài công ty. Việc chuyển nhượng được thực hiện thông qua hợp đồng chuyển nhượng, lưu giữ nội bộ tại công ty và các bên liên quan. Căn cứ theo Nghị định 108/2018/NĐ-CP sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 78/2015/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp có hiệu lực từ ngày 20/8/2018, kể từ ngày nghị định này có hiệu lực, doanh nghiệp thực hiện chuyển nhượng cổ phần trong công ty không cần phải báo cáo tại Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp tỉnh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở. Các bên tự nguyện thỏa thuận thông qua hợp đồng chuyển nhượng và lưu giữ nội bộ tại công ty, lưu ký tại Sổ đăng ký cổ đông, Giấy chứng nhận cổ phần hoặc tài liệu pháp lý có giá trị tương đương.
Thuế phải nộp đối với chuyển nhượng chứng khoán
Cá nhân phát sinh thu nhập với hoạt động chuyển nhượng cổ phần có nghĩa vụ nộp thuế trên giá trị chuyển nhượng nhận được theo Thông tư 92/2015/TT-BTC hướng dẫn một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân quy định như sau:
Thu nhập tính thuế từ chuyển nhượng chứng khoán được xác định là giá chuyển nhượng chứng khoán từng lần.
Đối với chứng khoán của công ty đại chúng giao dịch trên Sở Giao dịch chứng khoán, giá chuyển nhượng chứng khoán là giá thực hiện tại Sở Giao dịch chứng khoán. Giá thực hiện là giá chứng khoán được xác định từ kết quả khớp lệnh hoặc giá hình thành từ các giao dịch thỏa thuận tại Sở Giao dịch chứng khoán.
Đối với chứng khoán không thuộc trường hợp nêu trên, giá chuyển nhượng là giá ghi trên hợp đồng chuyển nhượng hoặc giá thực tế chuyển nhượng hoặc giá theo sổ sách kế toán của đơn vị có chứng khoán chuyển nhượng tại thời điểm lập báo cáo tài chính gần nhất theo quy định của pháp luật về kế toán trước thời điểm chuyển nhượng.
Cá nhân chuyển nhượng chứng khoán nộp thuế theo thuế suất 0,1% trên giá chuyển nhượng chứng khoán từng lần.
Cách tính thuế:
Thuế thu nhập cá nhân phải nộp = Giá chuyển nhượng chứng khoán từng lần x Thuế suất 0,1%
Như vậy, đối với trường hợp của bạn, công ty không phải công ty đại chúng đã niêm yết tại Sở giao dịch chứng khoán, do đó, thuế thu nhập cá nhân bạn phải nộp được tính bằng 0,1% giá chuyển nhượng được căn cứ theo hợp đồng chuyển nhượng vốn góp giữa các bên.
Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900.6162 để được giải đáp.
Rất mong nhận được sự hợp tác!
Trân trọng./.
Bộ phận tư vấn pháp luật Doanh nghiệp - Công ty luật Minh Khuê